Ý nghĩa quân sự và chính trị của Hiệp định Geneva

Ngày 21/7/1954, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết, mở ra trang mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Việt Nam. Dù đã nhiều năm trôi qua, nhiều người dân Pháp vẫn quan tâm đến trận chiến cuối cùng của đội quân viễn chinh, cũng là sự khởi đầu quá trình phi thực dân hóa của Pháp.
0:00 / 0:00
0:00
Lá Cờ đỏ sao Vàng treo tại Trụ sở của Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Geneva (Thụy Sĩ), năm 1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Lá Cờ đỏ sao Vàng treo tại Trụ sở của Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Geneva (Thụy Sĩ), năm 1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Tiến sĩ Eric Coudray là một trong số đó, khi làm luận văn tiến sĩ với đề tài "Liệu có một cuộc chiến bị lãng quên? Lịch sử và ký ức của những người lính Pháp trong chiến tranh Ðông Dương", tập trung vào cuộc đời của những người lính, ký ức của họ về chiến tranh Ðông Dương.


Chia sẻ về ý nghĩa lịch sử và tầm quan trọng của Hiệp định Geneva năm 1954 đối với cuộc chiến tranh Ðông Dương, Tiến sĩ Eric Coudray nhấn mạnh, hiệp định đã góp phần chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài chín năm ở Ðông Dương. Thất bại của Pháp ở Chiến dịch Ðiện Biên Phủ đã đẩy nhanh việc ký kết hiệp định, cho người Pháp thấy rằng cuộc chiến của họ không thể thắng lợi và phải ngồi vào bàn thương lượng. Do đó, hiệp định này có tính chất quyết định đối với cuộc chiến tranh Ðông Dương lần thứ nhất, buộc các quốc gia phải công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) mà trước đây họ phủ nhận. Lực lượng viễn chinh Pháp đã rút hoàn toàn khỏi miền bắc Việt Nam ngày 16/5/1955 và rời hoàn toàn khỏi Việt Nam năm 1956.

Ðánh giá vai trò của Hiệp định Geneva đối với hai cuộc kháng chiến của Việt Nam chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Tiến sĩ Eric Coudray cho rằng, hiệp định đã đánh dấu sự khởi đầu quá trình phi thực dân hóa của Pháp; động viên tinh thần của các nhà lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong cuộc đấu tranh chính nghĩa giành độc lập và chiến lược chiến tranh cách mạng. Tuy nhiên, Mỹ và chính quyền Bảo Ðại đều không ký Hiệp định này. Việc phân chia Việt Nam được quyết định tại Geneva thành hai miền không giải quyết được hoàn toàn cuộc xung đột, mà còn khiến chiến tranh tiếp diễn cho đến tận năm 1975.

Theo Tiến sĩ Eric Coudray, với Hiệp định Geneva, Việt Nam đã chiến thắng cả về quân sự và chính trị trong cuộc xung đột kéo dài. Mặc dù hiệp định khiến Việt Nam bị chia cắt, nhưng cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam đã được nhân dân thế giới công nhận và ngưỡng mộ, nhất là các dân tộc đang đấu tranh cho nền độc lập của họ lúc bấy giờ. Ðây cũng là lần đầu trong lịch sử, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được khẳng định và thừa nhận, là cơ sở quan trọng để nhân dân Việt Nam tiếp tục đấu tranh, đi đến thống nhất đất nước sau này.

Nhà sử học Pháp Alain Ruscio cho rằng, hiệp định có ý nghĩa rất quan trọng vì đã khẳng định chiến thắng của Việt Nam và sự tan rã của quân đội Pháp, khiến họ không thể tiếp tục cuộc chiến, buộc họ phải ngồi vào bàn đàm phán để kết thúc chiến tranh, với sự tham gia của các bên. Nhà sử học Pháp cho rằng, cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ có thể mang lại bài học kinh nghiệm và một kết luận quan trọng có ý nghĩa cho đến ngày nay, đó là chiến tranh không thể khiến một dân tộc quỳ gối dù nó có thể khiến dân tộc đó phải chịu nhiều đau thương trong hàng chục năm. Ông khẳng định, ngay cả khi bị đàn áp dã man, dân tộc đó với cuộc đấu tranh chính nghĩa vì độc lập và tự do của mình sẽ không bao giờ bị khuất phục; không thể giết chết suy nghĩ và lý tưởng của một dân tộc dù có dùng bom đạn, thậm chí sử dụng nhiều bom đạn để khuất phục họ. Cũng theo nhà sử học Pháp, từ Hiệp định Geneva, Việt Nam có thể rút ra một bài học kinh nghiệm khác, đó là muốn giải phóng hoàn toàn đất nước, trước hết phải dựa vào sức mình, tự mình lãnh đạo đấu tranh, đồng thời cần có sự giúp đỡ, chi viện của các nước xã hội chủ nghĩa.

Xuyên suốt lịch sử ngành ngoại giao cách mạng của Việt Nam, Hiệp định Geneva về Ðông Dương được đánh giá là nấc thang quan trọng trong tiến trình đi tới độc lập, tự do của đất nước, là sự thử thách bản lĩnh của nền ngoại giao non trẻ. Ông David Fernández Puyana - Ðại sứ Phái đoàn Thường trực của Ðại học Hòa bình (UPeace) tại Văn phòng Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva cho biết, ông vừa tham dự triển lãm ảnh do Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva tổ chức. Ðây là một sự kiện lớn, ghi lại dấu mốc quan trọng trong lịch sử thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo ông, Hiệp định Geneva là bước tiến quan trọng trong quá trình toàn cầu hóa ở Liên hợp quốc. Sau Hiệp định Geneva là sự sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, với hàng loạt các nước thuộc địa Á-Phi giành được độc lập những năm cuối 1950, đầu 1960.