Tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp bình đẳng, vươn lên mạnh mẽ, đóng góp cho phát triển đất nước

Sáng 4/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện doanh nghiệp nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Trần Hồng Hà và Lê Thành Long; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; hơn 200 đại diện doanh nghiệp, doanh nhân, hơn 40 hiệp hội doanh nghiệp trong nước.
0:00 / 0:00
0:00
Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) phát biểu ý kiến tại cuộc gặp mặt. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) phát biểu ý kiến tại cuộc gặp mặt. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Tại buổi gặp mặt, đại diện lãnh đạo nhiều tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn, hiệp hội doanh nghiệp đã bày tỏ cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương luôn quan tâm, động viên, đồng hành với đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong quá trình phát triển; đồng thời kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, đóng góp xứng đáng cho công cuộc phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel): từ khi khai trương mạng di động năm 2004, chỉ 2 năm sau, tức năm 2006, Viettel đã đầu tư ra nước ngoài. Mặc dù là lĩnh vực mới, chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng Tập đoàn cũng mạnh dạn đầu tư tại 2 nước là Lào và Campuchia. Từ đó rút kinh nghiệm để đầu tư ra các nước khác tại châu Phi và Mỹ La tinh. Đến nay, sau chặng đường 18 năm đầu tư, Viettel đã trở thành nhà đầu tư viễn thông lớn trên thế giới, giá trị thương hiệu theo định giá gần 9 tỷ USD, đứng thứ 17 thế giới và giá trị thương hiệu viễn thông số 1 tại Đông Nam Á.

Hiện nay, Viettel đã đầu tư tại 13 quốc gia với 24 dự án thuộc các lĩnh vực kinh doanh viễn thông, nghiên cứu phát triển, xây lắp, bưu chính với tổng số vốn là 1,5 tỷ USD, trong đó chiếm tỷ trọng lớn là các dự án viễn thông của Tập đoàn.

Tại các nước đầu tư, Viettel luôn hướng tới mục tiêu là doanh nghiệp tiên phong dẫn dắt thị trường, trong lĩnh vực viễn thông, Viettel có 7/10 thị trường đã vươn lên số 1, có những thị trường trong vòng 6 tháng đã vươn lên số 1 như thị trường Bungaria, có những thị trường khác, Viettel kiên trì sau 12 năm như Mozambique.

Bên cạnh viễn thông, Viettel cũng mở rộng, đi vào chiều sâu như là đưa nền tảng số, những lĩnh vực mới để kinh doanh như thanh toán số tại châu Phi, Mozambique, những đóng góp ở đây rất lớn trong khi đầu tư rất nhỏ. Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, Viettel cũng xác định đầu tư ra nước ngoài gắn chặt với nhiệm vụ chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, từ đó giúp thúc đẩy ngoại giao văn hoá, đối ngoại quốc phòng, lan tỏa hình ảnh đất nước, con người, những thành tựu của Việt Nam ra quốc tế. Đây cũng là cơ hội tốt để tạo ra các cán bộ chuyên môn, có kinh nghiệm, bản lĩnh, nhiệt huyết, tự tin không chỉ cho Viettel mà cho đất nước nói chung.

Về thách thức, kinh doanh ra nước ngoài cũng có nhiều khó khăn, đặc biệt là ở những nước lớn, phát triển thực sự không phải dễ cho lĩnh vực công nghệ cao, những vùng Viettel tìm đến là những vùng khó khăn như ở châu Phi, Nam Mỹ, hay ở Đông Nam Á.

Khi xin phép đầu tư, Viettel luôn khảo sát rất kỹ thị trường trước khi ra quyết định, tuy nhiên tập đoàn cũng không thể lường trước được những xung đột, diễn biến chính trị ở các quốc gia.

Thứ 2 là khác biệt về văn hóa, mỗi quốc gia có nền văn hóa riêng, thậm chí là trong một quốc gia cũng có văn hóa khác nhau. Thứ 3 là khác biệt về ngôn ngữ.

Về những kiến nghị, đề xuất, Viettel rất phấn khởi, vui mừng khi trong một chương trình do VTV tổ chức, Thủ tướng có nhấn mạnh đến những điểm tựa Việt Nam, với Viettel, khi kinh doanh ra nước ngoài rất cần điểm tựa đó, nhất là tại những nước Việt Nam không có Đại sứ quán, bảo hộ đầu tư. Cần có chiến lược hoặc nghị quyết về lĩnh vực này để doanh nghiệp tự tin đi ra nước ngoài. Cần nâng cao vai trò ngoại giao kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài qua những chuyến công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, hay những chuyến thăm của lãnh đạo, doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam.

Thứ ba, cần giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp đầu đàn, với những thế mạnh tại những vùng, khu vực cụ thể, cùng với các doanh nghiệp khác của Việt Nam tạo hệ sinh thái đầy đủ tại các nước đầu tư.

Tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp bình đẳng, vươn lên mạnh mẽ, đóng góp cho phát triển đất nước ảnh 1

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) nêu rõ, Petrovietnam là tập đoàn kinh tế lớn nhất trong các Tập đoàn kinh tế do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, các hoạt động của Petrovietnam có ảnh hưởng trọng yếu đối với toàn bộ chuỗi giá trị năng lượng tại Việt Nam. Hoạt động của Petrovietnam rất hiệu quả và là doanh nghiệp đóng góp lớn nhất cho phát triển kinh tế-xã hội.

Theo tổng hợp, vốn chủ sở hữu của Petrovietnam đến ngày 31/12/2023 đạt trên 531,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,8% tổng vốn chủ sở hữu của toàn bộ các doanh nghiệp nhà nước (1,80 triệu tỷ đồng), chiếm tỷ trọng 32,8% tổng vốn chủ sở hữu của các Tập đoàn/Tổng công ty nhà nước (1,62 triệu tỷ đồng). Tổng doanh thu toàn Petrovietnam giai đoạn 2021- 2023 đạt trên 834 nghìn tỷ đồng/năm, tăng trưởng đạt 20,2%/năm, so với năm 2020 doanh thu năm 2023 toàn Petrovietnam tăng 66,6% (942,8/566,0 nghìn tỷ đồng), cao hơn 24,2 điểm % so với mức tăng của các doanh nghiệp nhà nước (là 42,4%, 2,30 triệu tỷ đồng/1,62 triệu tỷ đồng). Lợi nhuận trước thuế hợp nhất Petrovietnam giai đoạn 2021-2023 đạt trên 61,4 nghìn tỷ đồng/năm, tăng trưởng đạt 60,5%/năm, cao hơn 55,4 điểm % so với mức tăng của các doanh nghiệp nhà nước (5,1%); so với năm 2021 lợi nhuận hợp nhất của Petrovietnam tăng 9,1%. Nộp ngân sách nhà nước toàn Petrovietnam giai đoạn 2021-2023 đạt 145 nghìn tỷ đồng/năm, tăng trưởng đạt 25,2% năm, chiếm tỷ trọng 8,4%/năm tổng thu ngân sách cả nước (năm 2021 chiếm 7,1%; 2022 là 9,6% và 2023 là 8,7%); tổng số lao động đến 30/6/2024 là gần 54 nghìn người, trong đó trình độ trên đại học là hơn 3.868 người; trình độ trên đại học là hơn 25.664 người.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam nêu rõ, trong hơn 20 năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách xã hội hóa của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ các ban, bộ, ngành Trung ương, nhất là Bộ Y tế, lĩnh vực y tế tư nhân có tốc độ phát triển nhanh chóng, góp phần giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, cùng ngành y tế nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, tạo điều kiện cho người dân được hưởng quyền lợi khi đi khám chữa bệnh. Tính đến ngày 30/9/2024, cả nước đã có 372 bệnh viện tư nhân trong tổng số có 1.527 bệnh viện được cấp giấy phép hoạt động, chiếm 23,84% so với bệnh viện công lập.

Tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp bình đẳng, vươn lên mạnh mẽ, đóng góp cho phát triển đất nước ảnh 2

Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Ông Nguyễn Văn Đệ nêu rõ, hiện tại, quy định pháp luật về đầu tư y tế tư nhân vẫn chưa sát với định hướng chủ trương, chính sách của Đảng, còn chồng chéo, không nhất quán trong thực hiện chính sách thu hút đầu tư, chính sách sử dụng đất đai. Ví dụ, cùng chủ trương thu hút đầu tư dự án bệnh viện tư nhân nhưng mỗi địa phương hướng dẫn nhà đầu tư áp dụng quy định pháp luật theo cách khác nhau.

Về chính sách đất đai y tế, trước đây, phần lớn các địa phương đều thực hiện lựa chọn nhà đầu tư dự án xây dựng bệnh viện tư nhân thông qua hình thức chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, không phải thực hiện quy trình lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu hay đấu giá đất, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về trình tự, thủ tục cho nhà đầu tư thực hiện dự án, có chính sách miễn, giảm tiền thuê đất công bằng như bệnh viện công lập.

Tuy nhiên hiện nay, một số địa phương áp dụng quy định Luật Đấu thầu, Luật Đất đai để đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án bệnh viện tư nhân, không thống nhất áp dụng chính sách xã hội hóa theo Nghị định 69/2008/NĐ-CP, Nghị định số 59/2014/NĐ-CP để thực hiện dự án đầu tư, khiến cho chính sách xã hội hóa khó đi vào cuộc sống, tốc độ xã hội hoá chậm so với tiềm năng và chỉ tiêu định hướng của Nghị quyết mà Đảng, Chính phủ đặt ra, làm thay đổi ý nghĩa ưu việt mà chính sách xã hội hóa đem lại.

Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đặt ra là: đến năm 2025, tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 10%, đến năm 2030: Tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15%. Tuy nhiên, hiện tại y tế tư nhân mới đạt khoảng 8%. Do vậy, để đạt mục tiêu Nghị quyết 20-NQ/TW đặt ra, ông đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện ban hành các chính sách khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực y tế mang tính đồng bộ, trong đó đối với các dự án đầu tư bệnh viện tư nhân thống nhất chỉ nên áp dụng thực hiện theo Nghị định 69/2008/NĐ-CP, Nghị định số 59/2014/NĐ-CP, thuộc đối tượng được Nhà nước thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê không thu tiền sử dụng đất trong suốt thời gian thực hiện dự án; không phải thực hiện trình tự đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất, đảm bảo công bằng như dự án bệnh viện công lập.

Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động lựa chọn, chỉ định nhà đầu tư có đủ năng lực, uy tín, trách nhiệm để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở y tế trên địa bàn, góp phần giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, nâng số lượng bệnh viện và giường bệnh trong cả nước, tạo môi trường bình đẳng, không phân biệt trong đầu tư xây dựng cơ sở y tế công lập và tư nhân.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam bày tỏ, cộng đồng doanh nghiệp cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực hết mình với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong nhiệm kỳ thời gian qua, đặc biệt là công tác "chăm lo đời sống và sức khỏe của doanh nghiệp", tạo nên một khối đại đoàn kết mạnh mẽ, chung sức đồng lòng xây dựng và bảo vệ tổ quốc qua hết thử thách này đến khó khăn khác.

Tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp bình đẳng, vươn lên mạnh mẽ, đóng góp cho phát triển đất nước ảnh 3

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Với mong muốn đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu này, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam xin tham gia góp ý về 6 vấn đề.

Thứ nhất, việc đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư công của Nhà nước, đặc biệt là hai siêu dự án Đường bộ cao tốc bắc-nam phía Đông và Đường sắt tốc độ cao bắc-nam là hết sức cấp thiết để tạo nền tảng bứt phá cho các vùng, địa phương thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2026 và những năm tới.

Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của Dự án đường bộ cao tốc và đồng thời nghiên cứu triển khai Dự án đường sắt tốc độ cao bắc- nam. Một thách thức đặt ra là "nguồn vốn" để thực hiện các dự án, làm sao để các Dự án đúng tiến độ, hiệu quả và đặc biệt là "tiết kiệm chi phí hợp lý".

Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam mạnh dạn kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, cần có một đề án cụ thể về "Thu hút nguồn vốn trong nhân dân" để phục vụ hai dự án nêu trên, có thể thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ với mức lãi suất hấp dẫn để khuyến khích người dân tham gia. Đặc thù của doanh nghiệp và người dân Việt Nam là khi Tổ quốc, đất nước cần thì sẵn sàng ủng hộ hết mình. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để tổ chức triển khai và kiểm soát các dự án lớn. Chính phủ có thể "đặt đề bài" cho các doanh nghiệp tầm cỡ trong nước, bảo lãnh cho họ trực tiếp vay vốn và đàm phán với các đối tác nước ngoài (để mua công nghệ, thuê chuyên gia...).

Thứ hai, kinh tế số là xu thế tất yếu của thế giới, trong đó có một thị trường tài chính, thị trường vốn rất lớn đang được thế giới nghiên cứu và triển khai mạnh mẽ nhưng Việt Nam lại đi sau, đó là thị trường tiền số. Mặc dù Việt Nam hiện nay chưa cho phép vận hành thị trường này nhưng rất nhiều nhà đầu tư (bao gồm cả nhà đầu tư chuyên nghiệp lẫn người dân bình thường) vẫn tham gia đông đảo ở các sàn tiền số trên thế giới. Lượng tiền lưu thông trong thị trường này lên đến hàng trăm tỷ USD và là kênh huy động vốn rất hiệu quả của nhiều dự án công nghệ.

Thứ ba, nước ta hiện có 3% là doanh nghiệp lớn, đa phần hoạt động đa lĩnh vực, đa ngành nghề. Lực lượng doanh nghiệp lớn đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế và chuỗi giá trị trong nước. Vậy nên Chính phủ cần trao đổi và giao nhiệm vụ cụ thể cũng như ban hành những chính sách hỗ trợ đặc thù cho các doanh nghiệp lớn để họ tập trung phát triển một lĩnh vực ngành nghề mũi nhọn.

Thứ tư, lực lượng Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp cả nước, hằng năm đóng góp hơn 40% GDP, 40% thu Ngân sách Nhà nước và 60% lao động, tuy nhiên đối tượng đóng vai trò quan trọng nhất trong kết nối doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ là lực lượng doanh nghiệp vừa (hiện nay có khoảng 30.000 doanh nghiệp - chiếm 4% nhưng con số này không hề nhỏ - họ là các doanh nghiệp có khát vọng, tiềm năng, điều kiện để trở thành doanh nghiệp lớn và có hoạt động sản xuất-kinh doanh khá chuyên nghiệp). Để gia tăng số lượng "đàn sếu" của nền kinh tế và kéo theo lực lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đi lên, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ trong thời gian tới nên tập trung hơn nữa các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa.

Thứ năm, cả nước có 5 triệu hộ kinh doanh (đông gấp 6 lần lực lượng doanh nghiệp), trong khi đó quy định về đối tượng này chỉ được dành một phần trong Luật Doanh nghiệp, điều này là rất thiệt thòi đối với họ. Do vậy, kiến nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành Luật riêng cho hộ kinh doanh, trong đó để "chính thức hóa" chuyển đổi các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, kiến nghị Chính phủ đưa ra các tiêu chí, định mức cụ thể để các hộ kinh doanh khi đạt được "phải" chuyển đổi thành doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần có những chính sách hỗ trợ về thuế, vốn, mặt bằng, lãi suất... để thúc đẩy các hộ kinh doanh sớm phát triển thành doanh nghiệp.

Thứ sáu, Hiệp hội rất mong Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủng hộ ý tưởng thành lập Quỹ quốc gia về thu hút và phát triển nhân tài; kêu gọi các doanh nghiệp lớn cùng đóng góp, tham gia để vận hành Quỹ nhằm phát triển nhân tài cho đất nước, nhất là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Điều kiện của Quỹ là không có vốn mồi, hoạt động hoàn toàn dựa trên cơ sở huy động nguồn lực xã hội và tuân thủ quy định pháp luật về Quỹ nhằm ươm mầm và phát triển các thế hệ trẻ Việt Nam.