Xử lý nghiêm vi phạm trong sản xuất, giao dịch thương mại

Trong tháng 8/2024, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động sản xuất, buôn bán, giao dịch thương mại, thu nộp số tiền lớn vi phạm vào ngân sách nhà nước.
Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 8 tiến hành kiểm tra kho vải trên địa bàn quận Tân Bình. (Ảnh CỤC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH)
Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 8 tiến hành kiểm tra kho vải trên địa bàn quận Tân Bình. (Ảnh CỤC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH)

Xử phạt vi phạm hơn 10,2 tỷ đồng

Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích rộng, dân cư tập trung đông; các dịch vụ internet, bưu điện, chuyển phát nhanh, giao nhận hàng hóa, dịch vụ hàng không, logistics phát triển mạnh; có nhiều kho hàng, bến bãi, điểm trung chuyển hàng hóa…, đây là "môi trường" thuận lợi để các hoạt động sản xuất, kinh doanh, chứa trữ hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ tiếp tục diễn biến phức tạp.

Theo Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, trong tháng 8/2024, lực lượng chức năng đã kiểm tra tổng cộng 511 vụ (tăng 96 vụ so với tháng 7/2024), phát hiện 452 vụ vi phạm, đã xử lý là 428 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 10,2 tỷ đồng, trị giá hàng hóa đã tiêu hủy hơn 2,6 tỷ đồng.

Điển hình, trong hai ngày 26 và 27/8 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 5 thuộc Cục Quản lý thị trường thành phố đã thành lập 4 đoàn kiểm tra, kiểm tra đột xuất bốn doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn Quận 5. Đoàn kiểm tra phát hiện và thu giữ hơn 11 đơn vị sản phẩm là dây chuyền không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ với tổng trị giá hàng vi phạm hơn 130 triệu đồng.

Lực lượng chức năng đang xử lý theo quy định pháp luật. Theo kế hoạch, lực lượng quản lý thị trường sẽ tiếp tục triển khai lực lượng đồng loạt kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn Quận 5 để góp phần bình ổn thị trường vàng trong bối cảnh giá vàng đang tăng cao.

Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 8 tiến hành kiểm tra kho hàng trên đường Nguyễn Phúc Chu (Phường 15, quận Tân Bình) phát hiện gần 4,6 tấn vải canvas (vải bố) có giá 12.000 đồng/kg không có hóa đơn, nhãn mác và tài liệu chứng minh nguồn gốc sản phẩm, tổng trị giá hàng hóa gần 55 triệu đồng. Toàn bộ số hàng hóa này có nguồn gốc trôi nổi từ nhiều nguồn khác nhau cho nên không có giấy tờ hợp pháp. Cục Quản lý thị trường thành phố đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm lô hàng trên theo quy định.

Đáng chú ý, trong tám tháng năm 2024, lực lượng quản lý thị trường thành phố đã triển khai công tác thanh tra chuyên ngành một số cơ sở doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm về việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm.

Theo đó, lực lượng quản lý thị trường đã thanh tra ba doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố, gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn Chế biến thực phẩm và bánh kẹo Phạm Nguyên, Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất-Thương mại Bạch Đằng, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Viễn Hồng.

Qua công tác thanh tra đã phát hiện các doanh nghiệp có một số vi phạm như người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không mang đầy đủ bảo hộ lao động; phiếu kết quả kiểm nghiệm hồ sơ tự công bố sản phẩm bánh không đầy đủ chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo quy định; không lưu giữ mẫu thành phẩm…

Các doanh nghiệp đã chấp hành nghiêm nộp phạt vi phạm hành chính số tiền 224 triệu đồng. Đồng thời, Cục Quản lý thị trường thành phố cũng hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh và lưu thông trên thị trường.

Tăng cường kiểm tra các mặt hàng phục vụ Tết Trung thu

Theo nhận định của Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, trong tháng 9, giá cả hàng hóa thị trường sẽ có nhiều biến động do ảnh hưởng của việc tăng lương cơ bản, lợi dụng tình hình bão, lụt để tăng giá. Do đó, lực lượng quản lý thị trường cần tăng cường kiểm soát tình hình giá cả hàng hóa, xử lý nghiêm các trường hợp không niêm yết giá, tăng giá bất hợp lý, găm hàng.

Bên cạnh đó, tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, gian lận thương mại vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm, đặc biệt ở một số nhóm mặt hàng như: dược phẩm, thực phẩm, thuốc lá điện tử, mỹ phẩm, xăng dầu, đường cát, vàng trang sức mỹ nghệ… và một số nhóm hàng hóa thiết yếu khác.

Trong dịp trước, trong và sau Tết Trung thu năm 2024, lực lượng quản lý thị trường phải tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý đối với mặt hàng bánh trung thu, đồ chơi trẻ em, đường nhập lậu từ Thái Lan qua Lào vào Việt Nam và mặt hàng thực phẩm để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thời gian tới, Cục Quản lý thị trường thành phố tiếp tục yêu cầu các đội quản lý thị trường tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Duy trì giám sát chặt chẽ tất cả các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, kịp thời kiểm tra, xử lý theo quy định nếu có dấu hiệu vi phạm. Lực lượng quản lý thị trường cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và các lĩnh vực, mặt hàng nhạy cảm, thiết yếu.

Trong đó, lực lượng chức năng tập trung tại các địa bàn phức tạp, nổi cộm, trọng điểm; đồng thời, đẩy mạnh phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thương mại điện tử.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ và chỉ tiêu năm 2024, Cục Quản lý thị trường thành phố lưu ý tăng cường hơn nữa công tác giám sát, kiểm tra nội bộ và tập trung thực hiện các nội dung chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, nhất là hành vi bảo kê, tham nhũng, tiêu cực.