Là một phần trong kế hoạch điện khí hóa trị giá 34,7 tỷ USD của mình, hãng sản xuất xe hơi Stellantis ra đời từ sự hợp nhất của PSA và Fiat Chrysler vào đầu năm nay cho biết, họ đã ký thỏa thuận sơ bộ với nhà sản xuất LG Energy Solution để sản xuất pin cho thị trường Bắc Mỹ, nơi nhà sản xuất ô-tô đứng thứ tư thế giới dự kiến đạt hơn 40% doanh số tại Mỹ vào năm 2030.
Mục tiêu này cũng nằm trong kế hoạch dài hạn khi tập đoàn xe Daimler AG sẽ nắm giữ 33% cổ phần của nhà sản xuất pin Automotive Cells Company, được thành lập bởi Stellantis và TotalEnergies năm 2020.
Các nhà sản xuất ô-tô đang chạy đua để bảo đảm nguồn cung cấp pin khi họ chuyển sang dùng điện, với hàng chục nhà máy pin mới được lên kế hoạch triển khai trên khắp châu Âu và Mỹ.
Mới đây, hãng Ford Motor cũng đã lên kế hoạch phát triển xe điện ở châu Âu và cho biết sẽ đầu tư lên tới 316 triệu USD để xây dựng lại một nhà máy động cơ ở miền bắc nước Anh sản xuất các mô-đun điện cho ô-tô thay vì hộp số cho động cơ đốt trong. Nhà sản xuất ô-tô đứng thứ 2 thế giới cho biết các dòng sản phẩm ô-tô của họ ở châu Âu sẽ hoàn toàn chạy bằng điện vào năm 2030.
Một số hãng sản xuất khác như Mercedes-Benz Daimler đã cảnh báo rằng việc chuyển sang sử dụng điện sẽ khiến công nhân trong các nhà máy động cơ đốt trong có nguy cơ mất việc làm, vì vậy động thái của Ford là một áp lực cho các công nhân chuyên sản xuất động cơ nhiên liệu hóa thạch tại nhà máy Halewood gần Liverpool (Anh).
Sự chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu chạy bằng điện cũng đi kèm với những thay đổi lớn trong bối cảnh ngày càng có nhiều các công ty khởi nghiệp hy vọng phát triển thành công như hãng Tesla của tỷ phú Elon Musk.
Chính những điều đó đã thu hút sự chú ý của hãng sản xuất Foxconn, hiện công ty đang có kế hoạch đầy tham vọng nhằm đa dạng hóa vai trò xây dựng các thiết bị điện tử tiêu dùng cho gã khổng lồ công nghệ Apple và các công ty công nghệ khác.
Foxconn đã công bố ba nguyên mẫu EV đầu tiên của mình hôm 18/10, một chiếc SUV (xe thể thao đa dụng), một chiếc sedan (loại 4 chỗ ngồi) và một chiếc xe buýt - được sản xuất bởi Foxtron, một liên doanh giữa Foxconn và nhà sản xuất xe hơi Đài Loan (Trung Quốc) Yulon Motor.
Đây là tham vọng mới nhất của Foxconn khi hãng này lấn sân sang mảng EV sau chưa đầy hai năm lên kế hoạch và đã phát triển tương đối nhanh chóng. Cũng trong năm nay, hãng này đã công bố các thỏa thuận chế tạo ô-tô với công ty khởi nghiệp Fisker của Mỹ và tập đoàn năng lượng PTT PCL của Thái Lan.
Bên cạnh đó, nhu cầu về tốc độ cũng là một lý do khiến hãng xe Volkswagen AG đang có các động thái đàm phán hợp tác với hãng Tesla của tỷ phú Elon Musk và các cuộc nói chuyện giữa các CEO đã được diễn ra vào cuối tuần qua. “CEO Herbert Diess của Volkswagen cho biết, họ có tham vọng theo đuổi và sẽ vượt qua Tesla, nhà sản xuất ô-tô điện hàng đầu thế giới hiện nay”.
Tại thị trường Đông Nam Á, các quốc gia như Thái Lan, Singapore, Indonesia là những “ông lớn” đi tiên phòng trong phát triển xe điện hiện nay. Các quốc gia này là trung tâm sản xuất và lắp ráp ô-tô của khu vực và vẫn đang tích cực phát triển, đầu tư trên đường đua xanh của xe điện.
Việt Nam cũng không thể đứng ngoài thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn này. Với quy mô hơn 100 triệu dân như hiện nay, Việt Nam hứa hẹn sẽ trở thành một thị trường đầy tiềm năng trong phát triển và mở rộng ô-tô chạy bằng năng lượng điện. Với xu thế này, các hãng sản xuất ô-tô hàng đầu như Vinfast cũng đã bắt đầu sản xuất và thử nghiệm các loại xe điện, thân thiện với môi trường.
Đặc biệt tại sự kiện mới đây của Vinfast, công ty này đã chính thức ra mắt mẫu ô-tô điện đầu tiên do Việt Nam sản xuất. Mẫu xe điện của Vinfast có tên VF e34 được thiết kế tinh tế, thân thiện với người tiêu dùng, ngoài ra, VF e34 được trang bị nhiều tính năng an toàn và hiện đại nhất hiện nay. Đây được coi là dấu mốc quan trọng mở ra cuộc đua về ô-tô điện khi nhiều “ông lớn” khác cũng đang có những kế hoạch sản xuất và bán các sản phẩm này tại thị trường Việt Nam.