Xây dựng nền nông nghiệp bền vững

Phát triển nền nông nghiệp thông minh, tuần hoàn, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là mục tiêu Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Vườn ươm hậu cấy mô Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.
Vườn ươm hậu cấy mô Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Huyện Cần Giờ có khoảng 43.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, 10.000 ha nuôi trồng thủy sản, diện tích sản xuất muối hơn 1.500 ha. Sản lượng nuôi trồng thủy sản bình quân của huyện Cần Giờ đạt khoảng 35.000 tấn/năm, đánh bắt hải sản tự nhiên 20.000 tấn/năm, sản xuất muối đạt 80.000 tấn/năm, đã góp phần quan trọng nâng cao thu nhập, ổn định đời sống người dân địa phương.

Hiện tại, huyện Cần Giờ có 200 ha xoài ở thị trấn Cần Thạnh và xã Long Hòa. Đây là giống xoài Hòa Lộc được nông dân huyện Cần Giờ trồng theo mô hình hữu cơ, bón bằng đạm cá cho nên chất lượng cao, mùi vị rất thơm ngon.

Trong 10 năm trở lại đây, Cần Giờ còn phát triển sản phẩm yến mang lại giá trị cao, với khoảng 520 nhà yến, chiếm 70% số lượng toàn Thành phố Hồ Chí Minh, với sản lượng cho thu hoạch 15 tấn/năm, tổng giá trị khoảng 250 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có hơn 40 cơ sở chuyên sản xuất yến, trong đó có năm cơ sở chuyên sản xuất các sản phẩm chuyên sâu về yến cung cấp trong nước và xuất khẩu.

Để phát triển nông nghiệp bền vững, huyện Cần Giờ xác định tầm nhìn đến năm 2030 phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp hữu cơ, hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hiện đại theo chuỗi giá trị. Đồng thời, huyện ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, cơ giới hóa theo hướng hiện đại để nâng cao giá trị gia tăng, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm.

Cụ thể hóa mục tiêu này, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, số lượng lớn hàng hóa, tạo ra sức cạnh tranh trên thị trường.

Để xây dựng giá trị thương hiệu nông sản, huyện Cần Giờ tập trung thực hiện chỉ dẫn địa lý, chỉ dẫn thương mại cho những sản phẩm có thế mạnh, kết hợp phát triển thương hiệu, thị trường. Ngoài ra, huyện tăng cường xây dựng và phát triển một số thương hiệu cho các sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị. Nhờ đó, GRDP nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 ước đạt 8.190 tỷ đồng; giá trị sản xuất bình quân trên một héc-ta đất sản xuất nông nghiệp ước đạt 579 triệu đồng.

Đáng chú ý, giá trị sản xuất các nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực chiếm tỷ trọng khoảng 73% so với tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tính đến nay, tổng số cơ sở đã được chứng nhận VietGAP trên địa bàn thành phố là 480 cơ sở, với diện tích gieo trồng khoảng 5.570 ha, sản lượng ước tính 128.110 tấn một năm. Tổng đàn heo được chứng nhận VietGAHP hơn 58.000 con.

Đối với nuôi trồng thủy sản, thành phố có tổng diện tích hơn 6.800 ha (41 ha đã được chứng nhận VietGAP), sản lượng thu hoạch đạt hơn 42.000 tấn một năm. Trong số này, nuôi thủy sản nước ngọt là 950 ha với sản lượng 7.200 tấn, nuôi thủy sản nước mặn, nước lợ là 5.900 ha với sản lượng khoảng 35.000 tấn.

Hiện tại, nhiều cơ sở nuôi thủy sản đã mạnh dạn ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất như ứng dụng mô hình nuôi tôm trong nhà kín, mô hình nuôi tôm tuần hoàn và bán tuần hoàn, mô hình nuôi thủy sản kết hợp trồng rau thủy canh cho kết quả cao và đang được nhân rộng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh, ngành nông nghiệp thành phố phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp theo hướng "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh". Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững theo hướng nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, là trung tâm sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực của khu vực.

Tiến sĩ Lê Khắc Hoàng (Trường đại học Nông-Lâm Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, sự phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được một số thành tựu nhất định, hình thành được chuỗi sản xuất hoàn thiện.

Tuy nhiên, để đáp ứng được quá trình ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, thành phố cần tập trung đào tạo nhân lực nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới trên thế giới trong sản xuất con giống, phục vụ nhu cầu ngày càng cao về năng suất và chất lượng nông sản, giảm đến mức thấp nhất việc sử dụng các nguồn tài nguyên.

Cùng với đó, thành phố thực hiện thay đổi phương thức quản lý chuỗi sản xuất nông nghiệp từ các công đoạn như số hóa các quy trình chăn nuôi, sản xuất; số hóa các hoạt động quản lý sản xuất và hiện đại hóa cách thức thực hiện canh tác.