Chiều 4/10, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh có buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội về kết quả công tác 9 tháng đầu năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ 3 tháng cuối năm.
Theo Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Phan Văn Mến, 9 tháng đầu năm 2023, công tác thu-phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn đạt và tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 2.011.208 người, đạt 94,82% kế hoạch Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao, tăng 76.700 người so với cùng kỳ năm 2022. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 78.319 người, đạt 76,14% kế hoạch, tăng 8.928 người so với cùng kỳ năm 2022. Thành phố đã có gần 7,79 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tăng 214.781 người so với cùng kỳ năm 2022, đạt 98,14% kế hoạch, nâng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế lên 93,29% dân số.
Số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 43.411,9 tỷ đồng, tăng 5.247,6 tỷ đồng (tăng 13,75%) so với cùng kỳ năm 2022, đạt 72,06% kế hoạch giao.
9 tháng đầu năm 2023, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc ở Hà Nội là 2.011.208 người. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 78.319 người. Thành phố đã có gần 7,79 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, nâng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế lên 93,29% dân số.
Mặc dù số người hưởng các chế độ đều tăng nhưng việc giải quyết, chi trả chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp luôn được bảo đảm đầy đủ, kịp thời tới từng người tham gia, thụ hưởng. Qua đó, góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người lao động, đặc biệt là trong bối cảnh việc làm, thu nhập của người dân gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19.
Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động nghiệp vụ tiếp tục được chú trọng. Trong đó, đẩy mạnh việc triển khai tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia; thực hiện số hóa hồ sơ, giấy tờ kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện lộ trình bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân, nhất là tính bền vững đối với phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình. Việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của một số đơn vị sử dụng lao động chưa nghiêm túc. Vẫn tồn tại tình trạng chậm đóng, trốn đóng, không tham gia bảo hiểm xã hội hoặc tham gia bảo hiểm xã hội không đầy đủ cho người lao động. Số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn có dấu hiệu tăng đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Công tác khởi tố, xử lý trốn đóng sau thanh tra gặp nhiều khó khăn… Tại một số cơ sở y tế vẫn xảy ra tình trạng lạm dụng chính sách bảo hiểm y tế; công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế còn nhiều vướng mắc…
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Tâm Trung) |
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chia sẻ những khó khăn, vướng mắc mà Bảo hiểm xã hội Hà Nội gặp phải trong thời gian qua.
Đồng chí biểu dương những cố gắng, nỗ lực của tập thể công chức, viên chức, người lao động thuộc hệ thống Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội. “Trong bối cảnh nền kinh tế-xã hội chung còn nhiều khó khăn, song kết quả mà Bảo hiểm xã hội thành phố đã đạt được trong 9 tháng đầu năm khá nổi bật, nhất là công tác thu, phát triển người tham gia, chuyển đổi số…”, Tổng Giám đốc nhấn mạnh và khẳng định luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để Bảo hiểm xã hội thành phố thực hiện nhiệm vụ.
Xác định nhiệm vụ 3 tháng cuối năm còn nhiều thách thức, Tổng Giám đốc yêu cầu Bảo hiểm xã hội thành phố tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Trung ương và địa phương; chủ động tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; đẩy mạnh công tác phối hợp các sở, ngành. Từ đó, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tại địa phương trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Song song với đó, nâng cao chất lượng công tác truyền thông để tất cả mọi tầng lớp nhân dân đều được tiếp cận với chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Truyền thông đúng thời điểm, đa dạng, có cách thức tiếp cận phù hợp sẽ tạo niềm tin của người dân đối với chính sách của Đảng và Nhà nước.
Tăng cường, chủ động kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; khai thác, phát huy tối đa hiệu quả công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu của ngành để kiểm tra, giám sát, phòng ngừa gian lận, lạm dụng, trục lợi các quỹ.
Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số; tiếp tục thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ. Tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đột xuất với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế có dấu hiệu trục lợi Quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nhằm bảo đảm tuyệt đối quyền lợi của người tham gia.