Nhiều cử tri đã gửi gắm nguyện vọng mong muốn các đại biểu Quốc hội kiến nghị Quốc hội xem xét có chính sách đặc thù, bổ sung biên chế để thành phố Thủ Đức thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và chính quyền đô thị, phục vụ người dân tốt hơn. Qua đó, tạo điều kiện cho thành phố Thủ Đức phát triển xứng tầm, đóng góp 1/3 vào tổng sản phẩm trong nước (GDP) của TP Hồ Chí Minh và 8% GDP của cả nước như tinh thần Nghị quyết số 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh.
Ông Lương Minh Thiện, cử tri phường Tam Phú nêu vấn đề: vừa qua, thông qua Hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Củ Chi và Hóc Môn do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký đầu tư với tổng số vốn hàng nghìn tỷ đồng. Từ kết quả này, cử tri thành phố Thủ Đức mong muốn việc xúc tiến đầu tư được TP Hồ Chí Minh quan tâm tổ chức ở thành phố Thủ Đức vì dư địa để phát triển thành phố Thủ Đức còn rất nhiều, tạo động lực để thành phố phát triển xứng tầm.
Cũng theo ông Thiện, Nghị quyết số 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề ra mục tiêu, thành phố Thủ Đức đóng góp 1/3 GDP của TP Hồ Chí Minh và 8% GDP của cả nước, là cực tăng trưởng mạnh cho TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiện số lượng cán bộ công chức của thành phố Thủ Đức chỉ tương đương khung biên chế của các quận khác, trong khi đây lại là “thành phố trong Thành phố”. Do đó, đại biểu Quốc hội cần đề xuất Quốc hội xem xét có cơ chế phù hợp về định biên cán bộ công chức để phục vụ người dân tốt hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển đặt ra.
Bên cạnh đó, nhiều cử tri cũng nêu lên một số tồn tại, hạn chế cần được Quốc hội, Chính phủ, TP Hồ Chí Minh quan tâm đầu tư cho thành phố Thủ Đức như: đầu tư, xây dựng các trường mầm non giữ trẻ cho con em công nhân lao động, các địa điểm vui chơi giải trí phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và đời sống của người lao động, nhà ở cho người thu nhập thấp; đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở phía đông thành phố, mở ra các hướng kết nối giao thông với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai…
Chia sẻ với những trăn trở của cử tri thành phố Thủ Đức, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, những ý kiến đề đạt của cử tri là thẳng thắn và hoàn toàn chính đáng như: việc thiếu cơ sở giáo dục mầm non cho con em người lao động, hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội còn yếu và thiếu, vấn đề tham nhũng chưa được ngăn chặn ngay từ đầu, thực trạng tiến sĩ đang gây nhiều bàn cãi, vấn đề an ninh mạng… Đây là những vấn đề bức xúc cần được chính quyền lắng nghe, quan tâm, tháo gỡ.
“Việc gì chưa đúng, chưa hoàn thiện thì bản thân lãnh đạo thành phố Thủ Đức phải lắng nghe cử tri, tôn trọng cử tri, trực tiếp đối thoại với dân, để kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc mà người dân nêu ra, kể cả Chủ tịch UBND Thành phố, đại biểu Quốc hội cũng phải quan tâm lắng nghe”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị.
Về cơ chế đặc thù cho thành phố Thủ Đức, Chủ tịch nước nêu vấn đề nếu không có cơ chế đặc thù thì làm sao một thành phố có hơn 1,2 triệu dân tương đương với dân số thành phố Đà Nẵng có thể hoạt động được? Với vướng mắc này, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng đang tổng hợp, đề xuất kiến nghị để Quốc hội xem xét giải quyết và điều này là hoàn toàn hợp lý.
Chủ tịch nước cũng thông tin với cử tri một số tình hình quan trọng của đất nước như: sau đại dịch, kinh tế đất nước dần ổn định, chính sách tài khóa, tiền tệ ổn định, kinh tế vĩ mô, việc làm được quan tâm giải quyết; các khu công nghiệp, nhà máy lớn đã hoạt động trở lại, giải quyết công việc cho người lao động.
Đặc biệt là Hội nghị Trung ương 5 Khóa XIII vừa kết thúc, tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Qua đó, góp phần quản lý chặt chẽ hơn việc giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án theo hướng minh bạch hơn, ngăn chặn và hạn chế tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai…