Tại hội nghị, thông báo tình hình kinh tế-xã hội đến các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp đầu tư trong nước, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết, tình hình kinh tế-xã hội trong 9 tháng đầu năm 2024 của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực; trong số 36 chỉ tiêu chủ yếu, đến nay đã có 19 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch năm.
Một số chỉ tiêu kinh tế đạt cao, như: chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 6,31% so với cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 255.099 tỷ đồng, tăng 12,7%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 25,6 tỷ USD, tăng 13,7%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 18,2 tỷ USD, tăng 13,4%; thặng dư thương mại đạt 7,4 tỷ USD; thu ngân sách đạt 51.014 tỷ đồng, tăng 16% so cùng kỳ…
Toàn cảnh hội nghị. |
Tập trung chỉ đạo công tác xúc tiến đầu tư, tỉnh Bình Dương đã thu hút thêm 58.988 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh trong nước và 1,56 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Tính đến nay, toàn tỉnh có 71.776 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 786 nghìn tỷ đồng và 4.354 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 42 tỷ USD.
Tỉnh đã hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phối hợp các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam nghiên cứu, triển khai các dự án giao thông kết nối, liên kết vùng; hợp tác giữa tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai...
Doanh nghiệp nêu ý kiến với lãnh đạo tỉnh Bình Dương. |
Công tác an sinh, phúc lợi xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng; các thiết chế văn hóa, thể thao được quan tâm; công tác giáo dục và đào tạo đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục giữ vững ổn định. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tập trung thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực...
Tại hội nghị, đại diện các sở, ban, ngành tỉnh Bình Dương đã trả lời thỏa đáng những kiến nghị của doanh nghiệp, về: Chính sách về lĩnh vực ngân hàng cho các doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường xúc tiến thương mại đến các thị trường truyền thống như: châu Âu, Hoa Kỳ và mở rộng các thị trường mới như Ấn Độ và Trung Đông; hỗ trợ về khuyến công như hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; các thủ tục quy định phòng cháy, chữa cháy, môi trường; thủ tục hoàn thuế của doanh nghiệp như thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu của loại hình xuất nhập khẩu tại chỗ, nhằm giảm ứ đọng vốn cho doanh nghiệp; chi phí chuyển đổi số và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số… Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, các sở, ngành tỉnh Bình Dương ghi nhận để kiến nghị lên cấp trên để giải quyết.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đánh giá cao đóng góp của doanh nghiệp vào thành tựu kinh tế-xã hội của tỉnh; đồng thời đề nghị các sở, ban, ngành thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các phương án bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy để doanh nghiệp hiểu đúng quy định của pháp luật; giải quyết hiệu quả các vấn đề tồn tại, gắn quản lý nhà nước với thực tiễn đặt ra trong vấn đề phòng cháy, bảo vệ môi trường trên tinh thần không đánh đổi môi trường, an toàn để lấy kinh tế. Từ thực tiễn của địa phương, doanh nghiệp, cần phân cấp phân quyền, nắm chắc và am hiểu quy định và phân nhóm, phân ngành, phân tích sâu để giải quyết và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp một cách thấu đáo, bảo đảm đúng quy định pháp luật và tránh cản trở sự phát triển của doanh nghiệp…