Mới đây, Sở Công thương Hà Nội đã tổ chức Triển lãm sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo năm 2022 tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, nhằm giới thiệu những sản phẩm, mẫu thiết kế mới, sáng tạo của các nghệ nhân, chuyên gia, nhà thiết kế trẻ. Các cơ sở công nghiệp nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu, các làng nghề truyền thống của thành phố đã tham gia trưng bày, giới thiệu hơn 600 mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề sáng tạo và độc đáo, có thiết kế mới như gốm sứ, tranh thêu, mây tre đan… do các chuyên gia thiết kế hỗ trợ thực hiện. Chủ tịch Hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc Phạm Khắc Hà chia sẻ: “Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ sau khi đổi mới thiết kế như được thổi luồng gió mới, phù hợp với thị hiếu hơn và mở rộng được thị trường tiêu thụ, được đông đảo khách hàng ưa chuộng”.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Đình Thắng, triển lãm là dịp để công chúng, những người yêu thích, quan tâm đến ngành thủ công mỹ nghệ có thể chiêm ngưỡng những tác phẩm sáng tạo, có giá trị thẩm mỹ, mang tính ứng dụng cao của nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống. Cũng qua triển lãm này, các nhà thiết kế và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn có cơ hội trao đổi thông tin, tư vấn hiệu quả về thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, góp phần tăng cường mối liên kết giữa người thiết kế-thợ thủ công-nhà sản xuất-nhà phân phối và người tiêu dùng.
Cũng theo đại diện Sở Công thương, các sản phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn Hà Nội tuy phong phú, đa dạng, có tính thẩm mỹ và giá trị văn hóa, nhưng có nhiều sản phẩm chưa đáp ứng được tiêu chí tiêu dùng hiện đại, tính ứng dụng vào đời sống chưa cao. Chuyên gia thủ công mỹ nghệ Vũ Huy Thiều đánh giá: “Nếu so sánh với các địa phương khác, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hà Nội thuộc hàng đầu trong cả nước về cả số lượng, số ngành nghề và chất lượng sản phẩm, nhưng nếu so với sản phẩm của nước ngoài thì sản phẩm của Hà Nội vẫn còn yếu thế hơn họ. Nhiều nghệ nhân sáng tạo ra sản phẩm, nhưng họ không hiểu thị trường, không biết sản phẩm đó khách hàng mua và dùng vào việc gì, do đó, các nghệ nhân không hoàn thiện được sản phẩm theo thị hiếu của khách. Các nghệ nhân cần có ý thức tìm hiểu sâu hơn về thị trường để đổi mới sản phẩm cho hiệu quả”.
Do đó, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp như tổ chức các triển lãm, hội chợ, chương trình tập huấn… để hỗ trợ các nghệ nhân, cơ sở sản xuất làng nghề đổi mới thiết kế, mẫu mã, tiếp cận xu hướng của thị trường trong nước và quốc tế, phục vụ xuất khẩu. Hằng năm, thành phố đều tổ chức cuộc thi “Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội” nhằm khích lệ tính sáng tạo của các nghệ nhân, đồng thời lôi cuốn được phong trào sáng tác, đa dạng mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ cho các làng nghề.
Năm nay, cuộc thi “Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội” đã thu hút hơn 300 mẫu sản phẩm mới tham dự. Nghệ nhân Vũ Huy Mến (làng nghề sơn mài Hạ Thái) đã mang đến các sản phẩm thân thiện với môi trường, đồng thời đưa được hình ảnh, chất liệu sơn mài và văn hóa của Việt Nam vào sản phẩm với mong muốn để bạn bè thế giới có thể biết đến nhiều hơn Việt Nam. Theo nghệ nhân Vũ Huy Mến, các sản phẩm tham gia cuộc thi được hỗ trợ thiết kế, tư vấn về kỹ thuật, giúp cho những người thợ nghệ nhân nâng cao thẩm mỹ cũng như ứng dụng được kiến thức của thế giới, từ đó tạo ra các sản phẩm phong phú hơn.
Bên cạnh đó, các chuyên gia nhận định, việc sáng tạo ra sản phẩm mới đã khó, nhưng để các sản phẩm của các nghệ nhân có chỗ đứng vững chắc trên thị trường thì cần phải đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm. Thời gian tới, các nghệ nhân, làng nghề thủ công mỹ nghệ mong rằng, các chương trình hỗ trợ của thành phố sẽ mở rộng và hiệu quả hơn để có thể quảng bá sản phẩm rộng rãi đến thị trường trong và ngoài nước.