Ngày 15/12, tại huyện Kế Sách, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng phối hợp các tổ chức quốc tế tổng kết dự án “Tăng cường sức chống chịu của cộng đồng trong ứng phó với thiên tai”.
Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, tác động của biến đổi khí hậu đang gia tăng nhanh chóng tại khu vực Đông Nam Á, hạn hán và lũ lụt đã ảnh hưởng đến 13,1 triệu ha đất trồng trọt và khoảng 20,6 triệu tấn sản lượng cây trồng trong khu vực từ năm 2015 đến năm 2019.
Tại Việt Nam, tình hình thiên tai trong 6 tháng đầu năm 2022 diễn ra phức tạp, cực đoan và trái quy luật, mưa lũ trái mùa kèm theo giông, lốc lớn trên diện rộng gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp. Tính đến ngày 4/7, thiên tai đã làm 73 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế ước khoảng 4.025 tỷ đồng (gấp 2,7 lần thiệt hại về người và 24 lần thiệt hại về kinh tế so với 6 tháng đầu năm 2021).
Riêng tại tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, sạt lở đất, triều cường, xâm nhập mặn và các hiện tượng thời tiết cực đoan đe dọa cơ sở hạ tầng, tài sản của người dân, và nhiều hoạt động kinh tế quan trọng. Trong bối cảnh đó, Dự án “Tăng cường sức chống chịu của cộng đồng trong ứng phó với thiên tai” đã được thực hiện giúp cộng đồng dễ bị tổn thương có khả năng thích ứng với các hiểm họa thiên tai khó lường.
Sau 3 năm thực hiện, đã có 13.567 hộ gia đình hưởng lợi từ các hoạt động của Dự án, 37 sáng kiến phòng ngừa rủi ro thiên tai được cộng đồng đề xuất, trong đó 22 sáng kiến được phê duyệt thực hiện, huy động được tổng cộng hơn 4,3 tỷ đồng, trong đó hơn 3,8 tỷ đồng từ chính quyền địa phương và người dân đóng góp gần 500 triệu đồng.
Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) Tạ Việt Anh phát biểu tại hội thảo. |
Kết quả trên có được là do người dân tìm hiểu về quản lý rủi ro thiên tai một cách bài bản, “cộng đồng dễ bị tổn thương” dần chuyển biến tích cực sang một “cộng đồng có năng lực, cùng nhau phòng ngừa, ứng phó và phục hồi” trước các nguy cơ khó lường của thiên tai và biến đổi khí hậu. Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng không chỉ trao quyền cho người dân, mà còn hỗ trợ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội toàn diện tại địa phương.
Ở cấp quốc gia, Dự án đã phối hợp với Trung tâm Chính sách, Kỹ thuật phòng chống thiên tai – Tổng cục Phòng, chống thiên tai kết nối ứng dụng thông tin thiên tai PDG vào Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam VNDMS, phối hợp với Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế xây dựng tài liệu lồng ghép Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.
Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Quang Huy - Phó Giám đốc Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật Phòng chống thiên tai, Tổng cục Phòng, chống thiên tai chia sẻ: “Việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam - VNDMS và ứng dụng PDG sẽ giúp cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai đến với nhiều người dân hơn, đồng thời giúp các cơ quan phòng chống thiên tai có thêm thông tin về thiên tai do người dân cung cấp thông qua ứng dụng PDG. Trong các năm tiếp theo, cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp ứng dụng PDG, để đáp ứng được yêu cầu và có thể xem xét, nhân rộng, hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong phòng chống thiên tai tại nhiều địa phương trên cả nước”.