Để sản phẩm thủ công mỹ nghệ thích ứng với thị trường

Để các nghề thủ công mỹ nghệ thoát khỏi khó khăn, chinh phục được thị trường, cần có sự kết nối giữa các nghệ nhân với cộng đồng sáng tạo để đổi mới, mang hơi thở đương đại vào sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu trao đổi về những giải pháp đổi mới, phát huy giá trị nghề thủ công truyền thống.
Các đại biểu trao đổi về những giải pháp đổi mới, phát huy giá trị nghề thủ công truyền thống.

Ngày 7/4, tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ (số 50 phố Đào Duy Từ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm phối hợp Hội Di sản văn hóa Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Nghề thủ công truyền thống Hà Nội - Sáng tạo để phát triển”.

Hà Nội là “kinh đô” của các nghề thủ công mỹ nghệ, khu phố cổ trước kia có hàng chục phố nghề, tạo nên bản sắc của Thăng Long - Kẻ Chợ. Thành phố có tới 300 làng nghề chuyên sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, những năm gần đây, các phố nghề thủ công mỹ nghệ, các cửa hàng kinh doanh thủ công mỹ nghệ có xu hướng thu hẹp lại. Trong khi đó, nhiều làng nghề gặp khó khăn do cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp, các sản phẩm nhập khẩu; thiếu nguồn nhân lực kế thừa; nguồn nguyên liệu thiếu và giá thành cao, thị trường tiêu thụ hạn chế…

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm những đề xuất để phát triển nghề thủ công mỹ nghệ Hà Nội. Nhiều ý kiến cho rằng, các nghệ nhân nghề thủ công truyền thống của Hà Nội nói chung, trong Khu phố cổ nói riêng rất cần sự kết nối, tiếp sức của cộng đồng sáng tạo, mà đại diện tiêu biểu là các nhà đầu tư, nhà thiết kế, đội ngũ doanh nhân sáng tạo… Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ sở dữ liệu di sản nghề thủ công truyền thống một cách khoa học, với phương thức quản lý thống nhất, tiếp cận dễ dàng, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng sáng tạo thể nghiệm, thực hành những sáng tạo mới, mang lại những giá trị mới cho di sản. Tạo nguồn quỹ phục vụ bảo tồn, lưu giữ tri thức dân gian nghề truyền thống, cũng như hỗ trợ khơi nguồn thiết kế sáng tạo từ giá trị di sản. Những giải pháp này sẽ mang đến sức sống mới, hơi thở đương đại cho các sản phẩm dựa trên nguồn vốn di sản hay nền tảng tri thức dân gian, qua đó, tiếp cận được thị trường, chinh phục được khách hàng trong nước và quốc tế.