Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là năng động nhất cả nước. Năm 2024, địa phương này xếp hạng 111/1.000 thành phố về chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất toàn cầu, tăng ba bậc so với năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Ban Tổ chức Cuộc thi Ðổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh trao thưởng cho các dự án đoạt giải cao.
Ban Tổ chức Cuộc thi Ðổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh trao thưởng cho các dự án đoạt giải cao.

Theo báo cáo của Tổ chức Startup Genome (một trong những công ty đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu thế giới), năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục nằm trong nhóm 81-90 thị trường startup mới nổi của toàn cầu. Thành phố hiện chiếm 50% số startup của cả nước; 40% số cơ sở ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp; 44% lượng vốn đầu tư, 60% số thương vụ của cả nước.

Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Việt Dũng, một trong những yếu tố có tác động nhất định là nhờ các chính sách thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Nhà nước. Ðồng thời, sự hợp tác giữa Nhà nước và cộng đồng xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là rất quan trọng. Hiện, thành phố tiếp tục thí điểm một số chính sách thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có một số chính sách đặc thù cho lĩnh vực đổi mới sáng tạo được triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Mặc dù được xem là địa phương có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mạnh nhất nước, nhưng trong quá trình phát triển phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thành phố cũng gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Cụ thể, chất lượng hỗ trợ của các chính sách nhà nước chưa cao, năng lực các tổ chức trung gian hỗ trợ doanh nghiệp còn thấp. Các khoản đầu tư cho các công ty giai đoạn đầu chưa nhiều; nhà đầu tư Angel (nhà đầu tư thiên thần) đang khan hiếm và không chuyên nghiệp.

Cùng với đó, chất lượng nguồn nhân lực là một thách thức do có sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Thủ tục đăng ký kinh doanh còn phức tạp và thiếu rõ ràng, pháp lý đăng ký quỹ đầu tư chưa đầy đủ, pháp lý về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ chưa phù hợp thông lệ quốc tế.

Nhu cầu đào tạo kiến thức và kỹ năng của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cao nhưng chưa có các chương trình đào tạo thật sự chất lượng. Các trường đại học và tổ chức nghiên cứu công lập đang hoạt động chưa hiệu quả trong việc đóng góp kinh tế thông qua việc chuyển giao công nghệ, hợp tác với ngành công nghiệp và phát triển các dự án phụ trợ.

Ðể thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và cụ thể hóa Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Nghị quyết số 20/2023/NQ-HÐND ngày 11/11/2023 quy định lĩnh vực ưu tiên, tiêu chí, điều kiện, nội dung và mức hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố; Nghị quyết số 19/2023/NQ-HÐND ngày 11/11/2023 quy định tiêu chí, đối tượng, điều kiện, được hưởng tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và các chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập và thù lao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Hiện, Sở Khoa học và Công nghệ đang triển khai Chương trình hỗ trợ các dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo (SpeedUp); Tìm kiếm giải pháp đổi mới sáng tạo trong khu vực công năm 2024 (Gov.Star 2024); Chương trình ươm tạo các dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024-2025 (InnoCulture 2024); Chương trình tuyển chọn và ươm tạo các dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực phát triển bền vững trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024-2025 (GIC 2024); Chương trình tìm kiếm dự án đổi mới sáng tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo bà Phan Thị Quý Trúc, Phó Trưởng Phòng Sở hữu trí tuệ và Ðổi mới sáng tạo (Sở Khoa học và Công nghệ), khoảng trong vòng một năm tới, dự kiến Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ gần 200 dự án, trong đó có 124 dự án tiền ươm tạo và ươm tạo, 73 dự án tăng tốc. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các quỹ đầu tư được xem là những nhà đầu tư tiếp theo của dự án sau khi được Nhà nước hỗ trợ. Sự tham gia của các quỹ đầu tư giúp nâng cao tính khả thi của dự án về yếu tố thương mại và mở rộng thị trường, cũng như có thể tham gia xây dựng mạng lưới nhà đầu tư thiên thần, đầu tư mạo hiểm.

Thời gian tới, Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ sẽ được đưa vào hoạt động.

Sứ mệnh của Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập hợp và kết nối các nguồn lực trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố, trong nước và nước ngoài; giúp lan tỏa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho cộng đồng; cung cấp các dịch vụ về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và phát triển và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh cho thành phố trong khu vực và quốc tế về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Trung tâm là hạt nhân của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hướng đến trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo hàng đầu trong khu vực, góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam và khu vực.