Tết đến Xuân về là khoảnh khắc lòng người bồi hồi trước những giá trị truyền thống dân tộc, những phút giây sum vầy... và đó cũng là dịp để sẻ chia, hướng về nhau bằng tình cảm ấm nồng, san sẻ. Trong không khí ấy, "Tết sẻ chia" - sự kiện thường niên của Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh - lại tiếp tục thắp lên ngọn lửa yêu thương, gắn kết cộng đồng và lan tỏa những giá trị nhân văn cao đẹp.
Học sinh Lương Thế Vinh lan tỏa thông điệp tích cực qua chiến dịch "An toàn giao thông học đường"
Được khởi xướng hơn 10 năm trước, "Tết sẻ chia" sâu đậm giá trị truyền thống đầy ý nghĩa, nơi thầy cô, phụ huynh và học sinh cùng nhau trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của ngày Tết, và đặc biệt hơn là chung tay gửi trao nhiều món quà thiết thực đến những hoàn cảnh khó khăn.
Đón học sinh vùng cao về Thủ đô vui Tết. |
Năm nay, với mục tiêu chia sẻ với khó khăn, thử thách của bà con vùng cao vùng cao đang phải vực dậy cuộc sống sau thiên tai năm cũ, từ những bếp lửa bập bùng luộc bánh chưng tới các gian hàng, trình diễn văn hóa truyền thống... đều thấm đẫm nghĩa tình.
Nhà trường vừa tái hiện những giá trị văn hóa, vừa hướng về những miền đất xa xôi, nơi còn biết bao mảnh đời khó khăn cần được sẻ chia và giúp đỡ trong sứ mệnh chung: Lan tỏa tinh thần Tết sẻ chia đúng nghĩa, trong từng hành động, từng niềm vui, từng món quà trao đi.
Các em học sinh đã vượt chặng đường xa xôi để hòa vào không khí Tết ở Thủ đô. |
Cách đây vài năm, từ cảm xúc về chuyến thăm đầy xúc động tại một điểm trường vùng cao cùng truyền thống nhà trường và ý nghĩ về mô hình "host family", nhà giáo Văn Thùy Dương, Phó hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh đã nảy ra một ý tưởng đầy nhân văn: Đón học sinh vùng cao xuống Hà Nội vui Tết trong không khí ấm áp của một gia đình thứ hai.
Các em sẽ vừa có cơ hội trải nghiệm những ngày Tết sôi động, rực rỡ sắc mầu của Thủ đô, vừa hòa mình trong tình yêu thương của những gia đình học sinh trường Lương Thế Vinh. Từ đó, nhà trường hy vọng rằng các em cảm nhận được niềm vui, hy vọng trong mùa xuân mới, và quan trọng hơn cả là nuôi dưỡng ước mơ, khát vọng vươn lên trong học tập.
Tôi tin rằng, với thông điệp "trao yêu thương, nhận hạnh phúc", chương trình Tết sẻ chia không chỉ mang lại những ký ức đẹp mà còn nuôi dưỡng trong mỗi người chúng ta lòng nhân ái, sự sẻ chia và tinh thần đoàn kết. Đây chính là ngọn lửa yêu thương mà chúng ta sẽ tiếp tục gìn giữ và trao truyền cho thế hệ mai sau.
Nhà giáo Văn Thùy Dương, Phó hiệu trưởng trường THCS&THPT Lương Thế Vinh
Thông qua chương trình, nhà trường mong muốn muốn các học sinh hiểu được giá trị của sự sẻ chia, lòng biết ơn, qua đó thêm trân trọng những gì mình đang có. Trong dịp "Tết sẻ chia" năm 2024, 10 em học sinh dân tộc Dao đến từ huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đã có dịp đến Hà Nội, sống cùng những gia đình thành phố, trải nghiệm không khí đón Tết ở Thủ đô. Hình ảnh những em nhỏ chân chất, hồn nhiên mà đầy nghị lực, hòa vào niềm vui Tết nơi phố thị khiến mọi người không khỏi xúc động.
Giờ học giao lưu đầy sôi động. |
Năm 2025 là năm thứ hai liên tiếp hoạt động này được tổ chức, tiếp nối thành công và lan tỏa mạnh mẽ từ năm 2024, là minh chứng cho sự gắn kết yêu thương, giúp các em nhỏ vùng cao cảm nhận được tình cảm chân thành và niềm hy vọng vào một tương lai tươi sáng.
Nhà giáo Văn Thùy Dương nhấn mạnh: "Từ những ngày đầu khi chương trình được tổ chức, mong muốn duy nhất của chúng tôi là để các con được tham gia những hoạt động mà ngày xưa ông bà, bố mẹ thường làm mỗi dịp Tết đến. Từ việc gói bánh chưng, chuẩn bị đón Tết cho đến việc quây quần bên gia đình quanh nồi bánh chưng đỏ lửa - đó là những trải nghiệm quý giá, giúp các con cảm nhận được sự ấm áp và ý nghĩa thực sự của Tết".
Vui với trò chơi dân gian. |
Trong các học sinh trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Ta Ma (Điện Biên), nổi bật có ba em đạt thành tích học tập tốt: Giàng Thị Hờ lớp 9A2: Giải Khuyến khích môn Ngữ Văn cấp huyện; Sùng Cung Khải lớp 7A3: giải Khuyến khích môn Khoa học Kỹ thuật cấp huyện; Quàng Thị Trang lớp 8A1: giải Khuyến khích môn Khoa học Kỹ thuật cấp huyện.
Khi chuyến xe chờ đoàn học sinh từ vùng cao xuống Thủ đô, lòng người ở lại cũng trào dâng khắc khoải với bao câu hỏi: Những đứa trẻ này sẽ hòa mình ra sao giữa nhịp sống hối hả? Liệu các em có cảm thấy lạ lẫm giữa phố phường đông đúc? Nhưng, khi nhìn thấy những ánh mắt sáng ngời của các em ở Thủ đô qua từng bức ảnh, thước phim... mọi người đều tin chuyến đi ấy sẽ là một hành trình khó quên.
Xin chữ đầu xuân. |
Ngày 16/1, các bạn nhỏ vùng cao đặt chân đến Hà Nội, thành phố lạ lẫm nhưng đầy sức hút. Sau hành trình dài, các em được đón tiếp nồng nhiệt bởi Ban Giám hiệu, phụ huynh, học sinh trường Lương Thế Vinh - mái nhà ấm áp đón chào các em với bao điều mến thương, mới mẻ.
Một câu chuyện khiến tôi nhớ mãi là vào năm ngoái, khi con trai tôi và một cháu cùng nấu ăn. Muốn thử so sánh cách nấu ở Hà Nội và quê hương cháu, với rau bắp cải, con trai tôi chọn luộc, cháu thì xào rất mặn. Cháu chia sẻ rằng ở nhà, bữa cơm chỉ có rau nên phải xào mặn để ăn cùng. Từ đó, tôi càng hiểu hơn về hoàn cảnh của các cháu rất khó khăn, vất vả.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, phụ huynh học sinh
Những ngày tiếp theo, các em bắt đầu tham gia tiết học đầu tiên tại trường Lương Thế Vinh. Lần đầu tiên trẻ vùng cao ngồi trong lớp học có máy chiếu, bảng điện tử. Dù có phần lạ lẫm, các em vẫn chăm chú lắng nghe, tương tác tích cực hoạt động cùng học sinh nhà trường. Trong đôi mắt sáng ngời của các em, ai cũng nhận thấy niềm khát khao học hỏi, mong muốn vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Trao tặng những món quà ý nghĩa. |
Sau giờ học, các em cùng nhau tham quan những địa danh nổi tiếng của Hà Nội: Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Đền Ngọc Sơn, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam... Những câu chuyện về lịch sử, những di tích văn hóa lâu đời vốn chỉ nghe qua sách vở, nay được tận mắt chứng kiến, khiến các em không khỏi xúc động.
Đặc biệt, khi thưởng thức những món ăn đặc sản Hà Nội, từ bún chả, phở cho đến bánh cuốn, bánh mì, các em không khỏi ngạc nhiên, thích thú. Mỗi món ăn dường như mang đến một thế giới mới mẻ, nơi mà mỗi món ăn là một câu chuyện, là một phần không thể thiếu trong nền văn hóa của Thủ đô.
Học sinh vùng cao khám phá vẻ đẹp của danh lam thắng cảnh Thủ đô. |
Ngày 18/1, trong khuôn khổ sự kiện "Tết sẻ chia 2025", khi các thầy cô và phụ huynh chia sẻ về tình yêu thương. Sự sẻ chia, các em học sinh vùng cao không kìm được cảm xúc. Các em hồn nhiên kể về những ngày phải băng qua đường núi gập ghềnh để đến trường, về bao khó khăn trong cuộc sống, nhưng cũng đầy ắp niềm tin vào tương lai. Mỗi giọng nói, mỗi ánh mắt trong veo như làm ấm thêm bầu không khí, khiến mỗi người lắng lại, cảm nhận rõ hơn về giá trị cuộc sống.
Và rồi, những bàn tay nhỏ bé ấy gấp từng chiếc lá dong, xếp gạo, nhân thịt và buộc lạt để gói bánh chưng. Một trải nghiệm tưởng chừng đơn giản, nhưng lại đầy ý nghĩa bởi các em gói bánh chưng cùng gia đình lớn ở Thủ đô. Khi từng chiếc bánh được hoàn thành, ánh mắt càng thêm rạng ngời như những chiếc bánh chưng vuông vức ấy chứa đựng bao khát vọng yêu thương.
Các em luôn được quan tâm, yêu thương từ những điều nhỏ nhất. |
Em Giàng Thị Nga người dân tộc H'Mông, chia sẻ: "Hà Nội có nhiều tòa nhà cao tầng và phố xá đông đúc, nhộn nhịp khiến em rất thích thú. Em là con út trong gia đình có bốn anh chị em, em tự nhủ phải cố gắng học tập để có một công việc ổn định, có thu nhập và sẽ không lấy chồng, sinh con sớm, để cuộc sống sau này bớt khổ".
"Nhà em cách trường khoảng 7km, phải mất gần hai tiếng để đến nơi. Bố mẹ em làm nông, nên Tết chỉ có giã bánh dày, còn trong bản, chỉ nhà nào khá giả mới có thêm chút thịt lợn, thịt gà. Ở Hà Nội, ở cùng cô chú và bạn, em được đưa đón bằng ô-tô, được ăn nhiều món ngon và đi chơi nhiều nơi, so với bản em thì khác biệt rất nhiều", em Giàng Thị Hờ xúc động nói.
Giây phút tạm biệt đầy lưu luyến. |
Dịp này, học sinh vùng cao cũng tham gia các hoạt động văn hóa dân gian như làm hoa giấy, tô tranh Đông Hồ, chơi trò chơi dân gian. Các em cũng tham gia lớp học làm kẹo hạnh phúc, trang trí mẹt Tết. Từng nụ cười nở bừng trên môi. Những sản phẩm các em tự tay làm ra được nâng niu thành một món quà gửi gắm yêu thương cho gia đình, cho quê hương.
Thầy Giàng A Chinh, giáo viên, tổng phụ trách đội Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Ta Ma cho biết: "Nhiều em học sinh đã rơi nước mắt. Trước khi đến Hà Nội, các em lo lắng, sợ không quen, nhưng khi gặp các thầy cô, phụ huynh và học sinh ở Hà Nội, các em bất ngờ vì được thương yêu như con ruột. Dù chỉ ở mái nhà chung trong ba ngày ngắn ngủi, nhưng các em cảm nhận được rất nhiều tình yêu thương. Nhà trường và các gia đình không chỉ quan tâm, hỏi han, giải thích nhiều điều mới lạ, mà còn chăm sóc chu đáo từng bữa ăn, lo lắng khi ngủ xem các em có lạnh không, có cần thêm chăn ấm không. Điều đó khiến các em bồi hồi, lưu luyến, không muốn rời xa".
Khoảnh khắc xúc động của học sinh vùng cao sau hành trình đáng nhớ. |
Những đứa trẻ ấy sẽ trở về với những con đường núi gập ghềnh, nhưng trong trái tim, ký ức về Hà Nội, về sự sẻ chia sẽ như ngọn lửa, trở thành động lực để các em tiếp tục bước đi, tiếp tục nuôi dưỡng khát khao vươn lên trong học tập, xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn. Và như thế, "Tết sẻ chia" đã vượt qua phạm vi một sự kiện, trở thành hành trình thay đổi, thành dấu ấn không thể phai mờ trong tâm hồn trẻ vùng cao.