1,84 triệu ha cây trồng áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước

NDO - Hàng năm, trên địa bàn cả nước, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp của các địa phương. Vì vậy, việc áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước góp phần hạn chế những tác động này đối với cây trồng.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân tỉnh Ninh Thuận tưới tiết kiệm nước cho cây sầu riêng. Ảnh: NGUYỄN TRUNG
Nông dân tỉnh Ninh Thuận tưới tiết kiệm nước cho cây sầu riêng. Ảnh: NGUYỄN TRUNG

Phó Cục trưởng Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lương Văn Anh cho biết: “Đến nay, trên địa bàn cả nước có khoảng 1,84 triệu ha cây trồng được tưới bằng các phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, chiếm hơn 16% diện tích gieo trồng. Trong đó, vùng miền núi phía bắc là 106 nghìn ha, đồng bằng sông Hồng 231 nghìn ha, Trung Bộ 275 nghìn ha, Tây Nguyên 146 nghìn ha, Đông Nam Bộ 199 nghìn ha và đồng bằng sông Cửu Long 883 nghìn ha”.

Qua thống kê, tùy từng loại cây trồng và từng địa phương, việc áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước giúp tăng năng suất từ 10 đến 50%. Bên cạnh đó, áp dụng mô hình này cũng giúp tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và góp phần tăng hiệu quả sản xuất từ 10 đến 30%, thu nhập của người dân tăng từ 10 đến 50%.

Đến nay, trên địa bàn cả nước có khoảng 1,84 triệu ha cây trồng được tưới bằng các phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, chiếm hơn 16% diện tích gieo trồng.

Phó Cục trưởng Thủy lợi Lương Văn Anh

Ngoài ra, áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước có thể giảm mức độ thiếu nước, mức độ thiệt hại, rủi ro trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường do giảm lượng phân bón từ 5 đến 40% trong quá trình canh tác.

Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Thủy lợi Lương Văn Anh, việc mở rộng mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cũng còn những khó khăn do nhiều chính sách hỗ trợ đã được ban hành nhưng thiếu động lực hoặc chưa đi vào cuộc sống; nguồn vốn đầu tư ban đầu cho các hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm lớn; yêu cầu người quản lý, vận hành có trình độ kỹ thuật cao và được đầu tư đồng bộ, bài bản. Trong khi đó, hiệu quả kinh tế thu lại chưa đủ hấp dẫn người dân và doanh nghiệp...

Để mở rộng diện tích trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu quy trình công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng có lợi thế, thị trường theo vùng, miền; ban hành các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, phục vụ nhân rộng mô hình.

Áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước có thể giảm mức độ thiếu nước, mức độ thiệt hại, rủi ro trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường do giảm lượng phân bón từ 5 đến 40% trong quá trình canh tác.

Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh, tổ chức thực hiện hiệu quả, thiết thực việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy cho một bộ phận cán bộ ở địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân về công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; đào tạo, chuyển giao công nghệ về tưới tiết kiệm nước gắn với khuyến nông, xây dựng nông thôn mới; phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước dựa trên điều kiện, nguồn lực và lợi thế từng địa phương, từng vùng; phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đối tượng áp dụng…