Tham dự hội nghị có hơn 300 đại biểu đại diện các sở, ngành và các thành viên Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh Yên Bái cùng lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, lãnh đạo các xã, phường, thị trấn trên địa bàn.
Đại tá Đinh Xuân Thiệp, Phó Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Ban tổ chức) |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Đại tá Đinh Xuân Thiệp, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo về nhân quyền, Phó Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái nhận định, dưới sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, sự giúp đỡ của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, công tác khắc phục hậu quả thiên tai được tập trung quyết liệt, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.
Các đại biểu lắng nghe những chuyên đề được trình bày tại hội nghị. (Ảnh: Ban tổ chức) |
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo ước giảm 3,48% (kế hoạch là 3,3%); Tỷ lệ hộ cận nghèo năm 2024 giảm 0,93% so với năm 2023; số lao động được tạo việc làm mới ước đạt 22.415 lao động, bằng 112,1% kế hoạch, bằng 101,7% so với cùng kỳ năm 2023; thực hiện tốt công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tổ chức khám, chữa bệnh cho 1.530.560 lượt người, tăng 0,4% so với cùng kỳ.
Tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng Thường trực về Nhân quyền Chính phủ khẳng định, nhân quyền là công tác chung của cả hệ thống chính trị, gắn liền với cấp cơ sở do đó cần sự chung tay, phối hợp của các sở, ban, ngành trong bảo vệ, bảo đảm quyền con người.
Công tác công tác nhân quyền phải kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, giữ vững ổn định bên trong, phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quyền con người trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa để tạo cơ sở vững chắc cho công tác đấu tranh chống các luận điệu vu cáo, xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Đề nghị các sở, ban, ngành nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong tổ chức triển khai thực hiện công tác nhân quyền trên địa bàn tỉnh, tham mưu kịp thời, có hiệu quả các giải pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa công tác bảo đảm quyền con người ở cấp cơ sở.
Tại hội nghị, Tiến sĩ Lê Thị Liên, Viện trưởng Nghiên cứu chính sách Tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ đã trình bày chuyên đề về “thực trạng tình hình hiện tượng tôn giáo mới, “đạo lạ”, “tà đạo” và một số giải pháp công tác thời gian tới” qua đó góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở trong công tác bảo đảm tự do tôn giáo, tín ngưỡng kịp thời nhận diện và có những giải pháp công tác đối với các “tà đạo”, “đạo lạ” phát sinh trong thực tiễn.
.