Lồng ghép quy hoạch để ứng phó thiên tai

Đợt mưa lũ lịch sử vừa xảy ra ở miền trung đang đặt ra đòi hỏi công tác phòng, chống thiên tai phải được thiết kế lại ở cấp độ cao hơn, trong bối cảnh dự báo các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ xuất hiện ngày càng nhiều hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Đường Hoàng Sa lên bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng) được giải phóng sau sạt lở. Ảnh: NGUYỄN TÚ
Đường Hoàng Sa lên bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng) được giải phóng sau sạt lở. Ảnh: NGUYỄN TÚ

Năng lực thoát lũ đô thị và trận mưa 500 năm mới có một lần

Trận "đại hồng thủy" lớn nhất mới đây là thời gian kinh hoàng với nhiều người dân TP Đà Nẵng. Lượng mưa tính từ 1 giờ ngày 14/10 đến 1 giờ ngày 15/10 tại Trạm Đà Nẵng lên tới 697,6mm, tại Suối Đá là 775,2mm. Cường độ mưa lớn tới mức: Chỉ trong ba giờ lên tới 406,6mm. Có ít nhất năm người chết do đợt thiên tai rất bất thường này.

Theo các chuyên gia, từ trận mưa này, rõ ràng có một số vấn đề đặt ra từ thực tế đòi hỏi cơ quan chức năng cần sớm tổng kết lại để vừa có chỉ đạo sát hơn và công tác phòng, chống thiên tai hiệu quả hơn nhằm giảm thiệt hại.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Theo số liệu đang có của Đà Nẵng, đây là trận mưa 500 năm mới có một lần. Theo Thứ trưởng, có ba vấn đề đáng chú ý. Thứ nhất, tần suất mưa cực đoan xảy ra càng ngày càng cao, chưa biết đến lúc nào lại xảy ra một trận mưa lớn tương tự như vậy. Trước đây có thể 500 năm, nhưng bây giờ có thể chỉ vài năm. Thứ hai, năng lực thoát lũ ở các đô thị Việt Nam nói chung chỉ bảo đảm mưa tần suất khoảng 30-35mm/giờ - đây là năng lực thiết kế, còn năng lực thực tế thì không đáp ứng. Thứ ba, bất cập hiện nay đối với các đô thị Việt Nam là giải pháp thực hiện quy hoạch hiện không ổn, quy hoạch rất rõ nhưng đầu tư thực hiện không được bao nhiêu.

Đồng quan điểm, chuyên gia về biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai- TS Nguyễn Ngọc Huy phân tích thêm: Về mặt thực tế, hạ tầng thoát nước đô thị kém hơn mức năng lực thoát lũ yêu cầu nhiều, do các yếu tố về tắc nghẽn cống rãnh, sự vênh nhau về đầu tư các công trình hạ tầng thoát nước cũ và mới, yếu tố về triều cường... Khi thiết kế hệ thống thoát nước cho đô thị, các chuyên gia thường dựa vào lịch sử mưa lũ tại địa phương và tần suất mưa với các kịch bản mưa lũ lặp lại một lần trong 20 năm, 50 năm và 100 năm, có nơi dựa vào kịch bản 500 năm xuất hiện một lần. Mưa 600mm/6 giờ liên tục thuộc tần suất 500 năm mới xuất hiện một lần (xác suất xảy ra khoảng 0,2% mỗi năm). Như vậy, tần suất mưa cực đoan này chưa hề có trong kịch bản thoát lũ của hầu hết các đô thị của Việt Nam nói chung.

Vấn đề nữa hiện nay thường thấy: Trong bão thiệt hại ít, nhưng sau bão, tại một số địa phương, thường thiệt hại về người và tài sản nhiều hơn do mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất. "Sau bão hiện nay, dù chỉ đạo quyết liệt, nhưng việc ứng phó nhằm bảo đảm giảm thiệt hại thì còn nhiều bất cập. Sau cơn bão số 5, Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai sẽ tổng kết và tính toán cách thức tiếp cận sau bão, để làm sao công tác chỉ đạo hiệu quả hơn, và đặc biệt là cách chỉ đạo thế nào để mọi người dân thấy rằng bão đi qua nhưng chưa phải là thời điểm gây thiệt hại nặng nề nhất, mà thiệt hại lớn nhất là mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất sau bão", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.

Cần những kịch bản mới

Những năm qua, công tác dự báo thời tiết và phòng, chống thiên tai được đặc biệt coi trọng, nhờ đó, giảm nhiều thiệt hại. Song phòng, chống thiên tai không chỉ đơn giản là khi có bão thì sơ tán người dân, lên kịch bản ứng phó. Phòng, chống thiên tai phải được nhìn từ gốc rễ căn cơ hơn, sâu xa hơn với sự tham gia của nhiều ngành, nhiều cấp.

Vì vậy, kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025 xác định lồng ghép tám nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch. Thí dụ, liên quan đến bảo đảm không gian thoát lũ qua hệ thống đường bộ, đường sắt cần được lồng ghép vào quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và kế hoạch phát triển của ngành giao thông vận tải. Liên quan đến phòng, chống hạn hán, mặn, lũ lụt, sạt lở bờ sông, bờ biển, lũ quét, sạt lở đất… cần được lồng ghép vào quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh... Liên quan đến bố trí dân cư, di dời những hộ dân sinh sống tại khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông… cần được lồng ghép vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn.

Cùng đó, muốn hạn chế thiệt hại của thiên tai, có rất nhiều việc phải làm, nhiều bộ, ngành, các cấp chính quyền và mọi người dân phải cùng tham gia. Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, "cơ bản chúng ta đã có bản đồ ngập lụt ở các lưu vực sông. Thí dụ mưa 500mm sẽ ngập lụt đến đâu, phải di tản dân ở chỗ nào… chính quyền địa phương đến cấp xã đều đã có và hiện nay chúng ta đang thực hiện nghiêm việc này. Còn với lượng mưa ngập lụt diện rộng, phải làm thế nào để bảo vệ tài sản của nhân dân vẫn là câu chuyện lớn, việc quy hoạch đô thị sắp tới các địa phương cần phải tính đến. Các địa phương phải có kịch bản ứng phó mưa, đặc biệt là mưa cực đoan, trong đó phải bảo đảm tính mạng và tài sản của người dân. Các khu đô thị phải có những trang thiết bị đặc chủng sử dụng được ở mọi tình huống và bảo đảm trong mọi điều kiện thời tiết để tiếp cận cứu hộ, cứu nạn nhanh nhất, đặc biệt là khi mất điện".

Còn theo TS Nguyễn Ngọc Huy, tần suất mưa cực đoan trong giai đoạn gần đây xuất hiện nhiều hơn. Nước ở các hệ thống sông ngòi ở Việt Nam luôn vượt mức báo động III mỗi khi có lũ. Vì vậy, đòi hỏi các đô thị phải tính toán đến các kịch bản thoát lũ với tần suất lặp lại cao hơn hiện nay. Trong điều kiện hạ tầng hiện nay, chúng ta cần hạn chế các rủi ro ngập lụt bằng cách tăng không gian cho nước thông qua hồ chứa, hạn chế phát triển đô thị kiểu be bờ, hạn chế lấn sông và hãy dành không gian mặt thoáng cho nước tự chảy. Bằng cách đó, sẽ giảm áp lực cho các hạ tầng thoát nước đô thị.

Về truyền tải thông tin đến người dân, các địa phương phải có phương thức cảnh báo, truyền tin bằng truyền thanh, loa,… để người dân chủ động ứng phó. Bên cạnh đó, cần tăng cường thiết bị dự báo, cảnh báo tới người dân trong phạm vi địa bàn hẹp hơn. Như ở Nhật Bản tính phạm vi dự báo theo mét vuông, còn tại Việt Nam đang tính theo kilômet vuông (đến cấp xã). Nếu muốn phạm vi cảnh báo nhỏ hơn thì cần phải tăng cường trang thiết bị. Đồng thời, tính toán trong điều kiện mưa cực đoan ở riêng Việt Nam, cần kết hợp giữa tăng cường khả năng dự báo, cảnh báo cùng các nỗ lực tăng giải pháp kéo giảm thiệt hại do thiên tai, cũng như phổ biến rộng rãi kiến thức ứng phó thiên tai trong cộng đồng.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, từ nay đến tháng 4/2023, trên khu vực Biển Đông có khoảng từ 2-4 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó khoảng 2-3 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung chính ở các tỉnh Trung Bộ và Nam Bộ. Vào tháng 1/2023 vẫn có khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực nam Biển Đông, có thể ảnh hưởng tới thời tiết các tỉnh phía nam nước ta.