Bài 2: Nhận diện “tà đạo” đội lốt tôn giáo
Sự xuất hiện những tà đạo đội lốt tôn giáo được lập ra với mục đích xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, làm xáo trộn đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở một bộ phận người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Hoạt động của các tà đạo đã vi phạm pháp luật, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc, làm lệch chuẩn văn hóa, đạo đức xã hội, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội.
Trong đại dịch Covid-19, nhằm bảo đảm quy định phòng chống dịch, nhiều tổ chức tôn giáo chuyển hình thức sinh hoạt tôn giáo, tổ chức các hoạt động tôn giáo từ trực tiếp sang trực tuyến, thông qua các website, trang truyền thông, cầu nguyện online tại gia đình, phần nào đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của tín đồ, người dân.
Bảo đảm quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam: Đồng hành cùng dân tộc
Lợi dụng không gian mạng trục lợi tôn giáo
Cùng với đó, trên không gian mạng xuất hiện nhiều hoạt động mượn danh hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để xuyên tạc giáo lý của các tôn giáo chính thống, truyền bá những nội dung xấu đi ngược với thuần phong, mỹ tục của dân tộc Việt Nam; lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên không gian mạng để trục lợi gây bất ổn xã hội, đời sống nhân dân.
Ðại tá Vừ A Khua, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Ðiện Biên cho biết: Các đối tượng xấu đã lôi kéo người dân tin theo các tà đạo như: “Bà cô Dợ”, “Lời sự sống Việt Nam”, “Nhân chứng Giê-hô-va”, “Ân điển cứu rỗi”… Trong hai năm 2021 và 2022, toàn huyện Mường Nhé có 49 hộ với gần 300 người theo tà đạo “Bà cô Dợ”. Số người này bỏ bê việc nhà để chờ đợi được cứu rỗi, cho tiền. Ðến đầu năm 2023, còn 70 hộ với tổng số 371 nhân khẩu tại ba huyện: Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé tin theo tà đạo.
Ðáng chú ý, tà đạo “Giê Sùa”, “Bà cô Dợ” xâm nhập vào các tỉnh Ðiện Biên, Lai Châu gieo rắc tư tưởng ly khai, tự trị. Ðến năm 2019, các đối tượng thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền, lôi kéo người dân bằng luận điệu tự coi mình là “tôn giáo chính thống”, còn các tôn giáo khác là “tà giáo”.
Khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng chống dịch, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân thì một số đối tượng cốt cán trong tổ chức “Bà cô Dợ” sử dụng mạng xã hội như: Zalo, Facebook kêu gọi người dân không tiêm vắc-xin phòng Covid-19 với luận điệu xuyên tạc “tiêm vắc-xin sẽ bị chết” gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của một bộ phận người dân.
Nguy hiểm hơn, các đối tượng xấu lợi dụng tôn giáo, tà đạo phục vụ mục đích gây chia rẽ cộng đồng, ảnh hưởng an ninh quốc gia. Thực tiễn, tại Ðiện Biên đã từng xảy ra nhiều vụ tụ tập đông người ở huyện Tủa Chùa, Ðiện Biên Ðông, Mường Nhé.
Từ năm 2015, tỉnh Lai Châu từng bị ảnh hưởng, tác động của tổ chức “Giê Sùa”. Qua tập trung tuyên truyền, vận động, đấu tranh, đến nay trên địa bàn tỉnh đã không còn trường hợp nào theo tổ chức “Giê Sùa”. Ðại tá Tao Văn Trường, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cho biết: An ninh trật tự trên lĩnh vực tôn giáo nói chung, hoạt động của các tổ chức, hội, nhóm tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định.
Tuy nhiên vẫn còn nổi lên một số hoạt động lợi dụng đời sống khó khăn, việc ốm đau của đồng bào để tuyên truyền, lôi kéo người dân theo đạo trái pháp luật. Hiện, trên địa bàn tỉnh vẫn bị ảnh hưởng, tác động của một số tổ chức: “Bà cô Dợ”, “Hội thánh Ðức chúa trời Mẹ”, “Tia Chớp phương đông”, “Pháp môn Diệu âm”, “Ân điển cứu rỗi”, môn phái “Pháp luân công”... Số này chủ yếu sinh hoạt tại gia, chưa phát hiện có các hoạt động gây phức tạp về an ninh trật tự.
Nhận diện thủ đoạn, lật tẩy chiêu trò
Tây Nguyên - địa bàn có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là một trong những địa bàn trọng điểm mà các thế lực thù địch tập trung chống phá với các hoạt động “diễn biến hòa bình”, âm mưu khuấy động tư tưởng ly khai, tự trị, tách Tây Nguyên ra khỏi đại gia đình các dân tộc và chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, thành lập “Nhà nước Ðề Ga độc lập”; tạo nhiều điểm nóng “xung đột”, lấy cớ cho bên ngoài can thiệp nhằm mục tiêu cuối cùng là xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Các đối tượng đã xúi giục, kích động, dụ dỗ, lôi kéo; thậm chí đe dọa giết cả gia đình của một bộ phận đồng bào, nếu không tham gia gây rối an ninh trật tự trên địa bàn. Ðỉnh điểm là các vụ việc gây rối vào năm 2001, 2004. Gần đây nhất, vụ khủng bố tấn công vào trụ sở Ủy ban nhân dân xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin rạng sáng 11/6/2023, gây hậu quả nặng nề.
Bên cạnh đó, địa bàn còn xuất hiện những đạo lạ và những loại hình gắn với tín ngưỡng, tôn giáo hoạt động trái với chuẩn mực đạo đức xã hội và truyền thống văn hóa. Một số tà đạo bị các tổ chức, cá nhân phản động trong và ngoài nước đứng sau mang màu sắc chính trị phản động lợi dụng hoạt động nhằm xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Ðảng, Nhà nước thông qua các hành vi tuyên truyền xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam; phê phán, đả kích chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Những đối tượng này liên kết, móc nối với các đối tượng cực đoan, phản động trong nước và nước ngoài, lợi dụng các vấn đề phức tạp, nhạy cảm để kích động tập trung đông người gây rối an ninh trật tự; tập hợp lực lượng nhằm thực hiện ý đồ ly khai, tự trị.
Ðể tuyên truyền, lôi kéo người tham gia và phát triển tổ chức, tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, các tà đạo, đạo lạ thường sử dụng các phương thức, thủ đoạn như: Trực tiếp đến nhà người bị tuyên truyền để lôi kéo, phát tán tài liệu; thông qua các hoạt động từ thiện nhân danh, lợi dụng, núp bóng “bảo vệ môi trường”, sự kiện chính trị, văn hóa; thiền định, ăn chay, đào tạo ngoại ngữ; lợi dụng, tranh thủ sức ép từ các tổ chức quốc tế, truyền thông nước ngoài.
Các tổ chức tôn giáo trái pháp luật còn sử dụng nhiều chiêu trò núp dưới danh nghĩa thành lập doanh nghiệp, công ty kinh doanh làm bình phong tổ chức các đoàn người dân tộc thiểu số đi du lịch, tham dự các sự kiện, hội trại trong và ngoài nước để tuyên truyền, lôi kéo...
Một số tà đạo còn lôi kéo những người có vị trí, ảnh hưởng lớn trong xã hội trong giới văn nghệ sĩ, giáo viên, một số cá nhân trong lực lượng vũ trang; mở các khóa học online cho người mới tin theo. Một số lại sử dụng các phương tiện kỹ thuật sao in băng đĩa hình, đĩa tiếng, gửi qua đường bưu chính, internet, phát thanh, truyền hình, vệ tinh, cho nên phạm vi tác động rộng, khó kiểm soát, ngăn chặn.
Có tà đạo tuyên truyền mê tín dị đoan, thổi phồng khả năng chữa bệnh tâm linh, gây phương hại về sức khỏe, tính mạng cho người tin theo; tuyên truyền không cần làm cũng có ăn, không học cũng biết chữ, khi đau ốm không cần đến bệnh viện để chữa trị, chỉ cần đến tu tập và được giáo chủ “làm phép” cầu nguyện sẽ tự khỏi… như đạo “Bà cô Dợ”, “Hội thánh Giê Sùa”, “Amí Sara”, tổ chức “Tin lành Ðắk Lắk Việt Nam”.
Một số tà đạo thực hành những “nghi lễ” trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, phản văn hóa như: Ðập bỏ bàn thờ tổ tiên, xuyên tạc lịch sử; công kích, nói xấu các tôn giáo đã được Nhà nước công nhận; nói xấu xã hội và chính quyền; tẩy chay các hoạt động do chính quyền địa phương tổ chức; ngăn cản người tin theo thực hiện quyền công dân, không nhận sự hỗ trợ của chính quyền như “Ðạo Hà Mòn”…
Các đối tượng còn gây mâu thuẫn mất đoàn kết giữa người theo và không theo tôn giáo, giữa tôn giáo này với tôn giáo kia. Có thể thấy, hoạt động của các hội, nhóm, tà đạo, đạo lạ này hầu hết đều vì ý đồ trục lợi, lợi ích cá nhân gây bức xúc trong cộng đồng tôn giáo. Một số đối tượng khi bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý có thái độ ngoan cố, bất hợp tác, gửi đơn khiếu nại, vu cáo chính quyền vi phạm nhân quyền, tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Thiếu tướng Sùng A Hồng, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Ðiện Biên, người trực tiếp tham gia dẹp vụ tụ tập đông người mà trong đó phần lớn do người dân tin theo đạo lạ, phân tích: Ðịa bàn các đối tượng hướng tới tuyên truyền đưa đạo lạ thường là các cụm dân cư ở vùng sâu, vùng biên giới, nơi cuộc sống người dân còn rất khó khăn, hẻo lánh, sống thành từng nhóm, theo dòng họ tách biệt. Lợi dụng sự biệt lập, ít thông tin hoặc thông tin không đầy đủ, các đối tượng xấu tiếp cận theo phương thức rỉ tai hằng ngày.
Chỉ cần một người tin theo, các đối tượng sẽ biến họ là “công cụ” lôi kéo thêm người trong gia đình, dòng họ, cụm dân cư cùng theo. Hiểu như thế, chúng ta sẽ cảm thông hơn với người trót lầm lỡ tin theo kẻ xấu, thay vì xa lánh hay miệt thị, khiến người dân xa chúng ta hơn…
Có thể thấy, việc xâm nhập của một số đạo lạ, tà đạo vào một số địa bàn trên cả nước thời gian qua, lôi kéo tín đồ các tôn giáo, ít nhiều ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở cơ sở. Tuy nhiên, Linh mục Vũ Thanh Lịch, Chủ tịch Ủy ban Ðoàn kết Công giáo tỉnh Ðắk Lắk khẳng định: Các hiện tượng nêu trên chủ yếu là nhỏ lẻ, hoạt động mê tín dị đoan, phản khoa học… đi ngược lại chủ trương của Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Ủy ban Ðoàn kết Công giáo tỉnh Ðắk Lắk và Tòa Giám mục Giáo phận Buôn Ma Thuột đã giao các giáo xứ, giáo họ tuyên truyền, vận động, kêu gọi giáo dân không nghe, không tin theo các tà đạo, đạo lạ, yên tâm sinh hoạt theo đúng đường hướng “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980 và Huấn từ của Ðức Giáo hoàng Benedict XVI: “Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”, góp phần chung tay cùng với các cấp ủy, chính quyền giữ vững an ninh trật tự ở địa phương.
Theo thống kê của cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo các địa phương năm 2023, hiện có khoảng gần 100 hiện tượng tôn giáo mới, tà đạo, đạo lạ đang hoạt động tại Việt Nam, với khoảng gần 30 nghìn người tin theo; với giáo lý, giáo luật vay mượn của các tổ chức tôn giáo vốn đã được Nhà nước công nhận.
(Còn nữa)
(★) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 20/9/2024.