Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu đối với các quốc gia, mọi lĩnh vực, ngành nghề.
Hiện, chuyển đổi số đang được triển khai hết sức nhanh chóng, quyết liệt từ cấp Chính phủ, bộ, ngành đến các tỉnh, thành phố, địa phương, doanh nghiệp ở Việt Nam. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2020, thành phố đã thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, giúp hoàn thiện cấu trúc chính quyền điện tử, phục vụ mục tiêu chiến lược xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. |
Năm 2020, Thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức ban hành Chương trình “Chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh” với mục tiêu tổng quát là phát triển chính quyền số, kinh tế số, chuyển đổi số trong các ngành. Thành phố đặt ra tầm nhìn, mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2030 Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.
Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức chia sẻ, với kỳ vọng thành phố Thủ Đức sẽ là hạt nhân để thúc đẩy Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ phát triển thành khu vực dẫn dắt kinh tế, với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, việc triển khai chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh tại thành phố Thủ Đức vẫn gặp một số khó khăn. Còn nhiều câu hỏi được đặt ra với thành phố Thủ Đức, đó là: Mô hình nào, phương thức nào để triển khai chuyển đổi số một cách đồng bộ và hiệu quả trong bối cảnh nguồn lực hiện có?.
“Thành phố Thủ Đức xác định chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh là hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, cùng các chuyên gia công nghệ phải đồng hành cùng nhau đưa ra những phương thức và bước đi thích hợp xây dựng thành phố có chất lượng môi trường sống tốt cho người dân, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội”, ông Nguyễn Kỳ Phùng nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học, chuyên gia tập trung trao đổi, thảo luận các chủ đề chính về: Thành phố thông minh chuyển đổi số trong doanh nghiệp sản xuất và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thực trạng và thách thức của quá trình chuyển đổi số; các giải pháp công nghệ, chiến lược chuyển đổi số trong viễn thông, tài chính-ngân hàng trong tương lai; tiềm lực hợp tác trong chiến lược chuyển đổi số giữa Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Thủ Đức và chuyên gia từ Cộng hòa Liên bang Nga.
Là 1 trong 2 đơn vị giáo dục đại học lớn nhất của Việt Nam, đồng thời nằm trên địa bàn thành phố Thủ Đức, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển thành phố Thủ Đức thành Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông thành phố, là khu vực dẫn dắt kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Thành phố Hồ Chí Minh trong các hoạt động kinh tế tri thức như đào tạo, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao. Phát triển Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm công nghệ giáo dục, ứng dụng khoa học công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo.