Làng nghề giấy Phong Khê, phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, hiện có 341 cơ sở sản xuất, chủ yếu sản xuất các loại giấy vệ sinh, giấy kraft, giấy vàng mã, tạo việc làm cho gần 4.000 lao động; trong đó, có 228 hộ sản xuất, kinh doanh giấy xây dựng trong khu dân cư. Phần lớn các cơ sở sản xuất sử dụng máy móc, công nghệ lạc hậu, năng suất sản xuất thấp, gây ô nhiễm môi trường nước, đất, không khí, tiếng ồn nghiêm trọng.
Tập trung xử lý dứt điểm sai phạm
Thực hiện sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, từ tháng 11/2021, Ủy ban nhân dân thành phố Bắc Ninh đã có nhiều cuộc kiểm tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm tại làng nghề giấy Phong Khê, đồng thời tổ chức nhiều cuộc họp bàn về lộ trình di dời các hộ dân sản xuất giấy ra khỏi địa bàn, bảo đảm các yếu tố môi trường bền vững.
Đáng chú ý, từ ngày 10/7 đến 20/8/2024, thành phố đã thành lập bảy tổ công tác và một đoàn kiểm tra liên ngành đến 100% số doanh nghiệp giấy trên địa bàn khu dân cư phường Phong Khê để xác lập lại biên bản ghi nhớ cam kết dừng sản xuất theo lộ trình. Trong quá trình kiểm tra, xử lý, đoàn công tác kết hợp tuyên truyền, vận động chủ cơ sở sản xuất dừng hoạt động theo đúng lộ trình của đề án. Phường Phong Khê cũng tổ chức gặp mặt, tuyên truyền, lắng nghe các ý kiến của doanh nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Thu, khu Dương Ổ, phường Phong Khê cho biết: Sau gần 20 năm hoạt động, cơ sở sản xuất giấy của gia đình đã tự nguyện dừng sản xuất do không đáp ứng các tiêu chí về môi trường. Máy móc dừng hoạt động, chỉ còn ít công nhân đang thu dọn, phân loại phế liệu từ giấy để bán cho các cơ sở tái chế giấy khác. Ủng hộ chủ trương của tỉnh, của thành phố, chị Thu mong muốn các cơ quan chức năng tạo điều kiện để cơ sở tiếp tục sản xuất đến hết năm 2024 và sớm tìm, giới thiệu địa điểm mới có hạ hầng bảo đảm, năng lực xử lý môi trường tốt để gia đình có thể sớm di chuyển máy móc, nhà xưởng để tiếp tục sản xuất, kinh doanh, tạo thu nhập và công ăn việc làm ổn định.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Bắc Ninh Nguyễn Mạnh Hiếu cho biết: Từ ngày 10/7 đến nay, thành phố đã lập đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra 70/228 cơ sở sản xuất trong khu dân cư, có bảy cơ sở sản xuất không hợp tác. Quá trình kiểm tra cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất giấy và 53 cơ sở sản xuất hơi thương phẩm đang vi phạm về bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy, an toàn điện, an toàn lao động, vi phạm về nộp thuế và xây dựng các công trình trái phép.
Hiện còn 132 đơn vị đang hoạt động. Đoàn kiểm tra liên ngành đặt mục tiêu đến tháng 11 kiểm tra toàn bộ các đơn vị sản xuất giấy; sẽ lập tức đóng cửa sản xuất đối với tất cả các cơ sở vi phạm, không phải chờ đến hạn cuối 31/12/2024 mới thực thi. Song song với đó, các lực lượng chức năng sẽ tiến hành kiểm tra các cơ sở trong Cụm công nghiệp I, II, sai đâu, đóng cửa đó, không chờ đến lộ trình năm 2029 - Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Bắc Ninh Nguyễn Mạnh Hiếu nhấn mạnh.
Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế
Chiều 5/9, tại hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp sản xuất giấy tại phường Phong Khê do Ủy ban nhân dân thành phố Bắc Ninh tổ chức, các cơ sở sản xuất giấy cơ bản thống nhất với chủ trương di dời của thành phố. Ông Phạm Ngọc Long, đại diện cho các hộ dân ở Phong Khê cho biết, người dân cơ bản đều đồng lòng ủng hộ đề án xử lý ô nhiễm môi trường mà tỉnh và thành phố đã đề ra, nhưng mong muốn chính quyền giãn lộ trình đóng cửa các nhà máy để giải quyết các vấn đề tồn đọng như hàng hóa, nợ nần và ổn định cuộc sống. Đồng thời mong muốn được di dời đến nơi sản xuất mới do tỉnh, thành phố sắp xếp tại địa bàn gần hơn như Cụm công nghiệp Tam Đa, Dũng Liệt (Yên Phong).
Tại buổi đối thoại, lãnh đạo thành phố Bắc Ninh cho biết việc di dời các hộ sản xuất sẽ được thực hiện theo đúng lộ trình. Để tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, thành phố đang trình các cơ quan chức năng phê duyệt hỗ trợ không quá 200 triệu đồng/hộ khi di dời. Đồng thời, giới thiệu địa điểm tại các khu, cụm công nghiệp Quảng Chu-Bắc Kạn và Việt Sơn-Lào Cai sẽ đón nhận các cơ sở, doanh nghiệp có nhu cầu tiếp tục sản xuất. Thành phố cũng sẽ làm việc với Ban Quản lý các Khu công nghiệp để xúc tiến giới thiệu việc làm cho gần 4.000 lao động đến các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp hoặc trên địa bàn thành phố làm việc, với mức lương cam kết bằng hoặc hơn mức lương cũ làm việc tại các cơ sở sản xuất giấy.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 8 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn một lần nữa khẳng định nhất quán quan điểm của tỉnh Bắc Ninh không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Thời gian qua, tỉnh đã và đang thực hiện triệt để, đồng bộ nhiều giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường nhưng kết quả thực hiện vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh, “Đối với các cơ sở tại làng nghề Phú Lâm (huyện Tiên Du), Phong Khê (thành phố Bắc Ninh), Văn Môn (Yên Phong) nếu vi phạm về môi trường, giấy phép xây dựng, xả thải trái phép đều có thể áp dụng biện pháp mạnh nhất là đóng cửa hoạt động, kiên quyết không châm chước và không thỏa hiệp”.
Xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề ở Bắc Ninh là câu chuyện đã lâu nhưng chưa thấy hồi kết. Tin rằng với lộ trình triển khai phù hợp, những thông điệp mạnh mẽ về môi trường của chính quyền gửi đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cùng sự quyết liệt trong triển khai sẽ góp phần xây dựng một Bắc Ninh xanh, sạch, đẹp, phát triển bền vững trong thời gian không xa.