Kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường

Trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp, chất lượng môi trường ở một số nơi suy giảm mạnh, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sức khỏe của người dân. Ðể khắc phục tình trạng này, ngành tài nguyên và môi trường, chính quyền các địa phương cần triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái trên địa bàn mình quản lý.
0:00 / 0:00
0:00
Giám sát các thông số quan trắc môi trường tại Phòng vận hành trung tâm của Nhà máy Xi-măng Lam Thạch 2, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh HOÀNG NGA)
Giám sát các thông số quan trắc môi trường tại Phòng vận hành trung tâm của Nhà máy Xi-măng Lam Thạch 2, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh HOÀNG NGA)

Đánh giá về chất lượng môi trường và vấn đề kiểm soát ô nhiễm môi trường ở nước ta thời gian qua, Cục trưởng Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Văn Thức cho biết: Hiện chất lượng không khí tại Việt Nam có sự phân hóa theo vùng, miền và theo quy luật mùa trong năm, dưới tác động của hiện tượng nghịch nhiệt. Ô nhiễm không khí chủ yếu xuất hiện tại các đô thị lớn với thông số bụi (TSP, PM10, PM2.5) đều vượt quá Quy chuẩn Việt Nam 05:2013/BTNMT. Chất lượng không khí tại nông thôn cơ bản tốt, nhưng vẫn còn tình trạng ô nhiễm cục bộ.

Ðối với chất lượng môi trường nước trên các lưu vực sông chưa ghi nhận ô nhiễm kim loại và hóa chất bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, ô nhiễm cục bộ vẫn diễn ra tại các đoạn sông chảy qua khu vực đông dân cư, khu vực sản xuất như lưu vực các sông: Cầu, Nhuệ-Ðáy, Ðồng Nai, Bắc Hưng Hải... Ðáng lưu ý tình trạng nước dưới đất đang dần cạn kiệt, tác động đến môi trường nước ngầm và gây ô nhiễm mặn tại cửa sông.

Thêm vào đó lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại nước ta tiếp tục gia tăng. Ðiển hình như năm 2022, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh là khoảng 67,1 nghìn tấn/ngày. Lượng chất thải rắn sinh hoạt tăng tại các đô thị khoảng từ 10% đến 16%/năm; có 25% số địa phương phát sinh 1.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày; 95% chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị đã được thu gom, xử lý. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại cũng đạt hơn 90%.

Cả nước hiện có 265 khu công nghiệp có công trình xử lý nước thải tập trung (đạt tỷ lệ 91%), tuy nhiên số lượng cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải đi vào hoạt động còn thấp với 179 cụm công nghiệp, mới đạt tỷ lệ 24,4% tổng số cụm công nghiệp.

Theo Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã vươn lên thành một điểm sáng tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới với nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước đã và đang tạo áp lực lớn đối với môi trường sinh thái.

Ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp, chất lượng môi trường một số nơi suy giảm mạnh, nhất là ở các khu vực tập trung nhiều hoạt động công nghiệp; hiện tượng hạn hán và xâm nhập mặn gia tăng tại một số vùng, địa phương... ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh kế của người dân, an ninh sinh thái bị đe dọa. Ðây là những yếu tố đã và đang cản trở việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường nhằm hướng tới phát triển bền vững, Ðảng và Nhà nước luôn đặt vấn đề môi trường ở vị trí trọng tâm trong các chương trình nghị sự; các chương trình, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe người dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Thực hiện quan điểm nêu trên, các cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đã cơ bản được hoàn thiện.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật để triển khai công tác bảo vệ môi trường một cách hiệu quả. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành 44 quy chuẩn kỹ thuật về môi trường còn hiệu lực thi hành.

Hệ thống quan trắc và cảnh báo về môi trường được đầu tư bài bản với 1.298 trạm quan trắc tự động, trong đó có 280 trạm quan trắc môi trường chung quanh và 1.018 trạm quan trắc phát thải tự động đã truyền số liệu về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Gần 2.000 trạm quan trắc phát thải được các cơ sở sản xuất/khu công nghiệp xây dựng và truyền số liệu về sở và Bộ.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn gặp không ít khó khăn, hạn chế như: Nhận thức của một số chính quyền địa phương, đoàn thể và người dân về bảo vệ môi trường chưa đầy đủ, chưa chuyển thành ý thức và hành động cụ thể; việc huy động các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường còn hạn chế; công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt của nhiều cơ sở còn lạc hậu, công suất xử lý chưa đáp ứng được khối lượng chất thải phát sinh ngày càng tăng...

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng tiếp tục tập trung kiểm soát các nguồn thải lớn, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao trên địa bàn; hướng dẫn, đôn đốc, yêu cầu chủ đầu tư các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp xây dựng; vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, bảo đảm tỷ lệ 92% số khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình quan trắc chất lượng không khí, thực hiện kiểm soát chặt chẽ về chất lượng trong quan trắc môi trường không khí, nhất là tại một số thành phố thường xuyên có chất lượng không khí kém; đồng thời công bố kết quả quan trắc và kịp thời cảnh báo ô nhiễm không khí cho cộng đồng.

Các chuyên gia cũng cho rằng ngành tài nguyên và môi trường cần tăng cường năng lực, huy động nguồn lực hợp tác quốc tế để tổ chức thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường; tăng cường công tác đào tạo đội ngũ cán bộ các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; quản lý môi trường trong các doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể...