Đưa trầm hương Khánh Hòa trở thành thương hiệu mang tầm quốc tế
“Khánh Hòa là xứ trầm hương; Non cao biển rộng người thương đi về”, câu ca dao ấy đã định danh Khánh Hòa “xứ trầm hương” từ lúc nào không rõ. Trong cuốn sách “Xứ Trầm Hương”, (NXB Lá Bối (Sài Gòn) ấn hành lần đầu tiên vào năm 1969), nhà thơ Quách Tấn đã viết: “Khánh Hòa có một thứ lâm sản hết sức quý. Nhưng quý không phải là một nguồn lợi của nhân dân địa phương mà vì là một sản phẩm đặc biệt đã làm cho Khánh Hòa thơm danh trong nước và ngoài nước.
Ðó là: trầm hương. Quý vật này không phải riêng Khánh Hòa mới có. Các nơi có núi cao rừng rậm, như Phú Yên, Bình Ðịnh... đều có, song không nhiều và không bằng Khánh Hòa. Cho nên hễ nói đến trầm hương là nói đến Khánh Hòa mà nói đến Khánh Hòa là nói đến Trầm hương”.
Khánh Hòa có thổ nhưỡng phù hợp nhất với cây gió bầu Aquilaria Crassana - cây phát triển với chất lượng cao nhất thế giới. Nha Trang là nơi có số giờ nắng nhiều nhất Việt Nam và hàng triệu năm trước tác động kỳ diệu của thiên nhiên đã tạo nên vùng đất đỏ bazan màu mỡ chạy từ Tây Nguyên xuống vịnh biển này. Gió biển cũng là một trong những điều kiện quan trọng tác động tới sự hình thành và chất lượng của trầm hương. Nha Trang-Khánh Hòa là nơi giao hòa của hai dòng hải lưu nóng và lạnh tạo nên một miền khí hậu biển cực kỳ phù hợp cho các loại động thực vật trên cạn và dưới nước, trong đó đặc biệt phù hợp với cây gió bầu Aquilaria Crassana.
Dân gian truyền rằng: Trầm hương là do hương Trời bay theo gió đáp vào chỗ bị thương trên thân cây Dó Bầu hòa vào nhựa chảy ra từ vết thương ấy, được hun đúc qua thời gian bởi đất tốt, nắng, gió biển và các điều kiện tự nhiên đặc biệt khác, gọi là Linh khí của Trời Đất. Lịch sử ngàn năm ở châu Á và Trung Đông đã gọi trầm hương là gỗ của các vị thần, vua của các loại hương liệu. Trầm hương đóng vai trò trọng yếu trong các nghi lễ tôn giáo.
Từ thế kỷ thứ III trầm hương Khánh Hòa đã rất nổi tiếng trên thế giới bởi những thương nhân người Ấn Độ và Trung Quốc buôn bán với người Việt Nam, chuyển qua con đường tơ lụa tới thế giới Ả Rập - Đạo Hồi.
Nhưng có một thời, trầm là hàng quốc cấm, buôn bán trầm sẽ bị tịch thu. Lệnh cấm khiến trầm trở nên trầm lắng. Sau đó, lệnh cấm trầm được dỡ bỏ, hữu xạ tự nhiên hương, trầm hương Khánh Hòa nhanh chóng trở thành một sản vật được ưa chuộng không chỉ trong nước mà còn được xuất khẩu nhiều nước trên thế giới. Thực tế, trầm hương không chỉ là sản vật xóa đói, giảm nghèo mà còn làm giàu, đóng góp phát triển kinh tế của tỉnh, không chỉ có hương thơm, tạo dấu ấn văn hóa độc đáo gắn với đời sống tâm linh gắn liền với truyền thuyết về nữ thần Ponagar, Mẹ xứ sở mà còn nhiều giá trị to lớn khác đủ tạo nên một ngành kinh tế mạnh. Điều quan trọng là phải nâng tầm được giá trị của trầm hương với tư duy đổi mới sáng tạo.
Theo ông Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tịch công ty Trầm hương Khánh Hòa, Nhà nước chưa có chính sách cụ thể để phát triển cho sản vật này khiến người trồng trầm manh mún, mạnh ai nấy làm. Nhiều người trồng trầm không có kiến thức, không được các chuyên gia, các nhà khoa học hướng dẫn một cách bài bản cho nên vẫn làm theo kinh nghiệm, tuy có vài điểm độc đáo nhưng đã phần lạc hậu.
Cho nên ngành trầm ở nước ta vẫn yếu ớt so với chính giá trị thực mà mình đang có. Trong khi đó, người bán trầm thì “như bán mớ rau, con cá ngoài chợ”. Việc bày biện trầm lộn lẫn với đá, hàng lưu niệm, thậm chí là giày dép, túi xách và nhiều mặt hàng gia dụng khác khiến nhiều người không hiểu được giá trị của trầm - một thứ linh hương cao quý.
Từ những trăn trở ấy, ông Tưởng đã đi tiên phong trong nâng cao giá trị của trầm hương với con đường khác biệt, chuyên nghiệp, xây dựng thương hiệu mang tầm quốc tế, vươn ra biển lớn. Sản vật được chăm chút từ chất lượng đến mẫu mã, đáp ứng những thị trường khắt khe nhất như Trung Quốc, Nhật Bản, UAE, Mỹ.
Những sản phẩm từ trầm hương như chuỗi trang sức đeo cổ, bộ thưởng trầm đều mang vẻ đẹp tinh xảo và tiện dụng, được chuẩn hóa kích thước, bao bì, màu sắc, được xuất hiện trên nhiều kệ hàng sang trọng của thế giới. Bên cạnh việc nghiên cứu bài bản về trầm hương, thương hiệu trầm hương Khánh Hòa còn có sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới để tạo ra những sản phẩm chất lượng như tinh dầu, đồ trang sức, mỹ nghệ, rượu trầm, nước hoa trầm, dược phẩm.
Những làng nghề trầm hương truyền thống nếu đi theo hướng đó sẽ nâng tầm giá trị và tạo nên sức hút lớn của Khánh Hòa đối với thế giới. Sức hút đó không chỉ đến từ sản vật có hương thơm quyến rũ này mà còn từ văn hóa Thiền-Trầm độc đáo như lời của Giáo sư John Quelch (Mỹ), được mệnh danh là “thầy phù thủy thương hiệu”.
Khánh Hòa vẫn còn núi đồi bỏ hoang, vẫn còn những khu rừng tạp giá trị kinh tế thấp. Nếu có một chiến lược bài bản, trên những diện tích ấy có thể phủ xanh hàng triệu cây gió bầu tạo trầm, với cách làm mới, được chuẩn hóa sẽ tạo ra sản vật trầm hương mang lại giá trị lớn hơn gấp nhiều lần làm nông nghiệp thông thường.
Yến sào vươn ra biển lớn
Ngoài trầm hương, yến sào Khánh Hòa từ lâu đã nổi tiếng với chất lượng thượng hạng không đâu sánh kịp. Việt Nam hiện có khoảng 50 đảo yến thì riêng Khánh Hòa đã có tới 33 đảo với 173 hang có chim yến sinh sống, chiếm hơn 70% tổng sản lượng yến sào thiên nhiên của cả nước.
Sự kết tinh của non nước biển trời và nhờ vào nguồn gốc địa hóa, thành phần hóa học và khoáng vật khác nhau tại những hang động, vách đá giữa biển khơi đã làm phong phú các nguyên tố đa, vi lượng trong tổ yến tạo nên giá trị bổ dưỡng đặc biệt cao và mùi vị đặc trưng cho yến sào đảo thiên nhiên Khánh Hòa.
Thế nhưng, nếu chỉ khai thác những tổ yến được thiên nhiên ban tặng theo cách mà ngàn đời nay vẫn làm thì sẽ không thể nâng tầm được giá trị của sản vật này. Công ty yến sào Khánh Hòa - đơn vị dẫn đầu trong chế biến và khai thác yến sào đảo thiên nhiên ở Việt Nam đã có nhiều đổi mới sáng tạo để tiếp tục nâng tầm sản vật lên một đẳng cấp mới bằng cách đầu tư vào nghiên cứu khoa học.
Từ năm 1990 đến nay, doanh nghiệp này đã thực hiện hàng loạt đề tài nghiên cứu về yến sào, tạo ra những bước phát triển đột phá như nghiên cứu về nhân tố tác động đến số lượng quần thể và chất lượng tổ yến Khánh Hòa; Nghiên cứu quy trình khai thác hợp lý có hiệu quả để bảo tồn tài nguyên yến sào tại các đảo, nghiên cứu di dời, nhân đàn chim yến...
Cả ngàn đời nay, chim yến vẫn nhân đàn, di đàn theo cách tự nhiên, nhưng giờ đây hoạt động này đã được sự “trợ giúp” của khoa học, của chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và ứng dụng công nghệ thông tin. Nhờ đó đã di đàn, nhân đàn quần thể chim yến thành công với 133 hang và 25 đảo yến mới nâng tổng số hang yến lên đến 173 hang với 33 đảo yến; được Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận là đơn vị quản lý số lượng hang đảo yến lớn nhất và sản lượng nhiều nhất châu Á.
Không “cậy” có nguyên liệu tốt mà coi nhẹ khâu chế biến, yến sào Khánh Hòa có một quy trình sản xuất đạt những chuẩn mực nghiêm ngặt kết hợp giữa kinh nghiệm truyền thống và hiện đại.
Ông Nguyễn Anh Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty Yến sào Khánh Hòa cho biết: “Chúng tôi luôn bảo đảm sản xuất xanh từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra đều thân thiện với môi trường và không gây nguy hại cho sức khỏe con người. Sản phẩm 100% tự nhiên, không hóa chất, không chất bảo quản.
Bên cạnh đó, công ty còn đầu tư dây chuyền máy móc, công nghệ, trang thiết bị dây chuyền sản xuất hiện đại theo các tiêu chuẩn quốc tế như tiêu chuẩn ISO và HACCP, 5S và các tiêu chuẩn FDA, FSMA Hoa Kỳ, tiêu chuẩn Halal của các quốc gia Hồi giáo, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm toàn cầu BRC. Đó là một trong những yếu tố tất yếu để yến sào Khánh Hòa tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và vươn mạnh ra thế giới”.
Kết hợp giữa phương pháp cổ truyền và hiện đại, 40 dòng sản phẩm đã được đưa ra, vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng cao, bảo đảm hương vị đặc trưng của yến đảo thiên nhiên. Chuỗi giá trị yến sào đã được xây dựng với những sản phẩm mới như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng...
Nhờ đổi mới sáng tạo giá trị của yến sào Khánh Hòa đã được nâng lên một đẳng cấp mới, sản vật này đã được xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới như Nhật, Mỹ, Canada, Australia, Singapore, Malaysia, Philippines...
Tháng 11/2022, Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sản phẩm tổ yến và khoai lang của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc giữa Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã được ký kết. Tổ yến là sản phẩm nông sản thứ 13 của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc và mở ra một thị trường khổng lồ đầy tiềm năng. Năm 2023 này, sản vật yến sào Khánh Hòa sẽ tiếp tục vươn ra biển lớn, tới kệ hàng của nhiều nước, trong đó có thị trường của các nước G20.