Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có văn bản chính thức về việc điều tra lao động, tiền lương và mức sống tối thiểu của người lao động.
Văn bản nêu rõ, thực hiện phương án điều tra về lao động, tiền lương và mức sống tối thiểu của người lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2022 đã được Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội phê duyệt tại Quyết định số 49/QĐ-LĐTBXH ngày 20/1/2022, cơ quan này đề nghị giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố thực hiện một số công việc sau.
Trước hết, phân công, tổ chức thực hiện điều tra lao động, tiền lương trong doanh nghiệp, mức sống tối thiểu của người lao động năm 2022 tại địa phương theo đúng phương án điều tra và hoàn thành trước ngày 30/4.
Phiếu điều tra được gửi về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (qua Cục Quan hệ lao động và Tiền lương) trước ngày 3/5/2022 để xử lý, phân tích, tổng hợp.
Theo phương án điều tra về lao động, tiền lương và mức sống tối thiểu của người lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2022, số doanh nghiệp được điều tra là 2.000 doanh nghiệp, số người lao động tham gia là 1.000 người tại 18 tỉnh, thành phố.
Mục đích cuộc điều tra nhằm thu thập thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh và lao động, tiền lương trong doanh nghiệp. Qua đó, chương trình nhằm phục vụ công tác quản lý, điều hành của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Đồng thời, điều tra cung cấp cơ sở cho việc điều chỉnh mức lương tối thiểu năm 2023 và hoạch định chính sách về lao động, tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp cũng như xác định mức sống tối thiểu của người lao động trong doanh nghiệp, trong đó xác định rõ cơ cấu chi tiêu của người lao động và gia đình họ (bao gồm chi cho lương thực thực phẩm và phi lương thực thực phẩm), chi phí tiền thuê nhà ở.
Đối tượng điều tra là người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Cùng với đó, còn có người lao động, bao gồm lao động giản đơn (lao động gián tiếp, trực tiếp, lao động nội tỉnh, lao động ngoại tỉnh) đang làm việc trong điều kiện lao động bình thường tại các loại hình doanh nghiệp, đã có thời gian làm việc từ 1 năm trở lên tại doanh nghiệp.
18 tỉnh, thành phố đại diện cho 8 vùng kinh tế
- Vùng đồng bằng sông Hồng: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Vĩnh Phúc
- Vùng Đông Bắc: Quảng Ninh
- Vùng Tây Bắc: Hòa Bình
- Vùng Bắc Trung Bộ: Thanh Hóa, Nghệ An
- Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ: thành phố Đà Nẵng, Khánh Hòa
- Vùng Tây Nguyên: Đắk Lắk
- Vùng Đông Nam Bộ: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu
- Vùng đồng bằng sông Cửu Long: Long An, thành phố Cần Thơ
Phạm vi điều tra tại 18 tỉnh, thành phố đại diện cho 8 vùng kinh tế của cả nước có số lượng doanh nghiệp lớn, thị trường lao động phát triển.
Số lượng doanh nghiệp điều tra được ấn định và lựa chọn theo nguyên tắc ngẫu nhiên trên cơ sở số lượng doanh nghiệp hiện có của mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được lựa chọn điều tra năm 2021, số mẫu điều tra phải bảo đảm chiếm ít nhất 70% số mẫu đã lựa chọn điều tra về lao động và tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp năm 2022 để thuận lợi cho việc đánh giá, so sánh.
Cuộc điều tra cũng chọn thực hiện phỏng vấn với 1.000 người của 500 doanh nghiệp đã được lựa chọn trong phần điều tra doanh nghiệp. Trong đó, các doanh nghiệp này có ít nhất hơn 100 lao động. Số lượng người lao động điều tra được lựa chọn theo nguyên tắc ngẫu nhiên trên cơ sở danh sách người lao động làm công việc giản đơn đang hưởng lương trong doanh nghiệp tại thời điểm điều tra, điều tra viên lựa chọn mỗi doanh nghiệp 2 người lao động có thời gian làm việc từ 1 năm trở lên.
Các thông tin từ phiếu phỏng vấn người sử dụng lao động sẽ đề cập tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh; thực hiện một số nội dung quy định của Bộ luật Lao động…; tình hình lao động, tiền lương…; tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp và thu nhập của một số nghề, công việc của người lao động; phương thức thực hiện điều chỉnh tiền lương của doanh nghiệp khi Nhà nước điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2022 và ý kiến của doanh nghiệp về dự kiến mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2023.
Các thông tin từ phiếu phỏng vấn người lao động cũng đề cập tới tình hình việc làm, tiền lương, thu nhập của người lao động (tiền lương, thu nhập khác, tiền lương làm thêm giờ); thu, chi tiêu của hộ gia đình, nhà ở...
Số liệu thu thập của các chỉ tiêu thời kỳ là số liệu chính thức của năm 2021 và của quý I của năm 2022; các chỉ tiêu thời điểm là số liệu thời điểm tại ngày 31/12/2021 và ngày 1/4.
Thời điểm điều tra thực hiện điều tra thu thập số liệu tại các doanh nghiệp bắt đầu từ ngày 1/4.
Cuộc điều tra được tiến hành theo phương pháp phỏng vấn trực tiếp. Điều tra viên sẽ gặp người sử dụng lao động (hoặc đại diện người sử dụng lao động) và người lao động đề nghị cung cấp số liệu, trả lời các câu hỏi theo phiếu điều tra.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giao cho Cục Quan hệ lao động và Tiền lương chủ trì, phối hợp Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được lựa chọn điều tra để triển khai thực hiện. Để bảo đảm chất lượng của việc thu thập số liệu về mức sống của người lao động, cán bộ của Cục Quan hệ lao động và Tiền lương sẽ thực hiện điều tra thực tế tại một số tỉnh, thành phố.
Trong năm 2021, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 5,7 triệu đồng, giảm 32 nghìn đồng so với năm 2020.
Thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 6,6 triệu đồng, cao hơn 1,40 lần của lao động nữ (4,7 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động khu vực thành thị là 7 triệu đồng, cao hơn 1,4 lần mức thu nhập bình quân lao động khu vực nông thôn (5 triệu đồng).
Lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức thu nhập bình quân tháng năm 2021 là 3,6 triệu đồng, tăng 7,1%, tương ứng tăng 236 nghìn đồng.
Thu nhập bình quân của lao động khu vực công nghiệp và xây dựng là 6,4 triệu đồng, giảm 201 nghìn đồng, tương ứng giảm 3%.
Lao động trong khu vực dịch vụ có mức thu nhập bình quân là 6,8 triệu đồng, giảm 27 nghìn đồng, tương ứng giảm 0,4%.
Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công ăn lương năm 2021 là 6,6 triệu đồng, giảm 45 nghìn đồng so với năm 2020.
(Nguồn: Tổng cục Thống kê)