355 mẫu thiết kế tham dự cuộc thi thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ

Chiều 17/8, Sở Công thương Hà Nội tổ chức chấm điểm các sản phẩm tham dự cuộc thi "Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2023”.
0:00 / 0:00
0:00
Các thành viên Ban giám khảo đánh giá, chấm điểm các mẫu thiết kế tham gia cuộc thi.
Các thành viên Ban giám khảo đánh giá, chấm điểm các mẫu thiết kế tham gia cuộc thi.

Năm nay, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục giao Sở Công thương chủ trì tổ chức cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội với chủ đề “Nâng tầm sáng tạo - lan tỏa tinh hoa nghề thủ công mỹ nghệ Thủ đô”.

Cuộc thi được phát động từ tháng 3/2023, đến nay, ban tổ chức đã nhận được 355 sản phẩm, bộ sản phẩm của 146 tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia.

Các sản phẩm, bộ sản phẩm đều là những sản phẩm thủ công mỹ nghệ có thiết kế mới, tinh xảo, độc đáo, các sản phẩm phong phú đa dạng tiêu biểu cho các nhóm ngành nghề thủ công mỹ nghệ gồm: Khảm trai, gỗ, sừng; đồng, đá; sơn mài; mây tre đan; gốm sứ; lụa, thêu ren.

355 mẫu thiết kế tham dự cuộc thi thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ ảnh 1

Ban tổ chức thông qua các quy chế, tiêu chí chấm điểm mẫu thiết kế.

Ban giám khảo đã xem xét, đánh giá giá chất lượng, chấm điểm, phân định thứ hạng các sản phẩm, bộ sản phẩm thủ công mỹ nghệ đẹp, tiêu biểu, độc đáo nhất dựa trên các tiêu chí như tính sáng tạo, thương mại, thẩm mỹ, thân thiện môi trường và văn hóa truyền thống. Mỗi nhóm sản phẩm sẽ lựa chọn 15 tác phẩm chất lượng nhất để trình Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trao giải.

Các cá nhân tham gia dự thi sẽ được các chuyên gia hướng dẫn, tư vấn, định hướng về thiết kế sản phẩm, hỗ trợ quảng bá, tuyên truyền. Các sản phẩm đoạt giải sẽ được trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ, triển lãm tiêu biểu.

355 mẫu thiết kế tham dự cuộc thi thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ ảnh 2

Các mẫu thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ phải đáp ứng được nhiều tiêu chí như tính thẩm mỹ, thương mại, văn hóa...

Cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nghệ nhân, thợ giỏi, nhà thiết kế phát huy ý tưởng, đổi mới sáng tạo trong hoạt động thiết kế, sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Đồng thời, tái cơ cấu ngành hàng, sản phẩm cho phù hợp với thị hiếu, thị trường, thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ Thủ đô phát triển bền vững, hội nhập quốc tế. Các tác phẩm thiết kế cũng góp phần tôn vinh, quảng bá, giới thiệu hình ảnh, văn hóa và con người Hà Nội, giữ gìn, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống Thủ đô.