Sớm giải quyết các tranh chấp ngư trường ở huyện Kiên Lương

Nhiều bạn đọc phản ánh, hằng năm cứ đến mùa thu hoạch nghêu, lụa, hay sò lông thì nhiều vùng biển của huyện Kiên Lương (Kiên Giang) lại xảy ra xung đột giữa người hành nghề khai thác và người nuôi hải sản.

Các tàu cào nghêu, lụa trên vùng biển Kiên Lương (Kiên Giang).
Các tàu cào nghêu, lụa trên vùng biển Kiên Lương (Kiên Giang).

Chúng tôi về huyện Kiên Lương một ngày cuối năm. Hỏi về tình hình tranh chấp ngư trường, người dân cho biết: “Ðến bất cứ xóm biển nào cũng có ngư dân bất bình lên tiếng”. Con đường dẫn vào xóm biển của ấp Hòn Chông, xã Bình An, huyện Kiên Lương một bên là con kênh thông ra biển, một bên là nhà cửa, hàng quán. Dưới bến, nhiều tàu cá neo đậu, trên bờ có nhiều quán nước, các điểm mua bán hải sản, tiệm cơ khí phục vụ cho nghề đánh bắt hải sản. Xóm biển khá nhộn nhịp, sung túc.

Trưa ngày 2-2, khoảng 65 tàu khai thác hải sản đi vào khu vực biển thuộc ấp Hòn Chông, xã Bình An cào lụa. Ông Lê Văn Thạnh (Ba Thạnh, ở Tổ nhân dân tự quản (NDTQ) số 4, ấp Hòn Chông), là người giàu nhất cái xóm biển này huy động hơn 20 người chạy ghe ra đẩy đuổi. Các tàu bỏ chạy, hai tàu của anh Nguyễn Văn Lượng (25 tuổi, ngụ huyện Châu Thành) và anh Nhân (28 tuổi, ngụ xã Bình Trị, huyện Kiên Lương) không chạy kịp bị người của ông Thạnh kéo về bờ. Trò chuyện với chúng tôi, anh Lượng bức xúc: “Ông Thạnh đòi chúng tôi nộp mỗi tàu ba triệu đồng mới cho đẩy tàu xuống nước. Ba tôi (đi cùng tàu với Lượng) đồng ý nộp tiền, nhưng tôi cương quyết không. Ông Ba Thạnh có quyền gì mà bắt giữ tàu của chúng tôi, bắt chúng tôi nộp tiền”. Ngay đó, Quân chỉ tay về phía một người đàn ông mới bước vào quán nói: “Chú Ba Thạnh đến”. Vừa ngồi xuống ghế, ông Ba Thạnh và anh em Quân, Lượng đã to tiếng qua lại. Trao đổi với chúng tôi ông Ba Thạnh cho biết, ông được hơn 30 hộ dân giao cho quản lý, khai thác mặt nước biển, với tổng diện tích lên đến khoảng 1.000 ha. “Khu vực biển tôi đang quản lý, mà hàng chục chiếc tàu chạy vào cào lụa không được sự đồng ý của tôi là cướp chứ gì nữa(?). Tôi không cần chính quyền, tự tôi giải quyết” - ông Ba Thạnh lớn tiếng. “Còn việc phạt chúng nó ba triệu mới cho đẩy tàu, đó là tiền bồi thường thiệt hại mà những tàu này đã gây ra” - ông Ba Thạnh nói tiếp.

Theo Công an huyện Kiên Lương, những năm gần đây, mỗi năm cơ quan chức năng ghi nhận hàng chục vụ tranh chấp ngư trường xảy ra trên địa bàn huyện giữa người khai thác hải sản với người của các hợp tác xã (HTX) nuôi trồng thủy sản. Ngày 17-1, hơn 50 tàu cá đi vào khu vực mặt biển của HTX Phát Tài (ấp Hòn Heo, xã Sơn Hải) cào lụa. Công an xã Sơn Hải phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng ra hiện trường tuyên truyền, đẩy đuổi những người đánh bắt trái phép, ra khỏi khu vực cấm. Nhưng sáng hôm sau, tiếp tục có hơn 50 tàu vào khu vực của HTX Phát Tài cào lụa. Lực lượng chức năng lại đẩy đuổi, mời các chủ ghe vi phạm về trụ sở công an làm việc. Ngư dân cho rằng, giấp phép của HTX Phát Tài không hợp lệ, hơn 40 người kéo đến Ðồn Biên phòng Hòn Chông yêu cầu lực lượng này không tham gia vào việc đánh bắt của họ. Và trong chiều hôm đó, những chiếc ghe này quay lại ngư trường cũ đánh bắt, lực lượng chức năng một lần nữa phải ra quân đẩy đuổi và tạm giữ năm phương tiện.

Theo điều tra của phóng viên Báo Nhân Dân, khi thành lập các HTX thì cán bộ, công chức, các chức danh của ấp, xã và người giàu có trong vùng được mời trước, kế đến mới đến ngư dân và những người hành nghề khác. Nhưng với lối suy nghĩ, biển là tài nguyên của quốc gia, sản vật trên biển bao đời cha ông họ vẫn khai thác để tồn tại, thì nay sao phải góp tiền cho HTX. Mặt khác, ngư dân đa phần có phương tiện nhỏ, khai thác hải sản ven bờ, kinh tế khó khăn, không có điều kiện góp vốn. Không góp vốn cũng đồng nghĩa với việc họ không còn được khai thác trên ngư trường quen thuộc. Mặt biển đã được đóng cọc, ranh, mốc giới để phân chia cho các HTX và những hộ cá thể nuôi trồng thủy sản.

Người dân sống ven biển Kiên Lương bao năm sinh sống bằng nghề khai thác hải sản, nhưng nay ngư trường được phân định, họ bị đẩy ra xa. Bất bình thường khi những người được giao mặt biển lại là cán bộ, đảng viên, nhiều người chưa hành nghề biển.

Theo hồ sơ chúng tôi thu thập được, năm 2013 có sáu HTX nuôi trồng thủy sản được chính quyền địa phương cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản là: Tân Tiến, Ðồng Lợi, Tiến Phát, Sơn Hải, Vạn Lợi và Vững Mạnh. Ðến nay, ba trong số đó đã hết thời hạn thuê, nhưng vẫn đang sử dụng và canh giữ phần diện tích đã thuê. Ban quản trị của các HTX này lập luận, vật nuôi, tài sản của họ vẫn còn nằm trên diện tích này.

Trong danh sách thành viên của các HTX nuôi trồng thủy sản ở Kiên Lương, những xã viên làm nghề khai thác hải sản rất ít. Phần đông xã viên đang công tác ở ấp, xã, cán bộ, công chức huyện, cả cán bộ tỉnh. Như HTX Phát Tài ở ấp Hòn Heo, xã Sơn Hải có 47 thành viên thì có đến 26 người là cán bộ ấp, xã, huyện, trong khi chỉ có 10 thành viên làm nghề đánh bắt hải sản. Trong bản danh sách này có tên ông Lâm Tiến Dũng, Bí thư Huyện ủy Kiên Lương; Trần Minh Sang, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện; Bùi Ðức Tiến, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện; Ðặng Trung Hiếu, Phó Bí thư Huyện đoàn. Có đến 20 thành viên của HTX Phát Tài là cán bộ của xã Sơn Hải.

Tương tự, trong bảng danh sách của HTX Tân Tiến thuộc xã Bình An góp mặt đầy đủ các chức danh của xã Bình An, ấp Ba Trại, ấp Hòn Trẹm, ấp Ba Núi, với 35 người. Cán bộ to nhất nằm trong danh sách xã viên của HTX Tân Tiến là ông Ngô Sện, Bí thư Ðảng ủy xã Bình An.

Trả lời các câu hỏi của phóng viên, ông Ba Thạnh, người đang sở hữu khoảng 1.000 ha mặt nước biển ở xã Bình An nói: “Bãi của tôi không giống như của các HTX. Bãi của tôi có sổ đỏ hẳn hoi, Nhà nước trao quyền sử dụng 31 năm, được địa chính cắm mốc giới, còn bãi của các HTX chỉ ký hợp đồng thuê mặt biển”. Ông Thạnh đưa chúng tôi về nhà mở tủ lấy ra năm bìa sổ đỏ như chứng minh lời nói của ông là thật. “Ðưa vài sổ cho các chú coi, chứ còn nhiều lắm!”. Trong năm bìa sổ đỏ, bốn bìa Chủ tịch UBND huyện Kiên Lương ký ngày 14-2-2012, một bìa ký ngày 16-1-2014. Tất cả những người đứng tên trên các bìa sổ đỏ này đều có hộ khẩu thường trú ở ngoài huyện Kiên Lương, mỗi người được cấp quyền sử dụng 300 nghìn m2 mặt nước biển, thời hạn 31 năm, để nuôi trồng thủy sản. Ông Ba Thạnh cho biết, mỗi suất (300 nghìn m2) nộp thuế cho Nhà nước 9 triệu đồng/năm. Tổng diện tích khoảng 1.000 ha mặt nước, ông chỉ đầu tư tiền thuê người trông coi, còn sản vật như nghêu, lụa sinh sản tự nhiên. “Ai muốn vào bãi khai thác phải ký hợp đồng ăn chia với tôi theo tỷ lệ 7/3, tôi hưởng ba phần, người khai thác bảy phần. Còn vào bãi khai thác không hợp đồng, với tôi là cướp. Tôi không cần báo chính quyền, mà tự mình giải quyết” - ông Ba Thạnh nói.

Mâu thuẫn trong tranh chấp ngư trường ở Kiên Lương không chỉ giữa người khai thác hải sản với người của HTX nuôi trồng thủy sản mà với cả chính quyền địa phương. Bởi thành viên của các HTX là các chức danh, cán bộ, công chức đang công tác ở ấp, xã, huyện, có cả tập thể công an xã, Ban Chỉ huy Xã đội và cả sĩ quan Bộ đội Biên phòng. “Họ ra biển đẩy đuổi chúng tôi không phải vì bảo vệ an ninh trật tự mà họ làm để bảo vệ quyền lợi của họ, cho nên thực hiện không công tâm, khách quan” - một ngư dân bức xúc. Ngư dân hành nghề cào nghêu, lụa kiến nghị, chính quyền không tái ký hợp đồng với các HTX đã hết thời hạn thuê mặt biển; dừng việc cấp quyền sử dụng mặt nước biển cho các hộ dân, nhất là các hộ ngoài địa phương; những khu vực bảo tồn con giống, khu vực các HTX còn thời hạn thuê mặt biển phải cắm mốc giới rõ ràng...

Trong lúc tranh chấp ngư trường đang diễn ra gay gắt, các ngành chức năng phải căng mình ra để hạ nhiệt tình hình, thì ngày 15-8-2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn lại ký Quyết định số 1701, tiếp tục cho 17 hộ dân thuê 502,7 ha mặt nước biển thuộc huyện Kiên Lương, thời hạn đến năm 2020. Tại Quyết định 1701 đã xuất hiện điểm bất thường. Theo điều 1 của Quyết định 1701, cho các hộ dân tại ấp Hòn Ngang, ấp Hòn Heo, xã Sơn Hải, huyện Kiên Lương thuê mặt nước biển để nuôi nhuyễn thể. Nhưng trong danh sách kèm theo quyết định chỉ có ba hộ ngụ ấp Hòn Heo, xã Sơn Hải, 13 hộ còn lại đều ở nơi khác. Các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh Kiên Giang cần sớm có giải pháp giải quyết các tranh chấp ngư trường ở huyện Kiên Lương.

“Trước đây, ngư dân tự do khai thác. Từ khi các HTX thành lập, khu vực nào cũng của HTX, mỗi lần khai thác công an, xã đội, bộ đội biên phòng đẩy đuổi, giữ ghe... Chúng tôi những người hành nghề khai thác nghêu, lụa sống thế nào đây?”.

NGUYỄN VĂN NHÂN

(Xã Bình Trị, Kiên Lương, Kiên Giang)