Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn đến năm 2025. Kế hoạch nhằm triển khai các nội dung hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chuyển đổi số để tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năng lực và lợi thế cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
Triển khai đồng bộ ba nhóm giải pháp hỗ trợ
Ðể đạt được mục tiêu, Ủy ban nhân dân thành phố giao các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Ðức hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký tài khoản trên Cổng thông tin của chương trình tại địa chỉ http://smedx.vn.
Ðồng thời, vận động các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố tham gia tiếp cận, cập nhật thông tin, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số tại địa chỉ nêu trên và địa chỉ https://dbi.gov.vn; sử dụng các nền tảng số để chuyển đổi số.
Riêng Sở Thông tin và Truyền thông thành phố có nhiệm vụ phối hợp Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) lựa chọn các nền tảng số phù hợp giới thiệu doanh nghiệp nhỏ và vừa, triển khai giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng các nền tảng số, đồng thời ký thỏa thuận hỗ trợ, hợp tác với các hiệp hội, doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi số xuất sắc để hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Ðình Thắng cho biết, để trở thành đầu tàu cả nước về kinh tế số và xã hội số, thành phố tiếp tục đầu tư vào phát triển hạ tầng số, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Thành phố tập trung thực hiện đồng bộ ba nhóm giải pháp gồm: Hoàn thiện môi trường pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp nhỏ và vừa; triển khai chiến lược quản trị dữ liệu và phát triển hạ tầng số nhằm hỗ trợ, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp; xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn; đồng thời tổ chức các chương trình đào tạo và tư vấn chuyên sâu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo ông Thắng, để hiện thực hóa các giải pháp nêu trên, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh triển khai kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 với các chỉ tiêu: Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho tất cả doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ ít nhất 60% số doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số và đồng thời thiết lập mạng lưới tư vấn viên chuyển đổi số toàn thành phố.
Ngoài ra, thành phố còn triển khai kế hoạch thí điểm khảo sát, đo lường, đánh giá hiện trạng và mức độ sẵn sàng thương mại điện tử và chuyển đổi số. Kế hoạch sẽ được triển khai tại quận Phú Nhuận, sau đó sơ kết, đánh giá và nhân rộng ra toàn thành phố.
Ðồng thời, cùng với thu thập các thông tin, số liệu liên quan để làm cơ sở cho việc xây dựng và điều chỉnh các chính sách hỗ trợ chuyển đổi số; nắm bắt, xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện trạng chuyển đổi số trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ để phục vụ cho công tác quản lý và hoạch định chiến lược của thành phố.
Đẩy mạnh bảy lĩnh vực ưu tiên
Theo các chỉ tiêu về chương trình chuyển đổi số, kinh tế số của Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp 22% vào GRDP của thành phố trong năm 2024. Ðến năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm 25% và đến năm 2030 là 40% vào GRDP của thành phố.
Tỷ lệ này là cao nhất cả nước và cao hơn mặt bằng chung của cả nước là 5-10%. Ðể hoàn thành các mục tiêu chuyển đổi số, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xác định, đẩy mạnh số hóa các ngành kinh tế, trong đó ưu tiên bảy lĩnh vực: Y tế, giáo dục, lao động việc làm, du lịch, nông nghiệp, tài nguyên-môi trường, logistics.
Ông Thắng khẳng định, thành phố đặt mục tiêu quyết tâm đẩy mạnh chuyển đổi số trong các ngành kinh tế nhằm mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển kinh tế thành phố trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc đầu tư và phát triển đồng bộ bảy lĩnh vực đòi hỏi sự quy hoạch bài bản và nguồn lực đáng kể. Bên cạnh đó là công tác đào tạo kỹ năng số cho đội ngũ nhân lực, bảo đảm an ninh mạng và bảo mật thông tin; bảo đảm phối hợp và tích hợp giữa các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
"Sở Thông tin và Truyền thông với vai trò là cơ quan được giao thường trực phải thực hiện tốt vai trò điều phối và dẫn dắt quá trình số hóa. Chúng tôi sẽ chủ trì xây dựng chiến lược và kế hoạch tổng thể, bảo đảm sự đồng bộ và hiệu quả giữa các lĩnh vực. Chúng tôi cũng quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, đặc biệt là hạ tầng viễn thông và mạng lưới internet băng thông rộng. Bên cạnh tham mưu xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động số hóa, Sở Thông tin và Truyền thông ưu tiên tập trung đào tạo và nâng cao năng lực số cho cán bộ, nhân viên. Ngoài ra, chúng tôi sẽ cung cấp hỗ trợ và tư vấn kỹ thuật cho các đơn vị liên quan; đồng thời thiết lập cơ chế giám sát và đánh giá để bảo đảm hiệu quả và bền vững của quá trình chuyển đổi số", ông Thắng cho biết.
Theo kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn đến năm 2025, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ kinh phí tư vấn, giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số theo Nghị định số 80/2021/NÐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ.
Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Ðức, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trên địa bàn thành phố phải chủ động căn cứ nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách, xây dựng kế hoạch và đề xuất nhu cầu, kinh phí hỗ trợ, gửi về Sở Kế hoạch và Ðầu tư tổng hợp, tham mưu trình Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.