Xử lý nghiêm tình trạng tranh chấp ngư trường trên vùng biển Cà Mau

NDO - Chiều 9/1, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau phát đi báo cáo hỏa tốc của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng Tỉnh ủy và Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau về tình hình tranh chấp ngư trường trên vùng biển Cà Mau.
Tàu cá CM-91296-TS bị nhóm người lạ dùng bom xăng đốt cháy trên biển vào ngày 2/1/2024.
Tàu cá CM-91296-TS bị nhóm người lạ dùng bom xăng đốt cháy trên biển vào ngày 2/1/2024.

Báo cáo do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Văn Sử ký ban hành vào sáng cùng ngày, nêu nhận định, đánh giá về việc trước đây, mâu thuẫn xảy ra giữa nghề lưới kéo (cào) và nghề ốc bẫy mực, do có sự xung đột trong đặc điểm khai thác của hai nghề này.

Tuy nhiên, hiện nay qua tin quần chúng, đã có sự thỏa thuận về ngư trường giữa nghề ốc bẫy mực và nghề cào. Và đã xuất hiện tình trạng nhiều đội tàu ốc bẫy mực chiếm giữ ngư trường, cho phía nghề ghe cào thuê ngư trường để khai thác hải sản.

Trong quá trình chiếm giữ ngư trường trái phép, các đội tàu ốc bẫy mực cũng đã có mâu thuẫn với nhau. Cùng với đó là sự xuất hiện của các nhóm người (xã hội đen) sẵn sàng dùng vũ lực, hung khí nguy hiểm để tranh giành ngư trường.

Xử lý nghiêm tình trạng tranh chấp ngư trường trên vùng biển Cà Mau ảnh 1

Một tàu cá của ngư dân Cà Mau đang thả ốc bẫy mực thì bị một con tàu lạ cắt ngang đầu không cho thả ngư cụ xuống biển.

Qua thống kê từ tin tố giác của người dân, từ ngày 8/11/2023 đến ngày 2/1/2024, trên vùng biển Tây Nam tỉnh Cà Mau đã xảy ra 8 vụ tranh chấp ngư trường phức tạp, làm nhiều ngư dân bị thương và hư hỏng nhiều tài sản.

Nổi cộm là vào ngày 29/12/2023, tàu cá CM-92324 đang hoạt động cách cửa biển Đá Bạc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) khoảng 12 hải lý thì bất ngờ bị người trên phương tiện của ông Dạn (ấp Kinh Hòn Bắc, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) dùng hung khí bắn bi sắt và bi keo qua tàu làm bể kính cabin, khiến 1 người bị thương.

Xử lý nghiêm tình trạng tranh chấp ngư trường trên vùng biển Cà Mau ảnh 2

Một tàu cá hành nghề ốc bẫy mực của ngư dân Đá Bạc bị một tàu khác (đối diện) tông ngang hông làm hư hỏng thân tàu.

Đỉnh điểm hơn là vào ngày 2/1/2024, tàu cá CM-91296-TS hành nghề ốc bẫy mực của ông Lê Thanh Toàn giao cho ông Lê Hoài Hận quản lý, đang neo đậu trên vùng biển huyện U Minh (Cà Mau) thì bất ngờ bị 4 người lạ mặt đi trên một tàu nhỏ tấn công bằng bom xăng tự chế. Hậu quả khiến tàu này bị cháy và chìm xuống biển, thiệt hại tài sản ước tính (theo kê khai của ngư dân) là khoảng 2,7 tỷ đồng.

Đáng nói, nhóm người dùng bom xăng đốt tàu CM-91296-TS không bỏ đi ngay mà lượn lờ quanh khu vực gây nên vụ việc, chờ con tàu cháy hẳn rồi mới bỏ đi. Nhóm ngư dân trên tàu cháy kịp thời phóng xuống biển, bơi qua một tàu cá gần đó để thoát thân. Nếu không, các ngư dân trên tàu cháy sẽ “lành ít dữ nhiều” bởi giữa biển khơi, tất cả vật dụng, phao cứu sinh… đều đã bị cháy rụi.

Xử lý nghiêm tình trạng tranh chấp ngư trường trên vùng biển Cà Mau ảnh 3

Tàu cá CM99616-TS hành nghề ốc bẫy mực bị tàu lạ tông làm hư hỏng, đến nay vẫn neo đậu vì không bảo đảm an toàn để ra biển.

Trước tình hình trên phức tạp nêu trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan vào cuộc, khẩn trương điều tra, xác minh, xử lý theo thẩm quyền. Đến nay, một số vụ việc đã xác định được đối tượng vi phạm và đã khởi tố 1 vụ án, khởi tố bị can. Một số vụ đang được tiến hành điều tra, xác minh.

Song hành đó, Cà Mau tăng cường các biện pháp tuần tra, kiểm soát, quản lý khu vực biển, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định, không để phát sinh điểm nóng.

Xử lý nghiêm tình trạng tranh chấp ngư trường trên vùng biển Cà Mau ảnh 4

Tàu cá CM-91296-TS bị đốt cháy trên biển vào tối 2/1/2024.

Qua đây, Cà Mau đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét hướng dẫn, cho chủ trương hoặc sửa đổi, tham mưu sửa đổi quy định rõ hơn về “nghề đặc thù” của từng địa phương (hoặc phân cấp, giao quyền cho địa phương có cơ chế quy định). Tỉnh này cũng đề xuất bộ hỗ trợ về kinh phí, vốn ngân sách Trung ương để tỉnh tăng cường việc thực hiện thả rạn nhân tạo, khu trú ngụ, thiết bị cắt cáp lưới kéo.

Cà Mau cũng kiến nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các lực lượng chức năng trên biển (Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quân, Kiểm ngư,...) tổ chức, phối hợp, hỗ trợ tỉnh trong việc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, nhất là các khu vực thường xuyên xảy ra tranh chấp ngư trường…, giúp ngư dân yên tâm bám biển.