Bắc Ninh: Gần 1.000 đại biểu tham dự tập huấn công tác truyền thông trong lĩnh vực giáo dục

Chiều 22/5, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị tập huấn truyền thông về giáo dục và đào tạo với sự tham dự của gần 1.000 đại biểu gồm đội ngũ cán bộ quản lý, thủ trưởng các đơn vị, cơ sở giáo dục trong toàn ngành.
0:00 / 0:00
0:00
Gần 1.000 đại biểu tham dự hội nghị huấn truyền thông về giáo dục và đào tạo.
Gần 1.000 đại biểu tham dự hội nghị huấn truyền thông về giáo dục và đào tạo.

Hội nghị nhằm trang bị thêm kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, giáo viên làm công tác truyền thông trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, góp phần thông tin chính xác, kịp thời và hiệu quả các chủ trương, chính sách, nâng cao chất lượng tuyên truyền của ngành giáo dục, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe cán bộ Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) giới thiệu, cung cấp những kiến thức cơ bản về công tác quản trị truyền thông, xử lý khủng hoảng truyền thông trong giáo dục; các kỹ năng phát ngôn, giao tiếp, ứng xử trong khủng hoảng truyền thông; các nguyên tắc quan hệ với báo chí…

Cùng với đó, Ban Tổ chức đã dành nhiều thời gian để các cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp trao đổi, đặt câu hỏi, tương tác với diễn giả về một số vấn đề liên quan đến kỹ năng sử dụng mạng xã hội để thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông trong giáo dục; xây dựng và định hình mạng lưới truyền thông để thống nhất, kịp thời cung cấp thông tin chỉ đạo, điều hành đến học sinh, phụ huynh và xã hội…

Bắc Ninh: Gần 1.000 đại biểu tham dự tập huấn công tác truyền thông trong lĩnh vực giáo dục ảnh 2

Quang cảnh hội nghị.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thế Sơn, công tác truyền thông trong giáo dục là một nhiệm vụ quan trọng, một trong năm giải pháp cơ bản được ngành giáo dục và đào tạo đề ra nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo.

Thông tin về giáo dục luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của những người trong toàn ngành mà còn đối với toàn xã hội. Nếu truyền thông đúng cách, đúng hướng sẽ giúp truyền tải thông tin minh bạch những chủ trương, chính sách giáo dục, thông tin hoạt động của ngành tới người dân và cộng đồng.

Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn thông tin được tiếp cận đa dạng, đa chiều như hiện nay, công tác truyền thông đúng hướng còn giúp cơ sở giáo dục có thể tiếp nhận, xử lý các vấn đề phát sinh, từ đó kịp thời điều chỉnh trong công tác quản lý, chỉ đạo, đấu tranh với những quan điểm sai trái, định hướng dư luận…