Tín hiệu lạc quan của thị trường bất động sản

Các chính sách mới có hiệu lực, lãi suất cho vay giảm, nhu cầu nhà ở tăng… được kỳ vọng trở thành đòn bẩy giúp thị trường bất động sản sớm khởi sắc trong thời gian tới.
Khách hàng xem mô hình một dự án nhà ở tại thành phố.
Khách hàng xem mô hình một dự án nhà ở tại thành phố.

Sợ giá nhà sẽ tăng cao khi Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng bảng giá đất điều chỉnh, bà Nguyễn Thị Hương (Phường 22, quận Bình Thạnh) vội vã đi tìm mua nhà. Theo bà Hương, những căn nhà phố khoảng 3 tỷ đồng rất khan hiếm trên thị trường và phần lớn nằm ở các huyện ngoại thành.

Còn những căn hộ chung cư với giá tương tự, chủ yếu là những chung cư cũ, hoặc căn hộ xây mới nhưng chưa biết khi nào bàn giao nhà, do những khách hàng mua trước đó bán lại. "Những người có tài chính hạn chế như tôi rất khó mua được nhà trong thời điểm này", bà Hương chia sẻ.

May mắn hơn, sau 3 tháng tìm kiếm, anh Đặng Viết Thành (ngụ Quận 4) vừa mua được một căn hộ chung cư rộng 70m2 do người chủ cần tiền bán lại. Giá mua so với giá lúc chủ đầu tư bán ra đã giảm 30%, lại không phải đầu tư hoàn thiện nội thất. Tuy nhiên, anh Thành cho biết, anh may mắn mới mua được căn hộ nêu trên bởi trước đó, anh đi lùng sục khắp các dự án, xem nhiều căn nhà nhưng không tìm được căn nào vừa túi tiền.

Ông Nguyễn Tiến Thành, giám đốc một sàn môi giới bất động sản cho biết, trong thời gian qua, nhu cầu mua nhà đã tăng trở lại. Chỉ tính từ đầu tháng 7 cho đến nay, công ty ông đã giới thiệu thành công cho 10 khách hàng mua được nhà ở. Phần lớn khách hàng tìm những căn hộ hoặc nhà phố có giá từ 5 tỷ đồng trở lại.

Tuy nhiên, trên thị trường rất khan hiếm dòng sản phẩm này. Nhìn chung, kể cả ở những thời điểm thị trường bất động sản trầm lắng nhất (năm 2023) thì giá nhà ở vẫn không giảm. Nguồn cung ít, nhu cầu khách hàng cao là tín hiệu tốt cho thị trường trong thời gian tới.

Ông Trần Mạnh Chí, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đông Tây Property cho biết, thực tế các giao dịch cho thấy phần lớn người dân có nhu cầu ở thực, muốn mua nhà để an cư. Các căn hộ muốn bán được phải bảo đảm đầy đủ pháp lý, giá cả hợp lý, tính độ thanh toán có nhiều ưu đãi…

Nghiên cứu của Công ty cổ phần DKRA cho thấy, trong quý II/2024, toàn thị trường khu vực phía nam có hơn 14.500 sản phẩm mới, tăng 12% so với quý trước và tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023. Các sản phẩm tập trung phân bổ tại hai thị trường là Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương. Trong đó Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu nguồn cung mới khi chiếm 56%. Phần lớn sản phẩm đến từ các dự án căn hộ hạng A, hạng sang thuộc khu phía đông thành phố.

Thanh khoản thị trường cũng là một điểm sáng với lượng tiêu thụ tăng mạnh 88% so với quý trước, tăng 82% so với cùng kỳ năm 2023. Đơn vị nghiên cứu ghi nhận các giao dịch tập trung ở những dự án tầm trung, mức giá từ 40-55 triệu đồng/m2 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hay từ 30-35 triệu đồng/m2 tại Bình Dương. Giá bán sơ cấp không có nhiều biến động so với quý I/2024.

Còn theo báo cáo của Cục thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, doanh thu lĩnh vực kinh doanh bất động sản trong 8 tháng qua của thành phố ước đạt 173.004 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2023. Cục Thống kê đánh giá thị trường bất động sản đã bước qua thời kỳ trầm lắng khi các chính sách có liên quan phát huy được hiệu quả, lãi suất cho vay giảm, khả năng tiếp cận nguồn vốn của người dân và doanh nghiệp tăng lên, doanh thu lĩnh vực kinh doanh bất động sản tăng 6,1%.

Lạc quan hơn, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,40 tỷ USD; trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,27 tỷ USD, chủ yếu đầu tư vào thị trường nhà ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, 7 tháng đầu năm 2024, tín dụng chung trên địa bàn tăng 3,9%. Tuy nhiên tốc độ tăng của tín dụng bất động sản lên đến 5,5%. Trong đó tín dụng nhà ở (gồm nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, nhà ở khác) chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm khoảng 57% trong tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn.

Dư nợ cho vay nhà ở xã hội đạt 2.543 tỷ đồng, tăng 78% so với cuối năm 2023. Dư nợ cho vay nhà ở xã hội tăng cao do trong 7 tháng đầu năm, các ngân hàng đã tăng cường giải ngân cho vay các dự án nhà ở xã hội. Trong đó, giải ngân cho vay từ gói 120.000 tỷ đồng đạt 170 tỷ đồng cho dự án nhà ở cho công nhân thuê tại thành phố Thủ Đức.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ khoảng quý I/2023 có thể xem là "vùng đáy" của thị trường bất động sản, bởi phải trải qua hàng loạt các khó khăn từ thị trường kinh tế thế giới, thị trường trong nước. Tuy nhiên, từ các quý III, IV/2023 đến nay, thị trường bất động sản đã dần phục hồi.

Từ đầu năm đến nay, dù thị trường Thành phố Hồ Chí Minh không có dự án mới đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, một số dự án đã được thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc khởi động lại sau khi tháo gỡ vướng mắc, đã có cả dự án nhà ở thương mại và nhà ở xã hội khởi công xây dựng. Đây là những dấu hiệu cho thấy thị trường khởi sắc trở lại.

Từ ngày 1/8, các luật: Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản cùng có hiệu lực được kỳ vọng tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho khoảng 1.000 dự án trên cả nước, tạo điều kiện tiếp cận vốn, tín dụng thuận lợi hơn. Ngoài ra, lãi suất cho vay duy trì ở mức thấp, chủ đầu tư tiếp tục áp dụng các chính sách ưu đãi cho khách hàng, kéo giãn tiến độ thanh toán, hỗ trợ vay ngân hàng… được kỳ vọng sẽ là những yếu tố ảnh hưởng tốt lên sức cầu thị trường. Ông Châu dự báo, thị trường sẽ tăng trưởng trở lại bình thường vào năm 2025.