Cùng với đó, những chính sách trợ giá cùng một số cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích cụ thể, rõ ràng từ phía Chính phủ cho cả doanh nghiệp và người dùng xe điện sẽ góp phần thúc đẩy chuyển đổi và tăng số lượng xe bán ra, giúp hình thành thói quen của người dân trong việc sử dụng xe điện để di chuyển.
Lợi ích lâu dài
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, theo lộ trình của Chính phủ, sau năm 2030, tại các đô thị, toàn bộ xe taxi thay thế, đầu tư mới sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh. Việc chuyển đổi sang phát triển giao thông điện đòi hỏi lộ trình chiến lược dài hạn, gồm các mục tiêu cụ thể, cột mốc quan trọng cũng như chính sách khuyến khích và hỗ trợ nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng xe điện trên quy mô lớn.
Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam Phan Thanh Uy nhận định, với một doanh nghiệp vận tải, để tối ưu cho hoạt động vận tải có rất nhiều yếu tố, phương tiện là một trong số đó. Vì thế, chi phí đầu tư phương tiện cần hợp lý, tính toán làm sao để sau khoảng 5-7 năm có thể thu hồi vốn. Để lựa chọn phương tiện, doanh nghiệp cân nhắc chi phí bảo dưỡng phương tiện, chi phí xe điện thấp hơn xe xăng do không phải thay dầu. Tuy nhiên, nhà sản xuất xe điện cần lưu ý đến chất lượng xe, khi vận hành phải bền bỉ với tuổi thọ càng dài càng tốt, càng hấp dẫn; nguồn phụ tùng thay thế cho phương tiện sao cho phổ biến với giá thành hợp lý mới có thể thu hút doanh nghiệp lựa chọn.
Ông Bùi Văn Hữu, Chủ tịch Công ty cổ phần Ô-tô TMT (TMT Motors) cho biết, công ty vừa ký hợp đồng mua-bán ô-tô điện Wuling lớn nhất từ trước đến nay , gồm 600 xe Mini EV và 400 xe Bingo với Công ty cổ phần Let’s Go An Bình để triển khai dịch vụ taxi điện mini giá rẻ tại Gia Lai. Giai đoạn đầu, 300 xe Mini EV và 200 xe Bingo sẽ được bàn giao cho Let’s Go Taxi từ nay đến quý I/2025, còn lại sẽ được giao nốt trong nửa cuối năm 2025.
Công ty cổ phần Ô-tô TMT (TMT Motors) ký hợp đồng mua-bán ô-tô điện Wuling lớn nhất từ trước đến nay với Công ty cổ phần Let’s Go An Bình để triển khai dịch vụ taxi điện mini giá rẻ tại Gia Lai. |
Theo ông Trần Lưu Văn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Let’s Go An Bình, sau khi công ty khai trương dịch vụ taxi điện mini giá rẻ Let’s Go Taxi đầu tiên tại Việt Nam ở Phú Yên vào tháng 5/2024, công ty đã nhận được sự đón nhận tích cực từ khách hàng. Với giá cước 8.000 đồng/km, chỉ bằng gần một nửa giá cước taxi phổ biến hiện nay, nhiều khách hàng đã lựa chọn dịch vụ này để di chuyển hằng ngày. Công ty đã mở tiếp dịch vụ taxi tại Bình Định và hiện tiếp tục cung ứng dịch vụ taxi giá rẻ tại tỉnh Gia Lai.
“Chúng tôi đánh giá xe điện Mini EV là mẫu xe phù hợp để khai thác dịch vụ taxi vì giá trị đầu tư ban đầu thấp nhất hiện nay, chi phí vận hành cũng như bảo hành, bảo dưỡng thấp, có thể thay thế được xe máy công nghệ (hoặc xe ôm). Đây là yếu tố tích cực thúc đẩy chuyển đổi xanh không chỉ với Let’s Go Taxi nói riêng mà còn với các hãng taxi khác nói chung. Lợi thế của 2 dòng xe Wuling là sạc điện tiện lợi, sử dụng điện dân dụng 220V nên có thể sạc bất kỳ đâu, thời gian sạc được rút ngắn từ 9 tiếng xuống 4,5 tiếng”.
Let’s Go Taxi đã đề nghị TMT Motors cho phép độc quyền khai thác dịch vụ taxi tại 4 tỉnh Phú Yên, Bình Định, Gia Lai và Đắk Lắk. Việc mở rộng thị trường và đầu tư thêm số lượng xe của Let’s Go Taxi tại các tỉnh này là minh chứng về hiệu quả đầu tư, sự tin tưởng của Let’s Go Taxi đối với chất lượng rất ổn định của thương hiệu xe Wuling tại Việt Nam.
TMT Motors ký hợp tác bán 2.000 xe điện Wulling Mini EV
Wuling Mini EV là mẫu xe kích thước nhỏ nhất trên thị trường hiện nay, nhưng vẫn có 4 chỗ ngồi thoải mái do không gian bên trong được tối ưu hóa rất tốt. Xe sử dụng pin LFP với quãng đường đi được là 120 và 170km. Còn ưu điểm lớn của xe Bingo là chi phí đầu tư thấp, chi phí sử dụng thấp, sạc điện tiện lợi, đơn cử phiên bản Wuling Bingo 333km có dung lượng pin 31,9kWh, mỗi 100km tiêu tốn khoảng 9,58 kWh điện. Tính theo giá điện sinh hoạt 3.130 đồng/kWh, chi phí vận hành chỉ khoảng 300 đồng/km, rẻ hơn mẫu xe máy thông thường chạy xăng khoảng 350 đồng/km.
Ông Nguyễn Quốc Bách, đại diện hãng taxi Bách Đại Dũng cho biết, nếu tính toán kỹ, tỷ trọng nhiên liệu điện trên giá cước thấp hơn nhiều so với xe xăng và chi phí bảo dưỡng cũng thấp hơn. Vì vậy, chi phí đầu tư ban đầu của xe điện có thể cao hơn nhưng về lâu dài sẽ có lợi hơn và theo tính toán, sau từ 2-3 năm, doanh nghiệp có thể hoàn vốn phương tiện.
Chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp
Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và metan của ngành giao thông vận tải đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 7/2022, với mục tiêu tổng quát phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh, hướng tới phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050. Chương trình coi việc chuyển đổi năng lượng xanh là nhiệm vụ cơ bản và quan trọng nhất trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, cũng như thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26. Đồng thời, cũng là cơ hội để ngành giao thông phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại hóa, bền vững, bắt kịp xu thế và trình độ phát triển tiên tiến của thế giới.
Đối với Hà Nội, chương trình đề ra lộ trình cụ thể đến năm 2030, đạt tối thiểu 50% phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh; đến năm 2050, toàn bộ xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh. Hiện nay, toàn thành phố Hà Nội có khoảng 11.000 xe taxi truyền thống chạy xăng. Trong bối cảnh số lượng taxi sụt giảm đến 40% sau thời gian đại dịch Covid-19, sự xuất hiện của taxi điện và xe buýt điện đã khởi đầu một xu thế mới cho thị trường vận tải hành khách công cộng.
Khi taxi điện mới triển khai, các hãng taxi truyền thống đã cảm nhận áp lực rõ rệt. Hiện nay, taxi điện chỉ còn thua taxi truyền thống về số lượng, độ bao phủ thị trường, về sau xe điện tăng nhanh về số lượng, taxi xăng truyền thống sẽ phải thay đổi hoặc kết cục tất yếu là thất bại. Taxi truyền thống đang đứng trước thử thách lớn, đòi hỏi họ phải tự thay đổi mình, định hướng lại chiến lược kinh doanh. Trong thời đại này, xe dịch vụ phải đáp ứng các tiêu chí vừa rẻ, vừa tiện, vừa đẹp, vừa hài lòng khách hàng.
Khi taxi điện triển khai, ngay lập tức các hãng taxi truyền thống đã cảm nhận áp lực rõ rệt. |
Tuy nhiên, việc đầu tư lượng lớn phương tiện taxi điện ngay thời điểm này không phải chuyện dễ đối với nhiều doanh nghiệp. Ngoài thiếu vốn đầu tư, hạ tầng dành cho xe điện còn yếu cũng là trở ngại. Do đó, các chính sách ưu đãi cho taxi “xanh” cần được làm rõ hơn nữa, thiết thực và hấp dẫn hơn nữa, đặc biệt với việc đầu tư trạm sạc, hạ tầng dành riêng cho xe điện. Giá điện là yếu tố được các doanh nghiệp vận tải quan tâm, cơ quan quản lý cần bảo đảm giá điện ổn định ở hiện tại và trong tương lai, cũng như có chính sách ưu đãi về giá điện cho các doanh nghiệp vận tải bằng xe điện. Chính sách ưu đãi lãi suất khi doanh nghiệp vay vốn để chuyển đổi sang xe điện cũng rất cần thiết.
Cuộc đua phát triển pin xe điện
Đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh, Bộ Giao thông vận tải đã sửa đổi quy chuẩn trạm dừng nghỉ đường bộ phải có trạm sạc điện. Trong thời gian tới, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ nghiên cứu, tiếp tục sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, yêu cầu bố trí vị trí trụ sạc xe điện tại các bến xe khách, bến xe hàng hoặc các hệ thống dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
Ngoài đề xuất xây dựng cơ chế chính sách để khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông đường bộ, đặc biệt là xe taxi, xe buýt, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ xây dựng tiêu chí xanh đối với các hệ thống dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ như bến xe khách, bến xe hàng hoặc trạm dừng nghỉ; phối hợp thí điểm lắp đặt các trạm sạc tại các hệ thống dịch vụ này.