Bị hủy thông báo mời thầu, tiến độ các trạm dừng nghỉ ảnh hưởng ra sao?

NDO - Vừa qua, Cục trưởng Đường cao tốc Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) đã quyết định hủy thông báo mời thầu các dự án đầu tư công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc bắc-nam phía đông đang được phát hành trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, theo đề nghị của các Ban Quản lý dự án liên quan.
0:00 / 0:00
0:00
Triển khai san lấp mặt bằng thi công công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc bắc-nam.
Triển khai san lấp mặt bằng thi công công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc bắc-nam.

Lý do hủy được đưa ra là tại Điều 73, Nghị định số 115/2024/NĐ-CP ngày 16/9/2024 của Chính phủ về một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, đã nêu: Đối với dự án đã phát hành hồ sơ mời thầu nhưng đến ngày 1/8/2024, chưa có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu thì hủy thông báo mời thầu và dừng việc lựa chọn nhà đầu tư.

Bị hủy thông báo mời thầu, tiến độ các trạm dừng nghỉ ảnh hưởng ra sao? ảnh 1

Ông Nguyễn Quang Giang, Phó Cục trưởng Đường cao tốc Việt Nam.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện, trao đổi ý kiến với ông Nguyễn Quang Giang, Phó Cục trưởng Đường cao tốc Việt Nam chung quanh vấn đề này.

PV: Thưa ông Nguyễn Quang Giang, ông có thể lý giải rõ hơn vì sao 13 trạm dừng nghỉ phải hủy thông báo mời thầu?

Ông Nguyễn Quang Giang: Ngày 16/9/2024 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 115/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Theo quy định, tại điểm e, khoản 4, Điều 73 của Nghị định số 115/2024/NĐ-CP nêu rõ, đối với các trạm dừng nghỉ đang phát hành hồ sơ mời thầu mà đến ngày 1/8/2024 chưa có nhà đầu tư nộp hồ sơ mời thầu, thì phải thực hiện “hủy thông báo mời thầu và dừng việc lựa chọn nhà đầu tư”.

Theo báo cáo của các Ban Quản lý dự án, đến ngày 1/8/2024, vẫn chưa có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, như vậy đối với các hồ sơ mời thầu đang phát hành, phải thực hiện “hủy thông báo mời thầu và dừng việc lựa chọn nhà đầu tư”. Việc hủy thông báo mời thầu đối với 13 trạm dừng nghỉ trên tuyến đường cao tốc bắc-nam phía đông này là tuân thủ theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Đây cũng là lý do khách quan, Cục Đường cao tốc Việt Nam và các Ban Quản lý dự án rất mong nhận được sự thông cảm của các Nhà đầu tư.

PV: Thưa ông, các trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn I tiến độ triển khai hiện tại ra sao?

Ông Nguyễn Quang Giang: Trên tuyến cao tốc bắc-nam phía đông có tổng số 21 trạm dừng nghỉ chưa được đầu tư thuộc các dự án thành phần giai đoạn I (2017-2020) và giai đoạn II (2021-2025), trong đó giai đoạn I có 10 trạm và giai đoạn II có 11 trạm.

Sau thời gian triển khai tích cực, phấn đấu rút ngắn tiến độ, Bộ Giao thông vận tải đã lựa chọn được nhà đầu tư 8 trạm dừng nghỉ (giai đoạn I). Hiện nay, các Ban Quản lý dự án và nhà đầu tư đang tích cực phối hợp địa phương để triển khai đền bù giải phóng mặt bằng. Bộ Giao thông vận tải cũng đã đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh có công trình trạm dừng nghỉ trên địa bàn chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp cơ quan chức năng của Bộ Giao thông vận tải và Nhà đầu tư để triển khai thực hiện đầu tư xây dựng 8 công trình với mục tiêu phấn đấu hoàn thành sớm nhất, phục vụ khai thác đồng bộ với tuyến đường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Giao thông vận tải. Tuy nhiên, đến nay, tiến độ giải phóng mặt bằng còn chậm, chỉ bàn giao được từng phần nên chưa đáp ứng được tiến độ yêu cầu.

Từ khi có mặt bằng từng phần, các Nhà đầu tư cũng đã tiếp cận hiện trường và nhận bàn giao để thực hiện công việc chuẩn bị phục vụ triển khai ngay khi đủ điều kiện cần thiết (tổ chức xây dựng lán trại, huy động, tập kết máy móc, thiết bị, nhân lực, vật liệu thi công,…), đồng thời cũng rất linh hoạt trong triển khai thực hiện với phương châm có mặt bằng đến đâu, thi công ngay đến đó nhằm hoàn thành sớm nhất công tác đầu tư xây dựng trạm. Tuy nhiên, tiến độ triển khai chung vẫn còn phụ thuộc nhiều vào việc hoàn thiện các thủ tục như hoàn thiện hồ sơ thiết kế, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy,… do đó ngoài việc phối hợp địa phương để thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, ngay sau khi ký hợp đồng, các Ban Quản lý dự án và Nhà đầu tư cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan để thực hiện đồng thời những thủ tục đầu tư theo quy định.

Bị hủy thông báo mời thầu, tiến độ các trạm dừng nghỉ ảnh hưởng ra sao? ảnh 3

Phối cảnh một trạm dừng nghỉ.

PV: Vậy còn đối với 13 trạm còn lại thì sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Giang: Đối với 13 trạm dừng nghỉ còn lại (2 trạm của giai đoạn I và 11 trạm giai đoạn II), trong thời gian qua, Cục Đường cao tốc Việt Nam và các Ban Quản lý dự án cũng đã tích cực, chủ động đẩy nhanh tiến độ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, đồng thời tranh thủ thời gian, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện của 8 trạm giai đoạn I để phối hợp địa phương đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, rút ngắn tối đa thủ tục, phù hợp với các quy định của pháp luật, đẩy nhanh tiến độ thực hiện trạm dừng nghỉ theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải để bảo đảm sớm đồng bộ khi các dự án đưa vào khai thác sử dụng, theo đó hồ sơ mời thầu đã được phát hành trong tháng 7/2024 để các nhà đầu tư quan tâm tham dự, dự kiến sẽ mở thầu trong tháng 9/2024.

Bị hủy thông báo mời thầu, tiến độ các trạm dừng nghỉ ảnh hưởng ra sao? ảnh 4

Các cơ quan chức năng của địa phương được đề nghị phối hợp vào cuộc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, trong quá trình tổ chức, cơ quan chức năng phải thực hiện gia hạn hồ sơ mời thầu để cập nhật vốn đầu tư dự án theo suất vốn đầu tư mới được Bộ Xây dựng ban hành và sau đó lại phải hủy thông báo mời thầu (như tôi vừa nêu) theo quy định của pháp luật về đấu thầu mới ban hành và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Ngay khi phát sinh các tình huống khách quan, Cục Đường cao tốc Việt Nam và các Ban Quản lý dự án cũng đã nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định liên quan và chủ động, linh hoạt các bước thực hiện để rút ngắn nhất có thể các thủ tục, như đề nghị các Ban Quản lý dự án cập nhật vốn đầu tư, gia hạn thời gian đóng/mở thầu, nghiên cứu các quy định của Nghị định số 115/2024/NĐ-CP cũng như dự thảo hồ sơ mời thầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tranh thủ thời gian thực hiện các thủ tục pháp lý để khi các quy định pháp luật có hiệu lực thi hành, sẽ tổ chức mời thầu lại một cách sớm nhất.

PV: Tiếp theo đây, quá trình triển khai đấu thầu 13 trạm dừng nghỉ sẽ được Cục Đường cao tốc Việt Nam thực hiện như thế nào?

Ông Nguyễn Quang Giang: Sau khi hủy thông báo mời thầu, Cục Đường cao tốc Việt Nam đã đề nghị các Ban Quản lý dự án nghiên cứu quy định tại Nghị định số 115/2024/NĐ-CP và dự thảo Thông tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để sớm phê duyệt hồ sơ mời thầu, rút ngắn công tác tổ chức lựa chọn nhà đầu tư. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kịp thời ban hành Thông tư số 15/2024/TT-BKHĐT ngày 30/9/2024 hướng dẫn mẫu hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư. Do đó, việc lựa chọn nhà đầu tư của 13 trạm dừng nghỉ đã thực hiện hủy thông báo mời thầu sẽ được phát hành lại, trên cơ sở cập nhật các quy định hiện hành, dự kiến khoảng giữa tháng 10 này, chúng tôi sẽ đăng tải lại thông báo mời thầu trên Hệ thống mạng đầu thầu quốc gia để các nhà đầu tư quan tâm tham dự.

PV: Theo tính toán của ông, dự kiến khi nào Cục Đường cao tốc Việt Nam sẽ hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư? Khi nào các trạm dừng nghỉ sẽ được đưa vào khai thác sử dụng?

Ông Nguyễn Quang Giang: Hiện nay, công tác lập và phê duyệt hồ sơ mời thầu đang được các Ban Quản lý dự án khẩn trương nghiên cứu thực hiện. Sau khi phê duyệt hồ sơ mời thầu và đăng tải thông báo mời thầu thì các nhà đầu tư có thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu tối thiểu 45 ngày theo quy định. Công tác đánh giá hồ sơ dự thầu và phê duyệt kết quả sẽ được bên mời thầu và Cục Đường cao tốc Việt Nam nỗ lực để rút ngắn nhất có thể. Dự tính sớm nhất, sang đầu năm 2025 các cơ quan sẽ hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp không phát sinh vướng mắc hay phải xử lý tình huống trong đấu thầu.

Bị hủy thông báo mời thầu, tiến độ các trạm dừng nghỉ ảnh hưởng ra sao? ảnh 6

Các bên liên quan phấn đấu hoàn thành cơ bản các công trình thiết yếu tại trạm dừng nghỉ khi dự án đường cao tốc đi vào khai thác.

Tôi dự tính thời gian thực hiện của 13 trạm dừng nghỉ theo phê duyệt tối đa là 15 tháng, tuy nhiên ngay sau khi lựa chọn được nhà đầu tư, Cục Đường cao tốc Việt Nam và các Ban Quản lý dự án sẽ đàm phán với các nhà đầu tư trúng thầu để rút ngắn tiến độ thi công tương tự như 8 trạm đang triển khai và phấn đấu hoàn thành cơ bản các công trình dịch vụ công thiết yếu (khu vệ sinh, bãi đỗ xe) khi các dự án thành phần trên tuyến cao tốc bắc-nam đưa vào khai thác, sử dụng theo chỉ đạo Bộ trưởng Giao thông vận tải. Đồng thời với quá trình tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, Cục Đường cao tốc Việt Nam cũng đã đề nghị các Ban Quản lý dự án nỗ lực phối hợp địa phương, rút ra bài học kinh nghiệm của giai đoạn I để đẩy nhanh đền bù giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư trúng thầu, rút ngắn tiến độ thực hiện.

PV: Ông có thấy khó khăn, vướng mắc gì cần phải tháo gỡ để bảo đảm tiến độ thực hiện các trạm dừng nghỉ không?

Ông Nguyễn Quang Giang: Để đạt được các mốc tiến độ như tôi vừa nêu trên, công tác phối hợp của địa phương trong việc triển khai thực hiện dự án là hết sức quan trọng, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng để sớm có mặt bằng thi công dự án. Do vậy, Cục Đường cao tốc Việt Nam rất mong muốn các cơ quan, đơn vị chức năng của địa phương nơi có các trạm dừng nghỉ trên địa bàn sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư thực hiện.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!