An Giang tăng cường kiểm tra mua bán lớp đất mặt ruộng

NDO - Tỉnh An Giang đang tăng cường tuyên truyền rộng rãi cho nông dân hiểu biết về tác hại của việc lấy lớp mặt đất ruộng bán làm nguyên liệu sản xuất ngói, gạch để hạn chế việc mua bán trái phép này.
0:00 / 0:00
0:00
Một khu vực đất ruộng ở huyện Chợ Mới bị khai thác lớp đất ruộng trở thành vùng trũng.
Một khu vực đất ruộng ở huyện Chợ Mới bị khai thác lớp đất ruộng trở thành vùng trũng.

Thời gian qua, tại các huyện Chợ Mới, Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên… hay xảy ra tình trạng người dân lén bán lớp đất ruộng cho các chủ lò gạch làm nguyên liệu sản xuất gạch, ngói.

Việc lấy lớp đất mặt ở độ sâu từ 0,3-0,5m làm biến dạng địa hình, tạo vùng gò trũng dẫn đến việc canh tác nông nghiệp không đồng bộ có nguy cơ dẫn đến hành vi hủy hoại đất, làm ảnh hưởng đến các điều kiện sản xuất nông nghiệp…

Trong 3 tháng đầu năm 2023, đoàn kiểm tra liên ngành các huyện, thị xã, thành phố ở An Giang phối hợp Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn đã tổ chức kiểm tra phát hiện xử lý 6 trường hợp vi phạm khai thác đất mặt ruộng trái phép và đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt 6 trường hợp với số tiền 37,5 triệu đồng.

Trong năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố ở An Giang đã tổ chức kiểm tra, phát hiện, xử lý 34 trường hợp vi phạm khai thác đất mặt, vận chuyển đất ruộng trái phép và đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt với số tiền hơn 370 triệu đồng.

Để hạn chế việc chủ lò gạch mua lớp mặt đất ruộng, Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang phối hợp cùng Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã, thành phố và Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh sản xuất gạch, ngói; đồng thời tuyên truyền, vận động chuyển đổi công nghệ sang làm gạch không nung phù hợp với môi trường.

Ủy ban nhân dân cấp xã tuyên truyền rộng rãi cho người dân hiểu về tác hại của việc lấy lớp đất mặt ruộng; thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác lớp mặt ruộng theo quy định của pháp luật.

Vận động các chủ cơ sở sản xuất gạch ngói chuyển đổi công nghệ sang làm gạch không nung phù hợp với môi trường (khi cơ sở không có vùng nguyên liệu gạch nung); tăng cường công tác kiểm tra các bãi tập kết đất làm nguyên liệu để sản xuất, phương tiện như xe tải vận chuyển đất lưu thông trên các tuyến đường giao thông.

Ủy ban nhân dân cấp xã rà soát, nắm danh sách các hộ dân trên địa bàn thường xuyên có hoạt động mua, bán lớp đất mặt để tuyên truyền, vận động và cho cam kết không vi phạm.

Trong thời gian tới, tỉnh An Giang sẽ quy hoạch vùng sét làm nguyên liệu sản xuất gạch ngói gồm 23 vùng, quy mô 2046,3ha, trữ lượng quy hoạch là 111.045.764m3 gồm: Thành phố Long Xuyên và Châu Đốc; thị xã Tịnh Biên; các huyện An Phú, Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Tri Tôn, Phú Tân.