Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia, nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện, doanh nghiệp công nghệ tham dự.
Tại hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh, trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể phân tích một lượng lớn dữ liệu lâm sàng nhanh chóng, giúp các chuyên gia y tế xác định sớm dấu hiệu và xu hướng phát triển của bệnh.
Do vậy, các ứng dụng tiềm năng của AI rất rộng, từ phân tích hình ảnh xét nghiệm để phát hiện bệnh, cho đến việc đưa ra các cảnh báo từ kết quả lưu trong hồ sơ sức khỏe điện tử.
Bằng cách tận dụng AI, các hệ thống chăm sóc sức khỏe trở nên thông minh hơn trong việc cung cấp dịch vụ cho người bệnh.
Phân tích xu hướng công nghệ AI phục vụ lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, Thạc sĩ Lê Trần Duy Sang, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ cho biết, tính đến 8/2023, có hơn 21.510 sáng chế ứng dụng công nghệ AI phục vụ lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã đăng ký bảo hộ trên thế giới.
Chuyên gia phân tích xu hướng AI trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. |
Nói về tổng quan về sáng chế ứng dụng công nghệ AI trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe được bảo hộ tại Việt Nam, theo Thạc sĩ Lê Trần Duy Sang, theo cơ sở dữ liệu WIPO Publish của Cục Sở hữu trí tuệ, có 33 sáng chế, giải pháp hữu ích đề cập đến ứng dụng công nghệ AI trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.
Trong đó, có 16 sáng chế, giải pháp hữu ích có chủ đơn là các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp Việt Nam.
Hầu hết các sáng chế, giải pháp hữu ích ứng dụng AI trong hệ thống hỗ trợ phân tích và chẩn đoán bệnh; robot y tế; thiết bị thông minh hỗ trợ theo dõi sức khỏe; hệ thống hỗ trợ chăm sóc và trị liệu cho bệnh nhân...
Các nhà khoa học cho rằng, AI đang dần thay đổi bức tranh toàn cảnh trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và các nghiên cứu trong y sinh học.
Với những tiến bộ gần đây trong việc thu thập dữ liệu số hóa, cơ sở hạ tầng máy học và máy tính, các ứng dụng AI đang mở rộng sang các lĩnh vực trước đây được cho là chỉ dành cho các chuyên gia về chăm sóc sức khỏe con người.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hiền, Trưởng bộ môn Thiết bị y tế, Khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, bên cạnh các chức năng hỗ trợ như: dịch vụ khách hàng, tài chính y tế và quản lý rủi ro, dịch vụ dự đoán và can thiệp, AI đang cho thấy ngày càng có nhiều ứng dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trong việc chẩn đoán bệnh, trong đó có bệnh ung thư.