Cần cơ chế đặc thù để thành phố Thủ Đức phát triển

Ðược hình thành từ sự sáp nhập quận 2, quận 9, quận Thủ Ðức, nhưng thành phố Thủ Ðức (Thành phố Hồ Chí Minh) vẫn là đơn vị hành chính cấp huyện. Ðiều này đang kìm hãm sự phát triển không chỉ thành phố Thủ Ðức mà còn cả Thành phố Hồ Chí Minh. Cần một cơ chế đặc thù đủ mạnh với cơ chế phân cấp, phân quyền cụ thể để thành phố Thủ Ðức phát triển…
0:00 / 0:00
0:00
Một góc đô thị thành phố Thủ Ðức, Thành phố Hồ Chí Minh.
Một góc đô thị thành phố Thủ Ðức, Thành phố Hồ Chí Minh.

Thành phố Thủ Ðức được thành lập từ ngày 1/1/2021, là mô hình "thành phố trong thành phố" đầu tiên của cả nước, được kỳ vọng đóng góp khoảng 30% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) toàn thành phố, tương đương 7% GDP cả nước. Thành phố Thủ Ðức cũng được kỳ vọng trở thành một hình mẫu khu đô thị sáng tạo, một cực tăng trưởng mới dẫn dắt kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Theo Bí thư Thành ủy Thủ Ðức Nguyễn Hữu Hiệp, sau gần hai năm thành lập, đến nay, địa phương này vẫn chưa phát huy tối đa các nguồn lực của mình và cần có một cơ chế phù hợp để phát triển. Nhiều người dân đặt câu hỏi, thành phố Thủ Ðức có phải là "bình mới rượu cũ" hay không? Cứ tưởng "lên" thành phố thì con hẻm gần nhà hết ngập nước nhưng vẫn thấy ngập; việc thu gom rác vẫn y như cũ…

Hiện, dân số của thành phố Thủ Ðức hơn một triệu người, nếu tính khách tạm trú có thể lên 1,5 triệu người. Trong khi đó, biên chế cán bộ lại bị cắt giảm 30% dẫn đến quá tải công việc. Khi chưa sáp nhập, một việc ba người làm, bây giờ, khối lượng công việc đó chỉ một người làm nên giải quyết rất chậm. Sau khi sáp nhập, diện mạo, bộ mặt đô thị của thành phố Thủ Ðức vẫn chưa có gì thay đổi, hạ tầng giao thông vẫn quá tải, hạ tầng xã hội vẫn thiếu và yếu.

Còn theo Tiến sĩ Bùi Ngọc Hiền (Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh), thành phố Thủ Ðức đang đối mặt với ba điểm nghẽn. Thứ nhất là điểm nghẽn về thẩm quyền. Thẩm quyền của chính quyền thành phố Thủ Ðức tổ chức và vận hành trên cơ sở thực hiện quy định trong Hiến pháp là "đơn vị hành chính tương đương" quận, huyện, thị xã của thành phố trực thuộc Trung ương và các quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội về Tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh và Nghị định số 33/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14. Tuy nhiên, các quy định này chưa toàn diện, cụ thể về một mô hình chính quyền địa phương mới. Ít có sự khác biệt về thẩm quyền của chính quyền thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (cụ thể là thành phố Thủ Ðức) so với chính quyền địa phương quận, huyện thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và chính quyền địa phương huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Ðiểm nghẽn thứ hai là thẩm quyền của chính quyền thành phố Thủ Ðức đối với tài chính-ngân sách và quản lý, thu hút đầu tư không có nhiều sự khác biệt, đột phá. Ðiểm nghẽn thứ ba là hệ thống thể chế, chính sách về phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, trí tuệ nhân tạo chưa được hoàn thiện từ cấp độ khung thể chế, chính sách đến các cơ chế, quy định về phát triển ở từng lĩnh vực cụ thể.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh Trần Văn Bảy cho rằng, theo quy định hiện nay, thành phố Thủ Ðức là đơn vị hành chính cấp huyện, do vậy, trước mắt, Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Trung ương tăng cường phân cấp, ủy quyền; tăng thêm biên chế cán bộ; bổ sung một số chức năng, thẩm quyền; tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân; nghiên cứu thành lập thêm Ban đô thị để quyết định các chính sách và giám sát các vấn đề đô thị cho thành phố Thủ Ðức.

Còn theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, cần xin Trung ương thí điểm về ba cơ chế cho thành phố Thủ Ðức, gồm: Thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thẩm quyền trong quản lý đầu tư lĩnh vực đất đai, quy hoạch, xây dựng, môi trường; thẩm quyền trong lĩnh vực tài chính công. Yêu cầu đặt ra đối với chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Thủ Ðức là cần kiến nghị Trung ương thông qua một Nghị quyết của Quốc hội về thành phố Thủ Ðức với những nội dung liên quan đến cơ chế, phân cấp, phân quyền, ủy quyền. Việc thí điểm cho thành phố Thủ Ðức không chỉ có ý nghĩa đối với đô thị này mà có thể áp dụng cho các đô thị khác trên phạm vi cả nước.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong khi chờ cơ chế chính sách mang tính đột phá, căn cứ quy định pháp luật hiện hành, Thành phố Hồ Chí Minh cần chủ động đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Ðức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Ðức ở mức cao hơn so với các quận, huyện để phát huy cao nhất tính hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành. Trong đó, tập trung vào việc phân cấp về thẩm quyền quyết định đầu tư, công tác tổ chức bộ máy, nhân sự, đấu giá đất công, đấu thầu dịch vụ công… nhằm thu hút đầu tư, tạo đà bứt phá cho thành phố Thủ Ðức phát triển.