Tập trung ruộng đất hướng đến sản xuất quy mô lớn

Thực hiện công nghiệp hóa trong nông nghiệp, những năm qua, tỉnh Hà Nam đã quy hoạch và tập trung ruộng đất được năm khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích 647,35ha và hàng trăm héc-ta ngoài khu nông nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch lúa xuân tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân.
Thu hoạch lúa xuân tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân.

Điều đó đã góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho người sản xuất, xây dựng nền nông nghiệp bền vững, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp.

Là huyện có nhiều diện tích đất cấy lúa của tỉnh Hà Nam, những năm qua Lý Nhân đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện phát triển toàn diện lĩnh vực nông nghiệp; trong đó, chú trọng các mô hình tập trung ruộng đất, liên kết sản xuất tiếp tục được duy trì và nhân rộng, góp phần nâng cao hiệu quả, giá trị kinh tế trên diện tích đất canh tác, bước đầu khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, giá trị thấp.

Mấy năm trở lại đây, trên cánh đồng của xã Nhân Mỹ (Lý Nhân), các vụ lúa đều duy trì tốt sản xuất tập trung lúa chất lượng, lúa hàng hóa trên quy mô diện tích từ 15-50ha; trong đó, ba cánh đồng có tổng diện tích 50ha được liên kết sản xuất lúa hàng hóa với doanh nghiệp.

Bà Trần Thị Hòa, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nhân Mỹ chia sẻ: Tập trung đất đai để nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích đất canh tác là xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, việc duy trì gieo sạ đã không còn phù hợp bởi phải phun nhiều thuốc trừ cỏ mà lúa thường bị nhiễm lúa lạ ảnh hưởng tới chất lượng, năng suất cây trồng, trong khi giá phân bón, vật tư nông nghiệp liên tục biến động, tỷ lệ lao động nông nghiệp nông thôn chuyển mạnh sang các ngành nghề khác…

Do đó, việc tập trung ruộng đất để sản xuất theo hướng quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới vào đồng ruộng… cần được quan tâm, đẩy mạnh, nhất là với cây lúa.

Bởi sản xuất nhỏ lẻ các khoản chi phí đầu tư cao hơn, thu nhập của nông dân đạt thấp, thậm chí có vụ nhiều hộ còn thua lỗ nặng, khi tập trung được ruộng đất sẽ rất thuận lợi cho việc tổ chức sản xuất, giảm được một phần chi phí dịch vụ, ngày công cho hợp tác xã và người dân.

Năng suất và giá trị cây lúa trên cánh đồng sản xuất tập trung tăng từ 5-7% so với sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.

Tại các địa phương của tỉnh, người dân rất ủng hộ chủ trương tập trung ruộng đất sản xuất trên cánh đồng có diện tích lớn để liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.

Hiện tại, cả tỉnh có hàng trăm mô hình tập trung ruộng đất của người dân có diện tích từ 5 đến hơn 20ha, có mô hình rộng từ 30-40ha chuyên sản xuất lúa hàng hóa cung cấp cho doanh nghiệp.

Là huyện sản xuất nông nghiệp của tỉnh, đến nay Bình Lục đã xây dựng được 59 mô hình tập trung ruộng đất với diện tích 458,5ha, tại 17 xã, thị trấn, liên kết với sáu doanh nghiệp. Trong đó trồng trọt là 39 mô hình với diện tích 336,93ha.

Cùng với tích tụ ruộng đất, những năm qua, Bình Lục chủ động đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ, phát triển cây trồng hàng hóa; căn cứ vào thổ nhưỡng, cốt đất của từng vùng, từng xứ đồng và trình độ canh tác của nông dân bố trí cơ cấu giống cây trồng hợp lý để nâng cao năng suất, hiệu quả, giá trị kinh tế.

Việc tổ chức sản xuất lúa trên cánh động tập trung ruộng đất đã hạn chế được tình trạng trên cùng một cánh đồng nhưng có từ 7-10 loại giống lúa như trước đây.

Vì thế, cơ giới hóa cũng được áp dụng rộng rãi, nhất là khâu thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp đạt hơn 95% diện tích.

Có thể khẳng định, việc tập trung ruộng đất là điều kiện thuận lợi để chuyển hướng sản xuất tích cực trên đồng ruộng; qua đó tạo sự thay đổi trong sản xuất với nhiều cánh đồng cùng giống, cùng trà, thuận lợi cho quá trình điều tiết nước, chăm sóc, phòng trừ dịch hại.

Đặc biệt, tập trung ruộng đất gọn vùng, gọn thửa là điều kiện cần thiết để đưa máy móc vào nhiều khâu sản xuất, giảm đáng kể ngày công lao động và giải quyết được triệt để vấn đề thiếu lao động làm nông nghiệp đang diễn ra ở hầu hết các địa phương hiện nay.

Về vấn đề này, ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam đánh giá: Tập trung ruộng đất hướng đến sản xuất nông nghiệp hiệu quả nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân. Thực hiện mục tiêu này, ngành nông nghiệp của tỉnh đã triển khai phát triển toàn diện lĩnh vực nông nghiệp, trong đó quan tâm, đẩy mạnh duy trì và nhân rộng các mô hình tập trung ruộng đất, tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung có liên kết tiêu thụ...

Đây là xu hướng tất yếu để phát triển nông nghiệp bền vững và hiệu quả hơn; đồng thời, thực hiện tốt quy hoạch vùng sản xuất; ưu tiên đầu tư hạ tầng thiết yếu, đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng, các trạm bơm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; khuyến khích xây dựng vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn có liên kết tiêu thụ sản phẩm, đem lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao cho người dân.