Sáng 16/5, Bộ Công thương công bố ‘‘Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2023”. Đây là năm thứ 8 liên tiếp Bộ Công Thương biên soạn và xuất bản Báo cáo này.
Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2023 có một số nội dung mới như: Xuất xứ hàng hóa; Tình hình thực thi các hiệp định EVFTA, CPTPP, UKVFTA, RCEP; Công tác triển khai đàm phán, ký kết, nâng cấp các hiệp định FTA; một số điểm mới trong triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hoạt động xuất nhập khẩu…
Theo báo cáo, trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm, tổng cầu thế giới sụt giảm nhưng hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2023 tiếp tục vượt qua khó khăn và xuất khẩu đã dần phục hồi trong nửa cuối năm; trong đó, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước và nhóm hàng nông sản, thủy sản có sự phục hồi khá.
Xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản năm 2023 tăng so với năm trước, một số nhóm hàng ghi nhận kim ngạch tăng cao như: xuất khẩu rau quả đạt 5,6 tỷ USD, tăng 66,7%; xuất khẩu gạo đạt 4,7 tỷ USD, tăng 35,3%; xuất khẩu hạt điều đạt 3,6 tỷ USD, tăng 18,1%.
Đáng chú ý là cơ cấu thị trường xuất khẩu gạo tiếp tục có sự dịch chuyển tích cực theo hướng đa dạng hóa và sang các thị trường mới, tiềm năng như Australia, các thị trường khu vực châu Âu. Xuất khẩu các chủng loại gạo có giá trị cao, phù hợp với nhu cầu thị trường và ưu thế của Việt Nam ngày càng tăng mạnh như: gạo thơm (ĐT8, OM 18, 5451), ST, nếp, gạo trắng cao cấp 5%, japonica.
Trong khi đó, báo cáo đánh giá cơ cấu mặt hàng nhập khẩu được duy trì ổn định, nhập khẩu chủ yếu phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu. Trị giá nhập khẩu nhóm hàng cần nhập khẩu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước đạt 288,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng khoảng 88,4% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Cũng theo báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2023; 10 tỉnh có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước năm 2023 lần lượt là: TP Hồ Chí Minh kim ngạch 42.460.418.319 USD; Bắc Ninh kim ngạch 39.302.697.091 USD; Bình Dương kim ngạch 30.605.339.811 USD; Hải Phòng kim ngạch 26.797.379.584 USD; Thái Nguyên kim ngạch 25.687.769.353 USD; Bắc Giang kim ngạch 24.499.431.359 USD; Đồng Nai kim ngạch 21.624.486.427 USD; Hà Nội kim ngạch 16.655.817.179 USD; Phú Thọ kim ngạch 10.576.345.632USD; Vĩnh Phúc kim ngạch 9.970.966.301 USD;
10 tỉnh có kim ngạch xuất khẩu thấp nhất lần lượt là: Lai Châu kim ngạch 12.923.730 USD, Điện Biên kim ngạch 22.465.353 USD, Sơn La kim ngạch 25.581.267 USD, Bắc Cạn kim ngạch 37.690.290 USD, Ninh Thuận kim ngạch 62.550.821 USD, Cao Bằng kim ngạch 85.865.808 USD, Đắc Nông kim ngạch 100.263.092 USD, Hà Giang kim ngạch 145.909.898 USD, Quảng Bình kim ngạch 179.648.333 USD, Tuyên Quang kim ngạch 183.796.093 USD.
Qua 8 năm xuất bản, Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2023 cung cấp thông tin minh bạch, có hệ thống. |
Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam là tài liệu chính thức của Bộ Công thương về tình hình xuất nhập khẩu của từng nhóm mặt hàng, thị trường, tình hình tận dụng các cơ hội từ FTA và công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu.
Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam các năm 2016, 2017, 2018, 2019, 2020, 2021, 2022 đã cung cấp thông tin minh bạch, có hệ thống, được các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức nghiên cứu và đào tạo quan tâm, tín nhiệm và đánh giá cao.
Qua 8 năm xuất bản, Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2023 đã tập hợp tương đối đầy đủ không chỉ riêng các hoạt động xuất nhập khẩu mà cả các hoạt động quản lý của các cơ quan trực thuộc Bộ Công thương và các Bộ ngành khác.
Công tác biên soạn Báo cáo xuất nhập khẩu hằng năm được Bộ Công Thương coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thể hiện tinh thần hỗ trợ, kiến tạo và đồng hành cùng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng; góp phần hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu kinh tế-xã hội của Chính phủ.