Với người Hà Nhì ở cực Tây Tổ quốc, Tết Khụ Sự Chà vừa là Tết chung của dân tộc, vừa là Tết riêng của mỗi gia đình, bởi trong tâm thức của người già, người trẻ, người đi xa hay ở gần thì mong ước sum vầy được cùng nhau đón Tết Khụ Sự Chà luôn canh cánh trong tim…
Bước sang tuổi 65, sức khỏe giảm sút nhiều, nhưng vào những ngày cận Tết cổ truyền của dân tộc, ông Pờ Dần Sinh - người có uy tín của đồng bào dân tộc Hà Nhì ở xã biên giới Sín Thầu lại như thấy khỏe hơn.
Trước Tết gần một tháng, ông Sinh lật từng trang trong cuốn sổ ghi chép có tên bạn ở gần, tên bạn ở xa rồi cẩn thận điện thoại đến từng người gửi lời mời "Nhớ đầu tháng 12 này về Sín Thầu ăn Tết Khụ Sự Chà đấy nhé". Với các con, các cháu ở xa, cứ vài ngày ông Sinh lại điện nhắc "phải nhớ sắp xếp công việc, cố gắng về đón Tết cho vui. Năm có một Tết để được gặp anh em, họ hàng cho nên hết sức cố gắng, cố gắng".
Thế rồi, khi việc điện mời các bạn, các con đã hòm hòm, ông Sinh lại bận với việc tính tới mua sắm đồ dùng, thực phẩm đủ đầy trong dịp Tết. Chỉ tay về đàn lợn chút chít trong chuồng, đàn gà cả trăm con đang tranh ăn ngoài vườn, ông Sinh nói: "Vật phẩm dâng cúng tổ tiên đều là gạo tự trồng, gà lợn của nhà nuôi; đồ mua thêm không nhiều chỉ là để cho phong phú".
Giải nghĩa "Khụ Sự Chà", ông Pờ Dần Sinh nói rằng: Phiên âm theo tiếng dân tộc Hà Nhì thì "Khụ Sự Chà" là Tết năm mới. Tết được tổ chức trong tháng 12 dương lịch; thường là ngày Thìn đầu tiên của tháng 12 vì người Hà Nhì quan niệm ngày Thìn (ngày Rồng) mang ý nghĩa may mắn, thịnh vượng và ấm no. Để tổ chức Tết Khụ Sự Chà, mỗi gia đình người Hà Nhì đều chuẩn bị gà, gạo nếp, lợn và dọn dẹp khuôn viên gia đình, bản làng. Trong mỗi gia đình, người Hà Nhì đều phân công việc cụ thể cho từng người mà thường là việc nặng như: Mổ lợn, mổ gà, chặt, băm… do đàn ông, thanh niên khỏe mạnh đảm nhiệm; còn việc nấu nướng, bày biện, dọn dẹp thường do phụ nữ, người trẻ thực hiện với tinh thần hết sức vui vẻ, phấn khởi.
Trong lễ Tết Khụ Sự Chà có một việc rất quan trọng là sắp mâm cúng thần linh, tổ tiên hàm nghĩa biết ơn đầu năm mới. Mâm cúng tổ tiên của người Hà Nhì rất đơn giản, chủ yếu là các sản vật do chính tay con cháu làm ra như bánh trôi, rượu, muối ớt, cơm, thịt.
Bà Pờ Mì Sư, bản A Pa Chải, xã Sín Thầu, cho biết: Người Hà Nhì cho rằng ngày Tết phải đầy đủ, đầm ấm và vui vẻ nên cần chuẩn bị chu đáo. Từ trang phục truyền thống đến lương thực, thực phẩm, bánh trái đều tươm tất. Đặc biệt trong ngày Tết không thể thiếu loại bánh truyền thống là bánh trôi, bởi vì bánh không chỉ là vật phẩm dâng cúng tổ tiên mà còn là quà để chia cho con cháu hưởng lộc và quà biếu khi khách đến chơi nhà.
Tết Khụ Sự Chà của người Hà Nhì có một nét văn hóa tâm linh độc đáo là tục xem gan lợn. Mổ lợn xong, người Hà Nhì cất lá gan thật cẩn thận, sau đó gia chủ mới nhìn lá gan lợn lành lặn, màu sắc tươi tắn, mật căng đầy thì tin là năm đó chăn nuôi phát triển, mùa màng bội thu, mọi người khỏe mạnh.
Ông Lỳ Xuyến Phù, bản A Pa Chải, chia sẻ: Hồi còn chiến tranh, di tản thường xuyên nên một số phong tục của người Hà Nhì dần thay đổi, thích nghi và phát triển cho tới ngày nay. Bàn thờ của người Hà Nhì không được đóng to, chắc chắn mà là ống tre cắm một vài cành cây, tre… buộc tại đầu giường của gia chủ. Khi cần kíp chuyển nhà thì gia chủ chỉ cần tháo ống tre mang theo về nhà mới. Đây là phong tục từ lâu đời, gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển bản làng người Hà Nhì nơi cực Tây Tổ quốc.
"Nhưng tục xem gan lợn để đoán định việc sản xuất, chăn nuôi của bà con trong năm thì từ trước tới nay vẫn được giữ gìn như thế. Ông bà tổ tiên truyền lại, con cháu hôm nay vẫn theo cách đó để làm và tin tưởng, hy vọng", ông Lỳ Xuyến Phù, cho biết thêm.
Là một trong số hàng trăm người may mắn được về Mường Nhé chung vui Tết Khụ Sự Chà với bà con dân tộc Hà Nhì vào những ngày cuối năm 2024, ông Nguyễn Anh Tuấn, du khách đến từ Hà Nội vui vẻ cho biết: Được đắm mình trong không khí thoáng đạt ở vùng biên cương mênh mông nơi cực Tây Tổ quốc; được chung vui rượu nồng với bà con dân tộc Hà Nhì hồn hậu, mến khách nơi biên cương, chuyến đi của đoàn chúng tôi thật vô cùng ý nghĩa.