Đến nay, toàn bộ các cơ quan, đơn vị, huyện, thành phố, xã, phường trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đều xây dựng kế hoạch về chuyển đổi số theo điều kiện thực tế của địa phương. Các xã, phường cũng đã xác định mục tiêu chuyển đổi số cụ thể các giai đoạn 2025-2030 như: Bảo đảm hơn 80% thủ tục hành chính được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến; 100% cán bộ, công chức xã được gắn định danh số trong xử lý công việc; 60-80% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng theo quy định; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt hơn 80%...
Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang, Vũ Xuân Quỳnh cho biết: Hiện nay, 100% cán bộ, công chức của phường đã sử dụng thành thạo phần mềm quản lý và điều hành văn bản để xử lý văn bản; 100% hồ sơ được giải quyết đúng hạn và trước hạn, không có hồ sơ tồn đọng. Nhiều dịch vụ đã được cập nhật lên hệ thống dịch vụ công trực tuyến như đăng ký khai sinh, khai tử, chứng thực điện tử, đăng ký tạm trú tạm vắng...
Nhằm hỗ trợ triển khai nền tảng số, công nghệ số, hướng dẫn kỹ năng số đến với người dân, tỉnh đã thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn. Toàn tỉnh hiện có 1.871 tổ công nghệ số cộng đồng, trong đó, có 138 tổ cấp xã, 1.733 tổ thôn, bản, tổ dân phố với tổng số 10.257 thành viên.
Hạ tầng mạng lưới viễn thông của tỉnh hiện bảo đảm gần 100% các thôn, bản, tổ nhân dân được phủ sóng điện thoại di động; 99,2% thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh; 60,7% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh. Hạ tầng internet băng rộng cáp quang được triển khai tới 98% thôn, bản, tổ nhân dân; mạng truyền số liệu chuyên dùng được triển khai đến 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã; 100% cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh tiếp tục ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng VNeID thay thế Bảo hiểm y tế giấy để khám bệnh, chữa bệnh; 100% trường trung học và cơ sở giáo dục phổ thông sử dụng học bạ điện tử đối với học sinh các lớp đầu cấp.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc VNPT Tuyên Quang cho biết: "Chúng tôi đã chuẩn bị tốt về hạ tầng số, thực hiện vận hành số và đưa công tác chỉ đạo điều hành lên môi trường số; đồng thời, đưa khách hàng lên môi trường số và phối hợp, đồng hành triển khai được rất nhiều các sản phẩm, giải pháp phục vụ cho quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp như: Hóa đơn điện tử, chữ ký số, hợp đồng điện tử… cho hơn 7.000 tổ chức, doanh nghiệp, từng bước góp phần xây dựng nền kinh tế số trên địa bàn tỉnh".
Theo thống kê, sàn thương mại điện tử tỉnh Tuyên Quang hiện có 1.009 doanh nghiệp đăng ký tham gia với 2.532 sản phẩm về nông, lâm, thủy sản, dịch vụ du lịch… phục vụ khách hàng trên toàn quốc. Toàn tỉnh có 238 sản phẩm được giới thiệu trên Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"; có 9 ngân hàng với 70 địa điểm giao dịch; hệ thống máy giao dịch và thiết bị chấp nhận thanh toán gồm có 1 ngân hàng số, 94 máy giao dịch tự động ATM/CDM, hơn 64.500 QR Pay, QR code, Viet QR đang hoạt động…
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Thanh Hà, thời gian vừa qua, tỉnh đã phát triển được hơn 277.500 tài khoản Mobile Money, ví điện tử đang hoạt động để khách hàng có thể thanh toán các giao dịch trực tuyến dễ dàng, thuận tiện. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận hóa đơn điện tử với cơ quan thuế sử dụng nền tảng công nghệ số đạt 100%; duy trì 19 mô hình chợ 4.0 tại các huyện, thành phố giúp người dân trải nghiệm và tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại không dùng tiền mặt.
Thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh chỉ đạo tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách cho chuyển đổi số; hoàn thiện hạ tầng số phục vụ công tác chuyển đổi số của tỉnh, đáp ứng các yêu cầu thực tế; đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp; triển khai hiệu quả các nền tảng số, ứng dụng số, dịch vụ số. Các cơ quan liên quan tiếp tục chỉnh lý, số hóa, xây dựng dữ liệu số, kết nối dữ liệu với kho dữ liệu dùng chung, kết nối các hệ thống truyền thanh thông minh với Hệ thống thông tin nguồn truyền thanh của tỉnh; bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh và của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh...