24,5% người lao động trong tổng số 3.000 người được khảo sát cho biết thu nhập đủ trang trải cuộc sống

NDO - 75,5% người lao động, trong tổng số 3000 người được khảo sát, trả lời cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu của họ; 11,2% người lao động cho biết không thể đủ sống. Ngoài thời gian làm việc tại doanh nghiệp, họ phải làm thêm việc khác để kiếm thêm thu nhập.
0:00 / 0:00
0:00
Tình hình, đời sống việc làm, tiền lương của người lao động là căn cứ quan trọng trong quá trình thương lượng tiền lương tối thiểu vùng.
Tình hình, đời sống việc làm, tiền lương của người lao động là căn cứ quan trọng trong quá trình thương lượng tiền lương tối thiểu vùng.

Sáng 8/8, tại Hà Nội, Ban Chính sách-Pháp luật phối hợp Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) tổ chức Hội nghị công bố kết quả khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023.

Khảo sát được tiến hành ở 6 tỉnh, chủ yếu ở vùng 1. Số lượng người lao động được khảo sát là 3.000.

Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Phạm Thị Thu Lan cho biết, kết quả khảo sát cho thấy, có 24,5% người lao động cho biết, tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống; còn lại 75,5% người trả lời cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu của họ. Thậm chí, có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu.

Chỉ có 8,1% người lao động có dư dật, tích lũy từ tiền lương và thu nhập; 11,2% người lao động không thể đủ sống và ngoài thời gian làm việc tại doanh nghiệp họ phải làm thêm việc khác để kiếm thêm thu nhập, bà Lan thông tin thêm.

Tiền lương thấp khiến 17,3% người lao động được khảo sát phải thường xuyên vay nợ dẫn đến 3,1% người lao động thường xuyên bị đe doạ, khủng bố và 45,2% người vay nợ có tâm trạng lo lắng, bất an.

Ngoài ra, có 12,3% người lao động đã từng rút bảo hiểm xã hội một lần, số lần rút trung bình là 1,13 lần, trong đó người rút nhiều nhất là 4 lần.

Cũng theo khảo sát, có 76,2% người lao động tham gia khảo sát muốn làm thêm giờ để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Thời gian làm thêm giờ trung bình mong muốn là 47,2 giờ/tháng.

Tình hình, đời sống việc làm, tiền lương của người lao động là căn cứ quan trọng trong quá trình thương lượng tiền lương tối thiểu vùng.

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam khuyến nghị các bộ ngành, các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản sản xuất kinh doanh, đặc biệt là về nguồn hàng, đơn hàng, vốn, ưu đãi thuế, thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp.

Từ đó tạo việc làm ổn định và thu nhập bền vững cho người lao động. Đồng thời có ngay các giải pháp quyết liệt kiềm chế lạm phát, bình ổn giá, nhất là giá điện, xăng dầu và các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu.

Được biết, dự kiến ngày 9/8 sẽ diễn ra phiên họp đầu tiên của Hội đồng Tiền lương quốc gia bàn về phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024.