Thách thức từ xuất nhập khẩu và công nghiệp

Năm 2024, nhiều nền kinh tế là đối tác lớn của Việt Nam tăng trưởng chậm, dẫn đến tổng cầu khó phục hồi mạnh, từ đó tác động đến kết quả xuất khẩu. Song song đó, tình hình mới buộc Việt Nam cần có định hướng mới trong thu hút FDI công nghiệp cao.
0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp cần tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực để mở rộng, đa dạng hóa thị trường. Ảnh: SONG ANH
Doanh nghiệp cần tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực để mở rộng, đa dạng hóa thị trường. Ảnh: SONG ANH

Xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp

Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 354,5 tỷ USD, nhập khẩu 328,5 tỷ USD. Có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD (11 tháng), trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu hơn 10 tỷ USD, chiếm 66% tổng kim ngạch. Nhiều nhóm hàng nông sản, gạo, trái cây tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường và giá tăng cao để đẩy mạnh xuất khẩu.

Con số này “hụt hơi” so với mức 732,5 tỷ USD của năm 2022. Nguyên nhân được Bộ Công thương nhận định là, năm qua, xuất nhập khẩu liên tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu thấp và cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, ASEAN... còn yếu.

Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng nhìn nhận, có được kết quả trên là nhờ Việt Nam đã tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống để đẩy mạnh xuất khẩu. Nhờ đó, tiếp tục có điểm sáng về cán cân thương mại khi ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng ước đạt 26 tỷ USD, tăng gần gấp ba lần năm 2022, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá.

Cụ thể, xuất khẩu sang thị trường Mỹ thu hẹp từ mức giảm 22,6% trong nửa đầu năm 2023 xuống mức giảm khoảng 11,2% trong cả năm 2023. Thị trường EU cũng thu hẹp từ mức giảm 10,1% trong nửa đầu năm 2023 xuống còn khoảng 4,8% trong cả năm 2023; Hàn Quốc thu hẹp từ mức 10,2% xuống còn khoảng 2,5%...

Đánh giá chung, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng cho biết, khu vực sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Thực tế, chi nhập khẩu các nhóm hàng chủ lực và là đầu vào quan trọng phục vụ sản xuất các ngành hàng xuất khẩu đều giảm mạnh, như: điện thoại các loại và linh kiện ước giảm 57,4% so với năm 2022; thép các loại giảm 17,8%; vải các loại giảm 12,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 8,1%; chất dẻo nguyên liệu giảm 20,1%; hóa chất ước giảm 17,4%...

Bên cạnh đó, mức độ phụ thuộc vào khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) trong xuất khẩu vẫn còn lớn khi kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) chiếm khoảng 73% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Thách thức từ xuất nhập khẩu và công nghiệp ảnh 1

Các doanh nghiệp tập trung khôi phục sản xuất, kinh doanh để đáp ứng nhu cầu thị trường. Ảnh: BẮC SƠN

Thách thức nào trong năm 2024?

Bên cạnh áp lực về xuất nhập khẩu, Bộ Công thương nhận định áp lực bên ngoài đối với sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024 còn lớn, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế năm 2024. Trong đó, nhiều nền kinh tế là đối tác lớn của Việt Nam tăng trưởng chậm, dẫn đến tổng cầu khó phục hồi mạnh, từ đó tác động đến kết quả xuất khẩu của nền kinh tế.

Một số ngành công nghiệp chủ lực như xe máy, tivi, thép... đều giảm và cũng giảm khá sâu. Có lĩnh vực giảm đến 43% như công nghiệp điện tử. Nguyên nhân có cả khách quan, chủ quan. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, trong cơn bão, nền kinh tế đang lộ ra những vấn đề để chúng ta xem xét lại chiến lược trong thúc đẩy sản xuất công nghiệp, thị trường tiêu dùng.

Công nghiệp hiện nay chủ yếu đang phụ thuộc vào khối FDI. Trong thời gian tới, nếu chúng ta lựa chọn ngành công nghiệp bán dẫn, Phó Thủ tướng đặt vấn đề: “Chúng ta có phân biệt được, tiếp cận được và hiểu được ngành công nghiệp này để nắm bắt được từng khâu, chuỗi giá trị ở trong đó và chúng ta chọn cái gì ở trong đó!?”.

“Hay nói đến công nghiệp bán dẫn rồi cuối cùng cũng chỉ là gia công như sản xuất giày dép và may mặc… Tôi nhắc điều này để Nhà nước cũng như bộ, ngành, doanh nghiệp đừng có mừng khi FDI đầu tư vào Việt Nam với công nghệ cao nhưng mà chúng ta vẫn chỉ là gia công”, Phó Thủ tướng nêu những vấn đề lớn đang đặt ra cho không chỉ với ngành công thương mà còn liên quan đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác.

Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh: Trong bối cảnh năm 2024 còn rất nhiều khó khăn, sự cạnh tranh sẽ ngày càng trở nên tinh vi, khốc liệt hơn, thay vì vấn đề về thuế quan thì sẽ đi vào các mục tiêu toàn cầu… nếu chúng ta không làm chủ được và không có sự chủ động thì chúng ta không thể theo được những xu thế lớn của thời đại và chúng ta sẽ đứng ngoài cuộc chơi. Nếu muốn đi cùng các nước trên thế giới, chúng ta phải có những tư tưởng mang tính chất đột phá, phải nắm những cơ hội, lựa chọn những thuận lợi trong thách thức.

Vì thế, Phó Thủ tướng lưu ý đến biện pháp thuế quan bằng kỹ thuật. Hiện nay, Liên minh châu Âu đang xây dựng hàng loạt chính sách sẽ tác động Việt Nam, thị trường Mỹ cũng có những chính sách, các thị trường Trung Đông thì mới nghiên cứu. Do đó, chúng ta phải hội nhập, phải thể chế hóa, phải bảo đảm tính thống nhất và tiêu chuẩn hóa các sản phẩm của chúng ta với các thị trường này.

Năm 2024, Bộ Công thương đưa ra mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu năm tới tăng khoảng 6%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 7-8%; cán cân thương mại duy trì xuất siêu, dự kiến 15 tỷ USD;...

Đưa ra kế hoạch hành động trong thời gian tới, Bộ Công thương cho biết, sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh để đưa các dự án công nghiệp lớn đi vào vận hành, nhằm gia tăng năng lực sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường, xuất nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện phục vụ cho sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu; khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Việt Nam đã giữ vững vị trí tốp 5 thế giới về tốc độ tăng trưởng, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Việc phát triển các nền tảng số trong thương mại đã thúc đẩy tiếp cận thị trường, rút ngắn khoảng cách và thời gian cho doanh nghiệp.