Doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động

Thời gian gần đây, rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có nhu cầu tuyển hàng nghìn lao động để mở rộng dây chuyền sản xuất, bán hàng, giao hàng nhưng rất khó tuyển dụng vì xu hướng dịch chuyển lao động về tỉnh cũng như nhu cầu lựa chọn những ngành nghề lao động tự do khiến cung cầu lao động đang bị "lệch pha".
0:00 / 0:00
0:00
Ứng viên tham gia Sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
Ứng viên tham gia Sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Vất vả tìm công nhân may mặc, bán hàng

Bà Đặng Hồng Liên, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân) cho biết: Thời gian ảnh hưởng dịch Covid-19, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động với một số công nhân. Nay kinh tế phục hồi, công ty đã có đơn hàng trở lại. Công ty có nhu cầu tuyển dụng 2.000 công nhân nhưng chỉ tuyển được 1.000 người và hiện cần thêm 1.000 lao động. Theo bà Liên, chưa bao giờ việc tuyển dụng lao động da giày khó như lúc này. Doanh nghiệp đã nhờ công nhân công ty kết nối giới thiệu người quen hoặc qua các trung tâm chuyên về giới thiệu việc làm để gom lao động cho kịp nhu cầu.

Việc khó tuyển dụng lao động ngành may mặc cũng là thực tế đang diễn ra, khiến Công ty TNHH May mặc Song Ngọc, Tổng Công ty cổ phần May Nhà Bè và nhiều công ty khác vất vả xoay xở, nhất là sau khi xảy ra đại dịch Covid-19, lao động ngành may trở nên khan hiếm do thu nhập không bảo đảm mức sống cho nên người lao động rời bỏ thị trường.

Ông Trần Thanh Sơn, Trưởng phòng Hành chính-Nhân sự Công ty TNHH May mặc Song Ngọc cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển dụng. Hiện tại công ty đang rao tuyển khoảng 350 công nhân để mở thêm 3 đến 4 chuyền sản xuất nhưng chờ rất lâu mà chưa tuyển đủ mặc dù công ty bảo đảm thu nhập trung bình khoảng 12 triệu đồng/người/tháng.

Ông Sơn chia sẻ thêm: "Doanh nghiệp cũng không quan trọng độ tuổi, không đòi hỏi thâm niên. Ngoài ra doanh nghiệp còn có chính sách trong tuyển dụng như thưởng cho người giới thiệu nhân sự, mời công nhân cũ trở lại làm việc…, song vẫn không tuyển đủ. Không chỉ khó tuyển lao động mới mà số lao động nghỉ việc, nhảy việc thời gian qua cũng khá lớn. Nhiều doanh nghiệp giảm lao động với số lượng lớn, nhưng chúng tôi lại không thể tuyển được lao động do khác ngành nghề, do người lao động không muốn chuyển nơi ở vì sợ ảnh hưởng đến việc học hành của con…".

Là doanh nghiệp chuyên về ẩm thực, Bộ phận Nhân sự Công ty cổ phần PIZZA 4PS cho biết, yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp cao trong khi cung không đủ cầu. Bình quân mỗi năm công ty cần tuyển hơn 3.000 nhân sự làm việc toàn thời gian, như vậy mỗi tháng cần tuyển 300 nhân sự, để có được số lao động đó thì lượng hồ sơ nhận được rất lớn. Theo bà Lâm Thị Ngọc Ngân - Giám đốc Nhân sự Công ty cổ phần PIZZA 4PS: Thực tế tỷ lệ đậu hồ sơ tuyển dụng chỉ khoảng 10%.

Do đó, công ty quyết định chọn hình thức đào tạo ngay từ đầu, chú trọng đến trải nghiệm khách hàng cho nên hầu hết nhận lao động "tay ngang", từ 18 tuổi trở lên để đào tạo. Do vậy, ngoài tiền lương, điều doanh nghiệp hướng tới là tạo ra nhiều giá trị dài lâu hơn cho người lao động để họ thoải mái cống hiến và gắn bó với công việc hiện tại.

Chú trọng phúc lợi, đào tạo thực chất

Không chỉ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng, vấn đề lao động "nhảy việc" cũng khiến cho nhiều doanh nghiệp lo lắng, nhất là xu hướng người lao động thích làm những công việc tự do, không bó buộc như trước đây. Theo khảo sát của trang thông tin "Việc Làm Tốt", trong 6 tháng qua, có đến 85% số người lao động muốn "nhảy việc", trong đó nhóm tuổi từ 18-24 dẫn đầu với tỷ lệ hơn 96%; 89% trong độ tuổi từ 25-34 cân nhắc chuyển việc. Tỷ lệ "nhảy việc" ở nhóm tuổi 35-44 và 45-54 khá cao, hơn 80%.

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp đánh giá, hiện nay thị trường tuyển dụng diễn ra tình trạng "nơi thiếu, nơi thừa", cung-cầu chưa gặp nhau. Theo Bộ phận Nhân sự Tổng công ty cổ phần May Nhà Bè, sau dịch Covid-19, người lao động về tỉnh gia tăng, cho nên bản thân công ty gặp khó khăn rất lớn về công tác tuyển dụng công nhân ngành may. Do đó, việc tuyển dụng qua các trung tâm giới thiệu việc làm hầu như không hiệu quả mà doanh nghiệp phải sử dụng các kênh tuyển dụng mới như cho người về tỉnh "săn" lao động hay thông qua việc giới thiệu, kết nối giữa người lao động với nhau.

Bà Lê Thị Đoan Trinh, Phó Tổng Giám đốc khối nhân lực Scommerce đánh giá: Với đặc thù giao hàng theo hình thức thương mại điện tử, công ty hiện có 20.000 lao động, hầu hết đều tự tuyển dụng và tổ chức đào tạo vì thị trường lao động bên ngoài không thể đáp ứng được. Khách hàng chính của giao hàng nhanh Ahamove là TikTokshop, Shopee,… "Công ty chỉ sử dụng được từ 1-2% số lao động qua đào tạo.

Thực tế, nhiều ngành nghề ở các cơ sở giáo dục và đào tạo không đáp ứng kịp, như ngành thương mại điện tử, các ngành logistics, kho bãi… trong khi các ngành mới hiện nay phát triển rất nhanh buộc chúng tôi phải học cách quản trị nghề nghiệp và đưa ra những tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với nhân viên giao hàng", bà Trinh bày tỏ.

Ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn lại không thu hút được người lao động, trong khi tình trạng người lao động lại nghỉ việc, chờ tìm việc mới vẫn chưa được giải quyết. Vậy điểm nghẽn xuất phát từ đâu?

Theo ông Thắng, đại dịch Covid-19 đi qua đã lâu nhưng hệ quả vẫn còn, rõ nhất là với thị trường lao động. Dịch bệnh đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý tìm việc làm, nhất là khi họ so sánh về điều kiện làm việc, thu nhập. Nhiều người sẵn sàng chấp nhận mức lương, thu nhập thấp khi chuyển về làm gần nhà nhằm giảm bớt chi phí, bảo đảm cho con cái học tập, sinh sống.

Về phía doanh nghiệp, để phòng ngừa các rủi ro, nhà tuyển dụng cũng trở nên "rụt rè" hơn khi triển khai những chính sách bảo đảm quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ. Thậm chí có doanh nghiệp có biểu hiện lách luật trong tuyển dụng.

Theo ông Nguyễn Thái Thành, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố, so với đời sống đắt đỏ hiện nay tại thành phố, mức lương khởi điểm các doanh nghiệp đưa ra không hấp dẫn người lao động (bình quân từ 8-10 triệu đồng/người/tháng) bởi sẽ không đủ chi tiêu sinh hoạt, kể cả các chi phí về nuôi con, học tập, mua sắm…

Do đó, căn cơ nhất là doanh nghiệp chú trọng cải thiện mức lương và thu nhập, cùng với các phúc lợi đi kèm như chỗ ở, đi lại... thì mới thu hút và giữ chân được lao động làm việc ổn định và gắn bó.