Ba “điểm nghẽn” của thành phố Thủ Đức cần tháo gỡ để bứt phá

NDO - Thủ Đức đang gặp nhiều vấn đề trong thực tế vận hành hoạt động, trong đó, có thể tập hợp thành 3 nhóm vấn đề lớn: thể chế, cơ chế đặc thù; cơ sở hạ tầng đô thị; nhân lực.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo khoa học.
Quang cảnh hội thảo khoa học.

Ngày 16/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ phối hợp Trường Đại học Tài chính-Marketing tổ chức hội thảo khoa học giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn”, nhằm tạo sự “bứt phá” trong phát triển qua thực tiễn chính quyền đô thị kiểu mới thành phố Thủ Đức.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh vừa thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị hành chính (quận Thủ Đức, quận 2 và quận 9) khoảng 2 năm nay, thành phố Thủ Đức đang gặp nhiều vấn đề trong thực tế vận hành hoạt động.

Thành phố có những vấn đề thuộc về khách quan, những vấn đề thuộc về cơ chế chính sách và cả con người thực hiện. Trong đó, có thể tập hợp thành 3 nhóm vấn đề lớn: thể chế, cơ chế đặc thù; cơ sở hạ tầng đô thị; nhân lực.

“Kỳ vọng Thủ Đức trở thành đô thị sáng tạo tương tác cao, thành phố kinh tế tri thức và trí tuệ nhân tạo, động lực tăng trưởng của Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực, trở thành mô hình chính quyền hiệu quả, là kiểu mẫu để áp dụng cho các đô thị khác, sẽ khó đạt được nếu như không giải tỏa 3 nhóm vấn đề đang “tắc nghẽn” nêu trên”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ nhấn mạnh.

Ba “điểm nghẽn” của thành phố Thủ Đức cần tháo gỡ để bứt phá ảnh 1

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ phát biểu tại hội thảo khoa học.

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, thực tế này cho thấy, cần có những bước đi trong cả trước mắt lẫn dài hạn về giải pháp, kế hoạch tái cấu trúc cơ cấu nhân sự.

Trong đó, nên cân nhắc tỷ lệ ngày càng cao nhân lực số trong thời gian tới nhằm tạo đà cho việc thực hiện thành công chiến lược phát triển nhanh và bền vững hơn cho thành phố Thủ Đức.

Với dân số khoảng 1,2 triệu người, 34 phường trực thuộc, thành phố Thủ Đức là 1 đơn vị hành chính có quy mô diện tích, dân số, khối lượng công việc lớn của Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, với các vấn đề thực tiễn hiện nay, các hoạt động quản lý và tổ chức bộ máy của Thủ Đức cơ bản vẫn chỉ là 1 đơn vị hành chính như nhiều đơn vị quận, huyện khác của Thành phố Hồ Chí Minh. Thực tiễn này gây khó khăn lớn cho việc quản trị, quản lý vì quy mô diện tích và dân số lớn với nhiều hoạt động kinh tế-xã hội như hiện nay.

Từ những khó khăn trên, các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra giải pháp phát triển nguồn nhân lực số cho sự phát triển bền vững của thành phố Thủ Đức.

Cụ thể, xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động hướng đến việc đầu tư nguồn nhân lực số hỗ trợ cho Thủ Đức trong các khâu quản lý hành chính; ưu tiên, khuyến khích thu hút đầu tư với các tập đoàn, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa…

Các chuyên gia cũng cho rằng, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững…, Thủ Đức cần chú trọng đến thực hiện quy hoạch chung.

Trong quy hoạch cần đề xuất các cơ chế đặc thù về cả vốn lẫn cơ chế để có thể có các điều chỉnh cần thiết, cập nhật quy hoạch tích hợp phát triển đô thị toàn diện, cân bằng có định hướng dài lâu nhất có thể.

“Do chỉ tiêu kỳ vọng thành phố Thủ Đức sẽ đóng góp khoảng 30% GRDP Thành phố Hồ Chí Minh là hơi cao so với xuất phát điểm, nên cần xây dựng lộ trình phù hợp, ưu tiên nguồn lực và đặc biệt là ban hành cơ chế chính sách đặc thù mới trở thành hiện thực”, Tiến sĩ Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất.

Tiến sĩ Dư Phước Tân đề xuất thêm rằng, Trung ương có thể cho phép triển khai thí điểm đối với những cơ chế chính sách mới đối với thành phố Thủ Đức (như thí điểm mô hình đô thị mới) trong thời gian cho phép, sau đó sẽ tổng kết và quyết định có nên áp dụng tiếp trong giai đoạn về sau hay không...