Xưởng túi "xanh"

Limloop ra đời vào cuối năm 2021 từ mong muốn chung tay giảm rác thải nhựa ra môi trường của Phạm Thị Kim Hằng (29 tuổi, Thành phố Hồ Chí Minh). Tính đến nay, xưởng túi thời trang tái chế của chị Hằng đã cung cấp ra thị trường hơn 20.000 sản phẩm và thu về phản hồi tích cực.
Nhân viên đang làm việc tại Xưởng túi Limloop ở quận Bình Tân.
Nhân viên đang làm việc tại Xưởng túi Limloop ở quận Bình Tân.

Lim là viết tắt của cụm từ "Less Is More", có nghĩa "Ít hơn là nhiều hơn". Còn loop trong tiếng Anh có nghĩa là vòng lặp. Chị Hằng cho biết: Sở dĩ chị đặt tên xưởng túi như vậy là vì muốn tạo thêm vòng đời mới cho ni-lông và nhiều loại rác thải nhựa góp phần bảo vệ môi trường. Một chiếc túi Limloop thành hình, gần 30 chiếc túi ni-lông đã qua sử dụng được tái tạo vòng đời.

Với định hướng thời trang bền vững, Hằng dành nhiều năm liền nghiên cứu cách tái chế ni-lông sao cho thật hiệu quả. Khi đã thành công, chị Hằng đưa thêm nhiều tiêu chí cho chiếc túi như yếu tố thẩm mỹ và tính ứng dụng cao; đồng thời, phải truyền tải được thông điệp bảo vệ môi trường. Mỗi dòng túi của Limloop luôn có một câu chuyện đi kèm, để người dùng thêm hiểu và cảm nhận rõ sự cần thiết của lối "sống xanh".

Nguyên liệu làm túi được chị Hằng cùng cộng sự thu gom từ cộng đồng, Limloop chỉ nhận ni-lông đã qua sử dụng để tái chế, chứ không nhận túi mới. Tại xưởng túi của chị Hằng, mỗi sản phẩm túi khi hoàn thiện phải bảo đảm sử dụng hơn 60% nguyên liệu từ vật liệu tái chế. Các chất liệu còn lại cũng phải thân thiện với môi trường và dễ phân hủy sau khi kết thúc vòng đời. Mất hai năm tìm hiểu, làm thử, Hằng mới cho ra đời chiếc túi tái chế bằng ni-lông đầu tiên. Ban đầu túi thiết kế còn đơn giản, tính thẩm mỹ chưa cao cho nên khách không mấy mặn mà.

"Hồi đó, ai cũng nói tôi liều, chẳng biết gì về may mặc, thiết kế mà mở xưởng túi rồi gom hết tiền tiết kiệm ra tận Thái Bình mua khung dệt thủ công. Thế nhưng, tôi vẫn chọn con đường này với mong muốn truyền cảm hứng để nhiều người cùng chung tay bảo vệ môi trường. Cái khó của việc tái chế ni-lông là mầu sắc không đồng bộ, đòi hỏi sự linh động trong thiết kế. Về sau, tôi biến điểm yếu này thành thế mạnh khi cho ra mắt dòng túi tái chế ni-lông độc bản hoặc phiên bản giới hạn. Thị trường rất chuộng dòng túi mang dấu ấn riêng", chị Hằng vui vẻ cho biết.

Không chỉ độc đáo về chất liệu, kiểu dáng, thông điệp, xưởng túi của Hằng còn tuyển dụng phần lớn nhân viên là người yếu thế, trong đó có những nhân viên bị điếc. Ngày nhận các bạn vào làm, chị cũng bối rối lắm, không biết sẽ giao tiếp, chỉ việc sao cho hiệu quả. Chị quyết định dành mấy tháng liền đi học ký hiệu ngôn ngữ để có thể hiểu và giao tiếp cơ bản với nhân viên. Khi đã kết nối được với các bạn, chị Hằng thực hiện các bài đánh giá năng lực và phân công cụ thể phần việc cho từng người.

Trong phòng sơ chế và dệt ni-lông, Dương Quốc Thịnh là người duy nhất có thể nghe được chút ít nhưng kỹ năng nói rất hạn chế. Thịnh được chọn làm "thông dịch viên" hỗ trợ ba nhân viên bị điếc hoàn toàn. Biết Thịnh muốn tập nói, tập nghe, chị Hằng dành nhiều thời gian tương tác với nhân viên đặc biệt này. Sau khoảng một năm làm việc tại xưởng, không chỉ nắm vững quy trình làm túi, giờ đây, Thịnh đã biết thêm nhiều từ liên quan đến công việc, tập giao tiếp với khách ghé xưởng tìm hiểu, mua hàng. Thịnh ham học và muốn chứng minh với mọi người rằng, nếu được trao cơ hội, người khuyết tật có thể làm rất tốt các phần việc. Nhìn Thịnh tự tin hướng dẫn khách làm túi ni-lông ép ngay tại cửa hàng trưng bày sản phẩm hay hào hứng dùng ngôn ngữ ký hiệu trao đổi với đồng nghiệp trong xưởng, chị Hằng biết đã chọn đúng người.

Đưa ngón tay cái lên, chị Hằng cười thật tươi và khen các nhân viên "Giỏi lắm! Cảm ơn mấy anh em". Chị Hằng kể, tại Limloop, các phần việc được phân chia phù hợp với từng dạng tật để người lao động tự tin làm việc, từ đó tạo ra thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm. Khu vực "ô nhiễm tiếng ồn" như xưởng sơ chế và dệt ni-lông, nhân viên phụ trách là người điếc và người khiếm thính. Trong khi đó, phần may túi, thiết kế, quảng bá sản phẩm được giao cho người khuyết tật vận động. Nhân viên phụ trách cửa hàng là người khiếm thị. Vào cuối tuần, nhân viên được tạo điều kiện tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn để hiểu hơn về thông điệp của sản phẩm và những kỹ năng cần thiết trong quá trình làm việc.

Chị Trần Hoàng Yến, Giám đốc sản xuất của Limloop cũng khuyết tật vận động. Là chủ xưởng may quần áo tại quận Bình Tân hơn 20 năm nay, từ sau dịch Covid-19, chị phối hợp với chị Hằng gia công túi cho Limloop với mức giá thấp nhất có thể để vừa tạo nguồn việc làm cho nhân viên, vừa chung tay bảo vệ môi trường.

Chị Yến kể: May công nghiệp số lượng lớn nhiều năm quen rồi, ban đầu, khi chuyển sang làm túi tái chế thủ công thật sự rất mệt, thu nhập cũng không cao, nhiều người xin nghỉ. Tôi tìm cách trấn an, kể câu chuyện xoay quanh cái túi mà mọi người đang làm. Nghe xong, nhiều người chọn tiếp tục gắn bó. Bây giờ, mọi việc suôn sẻ rồi, túi may đẹp hơn, khách khen cho nên ai cũng phấn khởi. Mình vừa có thu nhập, vừa làm điều tốt cho môi trường thì khó khăn chút cũng xứng đáng.