Đây là sự ghi nhận, đánh giá những thành tựu mà Thủ đô đạt được trong thời gian qua, đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế mà thành phố cần sớm khắc phục để xứng tầm vị trí trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực.
PII là chỉ số tổng hợp của 52 chỉ số thành phần, được xây dựng nhằm phản ánh bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh cho biết, Hà Nội đứng đầu cả nước ở cả xếp hạng đầu ra và đầu vào đổi mới sáng tạo nhờ dẫn đầu 14 chỉ số trong 52 chỉ số thành phần.
Trong số này, nhiều chỉ số có ý nghĩa quan trọng trong quá trình đổi mới sáng tạo như nhân lực nghiên cứu và phát triển (toàn thời gian); tỷ lệ % chi cho nghiên cứu và phát triển/GRDP; số tổ chức khoa học và công nghệ… Hà Nội có nhiều chỉ số vượt trội đều đạt 100 điểm như: Số sản phẩm OCOP 4 sao trở lên, tín dụng cho khu vực tư nhân, đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo; đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích…
Theo Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, thời gian qua, thành phố triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nghiên cứu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện, phát triển sản phẩm mới, từng bước đưa Thủ đô trở thành trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo...
Hiện Hà Nội đang đứng đầu cả nước với 156 doanh nghiệp trong tổng số 750 doanh nghiệp khoa học và công nghệ của cả nước. Trên địa bàn Thủ đô hiện tập trung hơn 70% tổ chức khoa học, công nghệ, trường đại học và viện nghiên cứu, 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và có 82% số phòng thí nghiệm trong cả nước. Số nhà khoa học đầu ngành đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội chiếm hơn 65% số nhà khoa học trong cả nước.
Đây cũng là nền tảng, cơ sở giúp thành phố Hà Nội trở thành trung tâm hàng đầu về khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước. Số lượng vườn ươm doanh nghiệp, tổ chức cung cấp chương trình thúc đẩy kinh doanh lần lượt chiếm hơn 38% và 40% xét trên quy mô cả nước. Tính riêng năm 2023, hơn 90% đề tài khoa học công nghệ và 100% dự án sản xuất thử nghiệm của thành phố đã được ứng dụng vào thực tiễn.
Các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất chất lượng hàng hóa và dịch vụ. Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã nghiên cứu, chế tạo thành công một số dây chuyền công nghệ thiết bị đồng bộ, hiện đại phục vụ phát triển sản xuất hàng tiêu dùng, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, thay thế hàng nhập khẩu.
Bước đầu thành phố hình thành một số trung tâm gia công làm hạt nhân cho các khu công nghiệp, công nghệ cao, hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu ứng dụng trong công nghiệp và làm tiền đề cho các bước phát triển tiếp theo. Nhiều doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, hộ gia đình đã ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất, tạo ra nhiều nông sản hàng hóa có năng suất vượt trội, giá trị gia tăng cao, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước…
Tuy nhiên, kết quả Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023 cũng chỉ ra một số điểm còn hạn chế của Thủ đô, như chi phí gia nhập thị trường vẫn cao, quản trị môi trường thấp, tỷ lệ % chi cho khoa học và công nghệ/GRDP còn khiêm tốn, cơ sở hạ tầng về công nghệ cao còn yếu…
Nhiều tiềm lực khoa học, công nghệ trên địa bàn chưa được khai thác, sử dụng thật sự hiệu quả. Để khắc phục những hạn chế này, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phát triển. Thành phố xác định, đây là một trong ba khâu đột phá chiến lược nhằm phát triển bền vững Thủ đô giai đoạn 2020-2025, định hướng năm 2030, tầm nhìn năm 2045.
Thành phố đang triển khai thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”. Đồng thời, thành phố tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong Luật Thủ đô (sửa đổi) để khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao và làm chủ công nghệ mới; tăng cường liên kết, kết nối hạ tầng nghiên cứu của các tổ chức khoa học và công nghệ nhằm tạo lập môi trường phát triển và thử nghiệm các công nghệ mới; tiếp tục quan tâm phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Thủ đô…
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết, năm 2024, Sở sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ để triển khai các hoạt động hình thành thị trường khoa học và công nghệ Hà Nội, trong đó trọng tâm là thành lập và đưa vào vận hành Sàn giao dịch công nghệ Hà Nội; đồng thời, thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển tài sản trí tuệ, phát huy vai trò của Hà Nội là trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước.