Ra mắt Mạng lưới doanh nghiệp ứng phó với thiên tai khu vực miền trung

NDO - Ngày 28/10, tại Đà Nẵng, đã diễn ra Hội thảo “Thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong thực hiện Kế hoạch quốc gia về phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu" và ra mắt Mạng lưới doanh nghiệp ứng phó với rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu và dịch bệnh khu vực miền trung.
0:00 / 0:00
0:00
Thảo luận đưa ra các giải pháp thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu.
Thảo luận đưa ra các giải pháp thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu.

Mạng lưới được thành lập với mục tiêu tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai và dịch bệnh cho các doanh nghiệp khu vực miền trung (gồm 7 tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định).

Đây sẽ là diễn đàn để doanh nghiệp kết nối, tiếp cận thông tin, học tập và trao đổi kinh nghiệm ứng phó biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai từ các đơn vị có các mô hình ứng phó thành công và từ các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trên lĩnh vực này, qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, năng lực ứng phó, khả năng chống chịu và thích ứng cho các thành viên và cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong lĩnh vực này.

Việt Nam là một trong 13 quốc gia chịu tác động tiêu cực nhất của biến đổi khí hậu. Trong 15 năm qua, tình hình thiên tai, bão mạnh, lũ, mưa lớn bất thường, nắng nóng kỷ lục... đã diễn ra khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Trong đó, khu vực Trung Trung Bộ hằng năm phải hứng chịu nhiều nhất.

Các doanh nghiệp vừa là chủ thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, vừa là đối tượng chịu tác động mang tính đa diện từ biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai và dịch bệnh.

Theo báo cáo đánh giá nhận thức và năng lực của doanh nghiệp miền trung về ứng phó rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu và dịch bệnh thì các doanh nghiệp chịu nhiều tác động cụ thể của biến đổi khí hậu làm gián đoạn sản xuất, giảm doanh thu, thiệt hại cơ sở vật chất, đứt gãy nguồn cung ứng, thiếu hụt nhân lực, mất thị trường… Các biện pháp doanh nghiệp đã thực hiện để ứng phó như: Xây dựng kịch bản ứng phó; thành lập bộ phận chuyên trách; sử dụng các dịch vụ bảo hiển đối với các hiện tượng rủi ro thiên tai; thiết lập ngân sách ưu tiên cho việc ứng phó…

Qua khảo sát, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu nâng cao năng lực trong ứng phó và sẵn sàng tham gia cùng chính quyền trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Doanh nghiệp cũng có nhu cầu tham gia các khoá đào tạo, hội thảo, đoàn trao đổi kiến thức, kinh nghiệm trong hoạt động ứng phó; tham quan, học tập các mô hình thành công; hỗ trợ tư vấn, kết nối với các tổ chức tài chính, pháp luật, đổi mới công nghệ; tham gia các chương trình, dự án liên quan đến nghiên cứu, đánh giá phục vụ cho hoạch định chính sách, chiến lược thích ứng… nhằm tăng cường khả năng và tham gia vào công tác ứng phó.

Chương trình do Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng) phối hợp Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức.