Nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa

Trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, thách thức, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tại các thị trường xuất khẩu giảm mạnh, nhưng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vùng Đông Nam Bộ vẫn tăng trưởng. Hàng hóa xuất khẩu của vùng Đông Nam Bộ đã có mặt gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
0:00 / 0:00
0:00
Xuất, nhập khẩu hàng hóa tại cảng Tổng hợp Bình Dương.
Xuất, nhập khẩu hàng hóa tại cảng Tổng hợp Bình Dương.

Sở hữu tiềm năng, lợi thế vượt trội

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng cho rằng, sở hữu tiềm năng, lợi thế vượt trội về tự nhiên, vị trí địa lý kinh tế-chính trị chiến lược kết nối các vùng kinh tế khu vực phía nam và cả nước với các nước khu vực ASEAN và thế giới, Đông Nam Bộ đảm nhiệm vai trò đầu tàu kinh tế và trung tâm phát triển thương mại, công nghiệp, du lịch, dịch vụ lớn nhất của cả nước. Đông Nam Bộ trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài, là khu vực tiềm năng cho quá trình dịch chuyển và tái cấu trúc chuỗi cung ứng, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Trong 11 tháng năm 2023, trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, thách thức, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của địa phương thuộc khu vực Đông Nam Bộ đạt hơn 200,5 tỷ USD, chiếm gần 32,4% thương mại của Việt Nam. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh duy trì tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu cao nhất cả nước, đạt gần 89 tỷ USD, hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai đều ghi nhận kim ngạch xuất, nhập khẩu cao hơn 30 tỷ USD với lần lượt 47,7 tỷ USD và 34 tỷ USD.

Theo bà Phan Thị Thắng, mặc dù chưa có tăng trưởng so với cùng kỳ, nhưng với quy mô xuất khẩu lớn đã góp phần giữ vững vị thế của vùng Đông Nam Bộ trong việc dẫn dắt hoạt động xuất khẩu. Hàng hóa xuất khẩu của vùng như dệt may, sản phẩm gỗ, giày dép các loại, nông sản, máy móc thiết bị và phụ tùng... đã có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó tập trung chủ yếu ở các thị trường truyền thống, đặc biệt với các thị trường mà Việt Nam đã có các Hiệp định thương mại tự do như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN...

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, xu hướng phát triển sản xuất, xuất khẩu xanh đã và đang hình thành nên “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư. Nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới, thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam nói chung và Đông Nam Bộ nói riêng đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu. Để mở rộng phát triển thị trường xuất khẩu, vùng Đông Nam Bộ cần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của vùng trên thị trường trong nước, nhất là các sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện với môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường lớn như Mỹ, EU...

Phát triển sản xuất xanh, bền vững

Theo bà Nga Đặng, đồng sáng lập Vietnam Food Europe BV (Hà Lan), phát triển xanh không chỉ đơn thuần là một xu hướng mà đang trở thành một yếu tố cấp thiết và bắt buộc trên toàn thế giới hiện nay. Thực tế phát triển xanh mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế lẫn những giá trị vô hình, giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

“Sản xuất xanh là yêu cầu của nhiều thị trường lớn trên thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam vì thế cần chú trọng chuyển dịch sản xuất, dịch vụ theo hướng “xanh”, tận dụng những lợi thế để quảng bá, nâng cao giá trị thương hiệu. Đặc biệt, các doanh nghiệp xanh sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa, mở rộng thị phần, phát triển ổn định tại các thị trường khó tính như châu Âu. Với những yêu cầu như vậy, doanh nghiệp cần tiến tới tạm dừng sản xuất sản phẩm có phát thải lớn, ô nhiễm môi trường và thay thế bằng các dòng sản phẩm thân thiện, tiết kiệm năng lượng”, bà Nga Đặng khuyến cáo.

Ông Danny Võ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài cũng khuyến cáo các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu cần thận trọng trong giao kết hợp đồng và trong khâu thanh toán, đặc biệt với các thị trường có rủi ro cao. Khi giao kết hợp đồng xuất khẩu, doanh nghiệp nên đàm phán, thực thi các phương thức thanh toán an toàn như thư tín dụng L/C không hủy ngang thay cho các phương thức chuyển tiền T/T trả sau, phương thức thanh toán nhờ thu, đồng thời tăng cường nghiên cứu thị trường, làm quen với văn hóa kinh doanh của từng nước, đối tác cũng như tìm hiểu về các hệ thống cơ quan giải quyết tranh chấp và thủ tục giải quyết tranh chấp của nước mà mình có quan hệ kinh tế.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, cho biết, Bộ Công thương đang triển khai các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu như hỗ trợ doanh nghiệp khai thác lợi ích của các FTA như nội luật hóa các cam kết; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết nhằm hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn khu vực vùng Đông Nam Bộ hiểu hơn về các cơ hội có thể tận dụng để đẩy mạnh xuất khẩu; nghiên cứu, đánh giá tác động của các FTA, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu.