Với 90% diện tích là đất rừng, huyện Ba Chẽ được quy hoạch là vùng trọng điểm thay đổi cây rừng; có tỷ lệ trồng lim xanh, giổi, lát hoa cao nhất toàn tỉnh. Nhận thức lợi ích từ trồng cây gỗ lớn, được sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích cây rừng ngắn ngày sang trồng các loại cây gỗ lớn lâu năm có giá trị kinh tế cao như lim, lát, giổi, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương.
Chuyển đổi nhận thức của người dân
Huyện Ba Chẽ đã thành lập Tổ công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, cá nhân đăng ký thực hiện trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa; hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống, vay vốn lãi suất thấp, đề xuất phương án trồng cây dược liệu quý của địa phương dưới tán rừng gỗ lớn để người trồng rừng có thêm nguồn thu nhập, "lấy ngắn nuôi dài".
Xã Thanh Sơn có hơn 11.000 ha diện tích tự nhiên, trong đó đất lâm nghiệp chiếm gần 10.000 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 74%. Là địa phương có nguồn thu chủ yếu từ trồng rừng, xã đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án trồng rừng gỗ lớn, Đề án bảo tồn, phát triển một số loài cây dược liệu quý, phân công từng thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ tuyên truyền vận động phụ trách thôn.
Ông Nịnh Văn Năm ở thôn Khe Lọng Ngoài cho biết: "Gia đình có 7,5 ha rừng. Trước đây gia đình tôi chủ yếu trồng cây keo với chu kỳ từ 5-7 năm, cho thu nhập không cao. Được sự tuyên truyền, hỗ trợ một phần giống cây và vốn vay, đến nay, gia đình tôi đã chuyển 5,8 ha rừng sang trồng quế và lim, 1,7 ha trồng ba kích. Trồng cây gỗ lớn về lâu dài sẽ mang lại lợi ích kinh tế cao hơn và bảo vệ môi trường tự nhiên".
Những năm qua, bên cạnh phát triển rừng trồng gỗ lớn, xã Thanh Sơn đã chỉ đạo nhân dân tích cực trồng xen các loại cây dược liệu quế, trà hoa vàng, ba kích... để nâng cao hiệu quả kinh tế. Nhờ đó thu nhập của người trồng rừng từng bước được nâng lên, năm 2023 thu nhập bình quân đạt hơn 66 triệu đồng/người và phấn đấu năm 2024 sẽ đạt hơn 70 triệu đồng/người.
Từ năm 2020 đến nay, xã Thanh Sơn trồng được 585 ha rừng gỗ lớn, chiếm 61% diện tích rừng trồng mới, trong đó diện tích trồng cây lim, lát, giổi là 116,4 ha, keo là 468,6 ha. Xã còn trồng 4.178 cây lâm nghiệp phân tán, góp phần cải thiện môi trường sinh thái, bổ sung nguồn gỗ rừng trồng phục vụ đời sống dân sinh, phát triển kinh tế.
Chương trình trồng rừng gỗ lớn, thay thế cây keo ngắn ngày là hướng đi bền vững, vừa làm giàu cho người dân, vừa bảo vệ đất, rừng, hệ sinh thái trên địa bàn. Các địa phương của huyện Ba Chẽ đã chủ động ban hành kế hoạch chi tiết thực hiện trồng rừng gỗ lớn ngay từ đầu năm, trong đó phân công lãnh đạo và cán bộ, công chức phụ trách đến từng thôn, bản gắn với kiểm điểm trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ được giao định kỳ hằng tháng, quý, năm.
Theo đó, người dân đăng ký trồng rừng cây gỗ lớn được hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống, tối đa 15 triệu đồng/ha và được hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp không quá 20 triệu đồng/ha. Đến nay tổng diện tích đất rừng được hỗ trợ là 1.147 ha với 746 hộ được thụ hưởng chính sách.
Nâng cao giá trị kinh tế từ trồng rừng gỗ lớn
Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Tỉnh ủy Quảng Ninh, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Ba Chẽ đã trồng được hơn 100 ha rừng gỗ lớn gồm các loài như: Lim, giổi, lát và hiện đang mở rộng diện tích, trồng thêm các loại cây có giá trị kinh tế cao như: Sồi phảng, gù hương và cây tếch. Việc trồng các loại cây gỗ lớn vừa nâng cao giá trị rừng, vừa góp phần bảo vệ đất đai, khí hậu, tài nguyên nước… giúp sử dụng tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp một cách có hiệu quả.
Giai đoạn 2021-2024, bình quân mỗi năm huyện Ba Chẽ trồng mới được hơn 3.300 ha rừng, độ che phủ rừng đạt 72,2%, đưa huyện trở thành địa phương đứng đầu toàn tỉnh về phát triển rừng. Riêng diện tích trồng rừng gỗ lớn là 2.686 ha, trong đó diện tích trồng lim, lát, giổi là 1,041 ha; còn lại là keo Australia, thông mã vĩ, sồi phảng.
Đến thời điểm hiện tại, Quảng Ninh vẫn là địa phương nằm trong nhóm có diện tích rừng lớn và đạt tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước; chất lượng rừng được cải thiện, tăng tỷ lệ trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, diện tích rừng ngập mặn đứng đầu khu vực phía bắc.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Chẽ Vi Thành Vinh cho biết: "Tính đến ngày 15/9 khối lượng trồng rừng tập trung trên địa bàn huyện đạt 3.641 ha, trong đó trồng rừng gỗ lớn gồm các loại lim, lát, giổi, sồi, thông… đạt 171,53 ha; xã Đồn Đạc là đơn vị có diện tích trồng lớn nhất, còn lại là các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã".
Thực hiện đề án phát triển rừng trồng gỗ lớn giai đoạn 2019-2025, huyện Ba Chẽ xác định mục tiêu tiếp tục nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng và phát triển lâm nghiệp bền vững, gắn kết theo chuỗi từ trồng rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị lâm sản hàng hóa, phấn đấu đến năm 2025, hình thành và phát triển ổn định vùng gỗ lớn với quy mô 5.000 ha, đáp ứng nhu cầu gỗ lớn phục vụ chế biến và xuất khẩu.
Với mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh Quảng Ninh, huyện Ba Chẽ tập trung các nguồn lực, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, thu hút vốn đầu tư vào trồng rừng và quản lý bảo vệ rừng, từng bước xã hội hóa nghề rừng. Qua đó, hình thành vùng nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến gỗ, tạo chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất lâm nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất lâm nghiệp.
Cùng với đó, Ba Chẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp khuyến khích, hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và người dân trồng rừng gỗ lớn, rừng cảnh quan, sinh thái theo hướng phát triển du lịch và bảo vệ môi trường như lim, lát, giổi và các loại cây dược liệu có giá trị cao. Qua đó, duy trì độ che phủ rừng đến năm 2025 đạt hơn 72% góp phần phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương.
Mục tiêu đến năm 2025 tỉnh Quảng Ninh sẽ tăng giá trị sản xuất từ rừng bình quân đạt 8%/năm, tăng trưởng khoảng 5,5%/năm, năng suất rừng trồng từ 10 m3/ha hiện nay lên 15 m3/ha giai đoạn 2022-2025, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng bình quân khoảng 400.000 m3/năm, sản lượng khai thác lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu từ 3.500 tấn/năm lên 4.000 tấn/năm giai đoạn 2022-2025.