Khó tăng số lượng xe buýt điện nếu chưa đủ trạm sạc

Chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng sạch trong hoạt động vận tải hành khách công cộng đang được ngành giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện song còn gặp những thách thức, nhất là về nguồn vốn và cơ sở hạ tầng.
0:00 / 0:00
0:00
Xe buýt điện hoạt động trên địa bàn thành phố dù thân thiện môi trường nhưng vẫn còn ít, đang được đầu tư mở rộng thêm tuyến.
Xe buýt điện hoạt động trên địa bàn thành phố dù thân thiện môi trường nhưng vẫn còn ít, đang được đầu tư mở rộng thêm tuyến.

Quyết tâm chuyển đổi phương tiện

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Thành phố Hồ Chí Minh, toàn thành phố có 2.209 xe buýt đang hoạt động, trong đó có 546 xe chạy bằng khí CNG và xe điện, chiếm 24,7%. Kết quả này là một quá trình dài thành phố quyết tâm đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp vận tải chuyển đổi phương tiện, song vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Theo lộ trình chuyển đổi phương tiện, từ năm 2025, xe buýt thay mới phải là xe điện; từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang xe buýt điện gặp không ít khó khăn bởi chi phí đầu tư, vận hành xe điện cao (cao hơn 13% so với xe diesel); chưa có quy hoạch hạ tầng trạm sạc điện cho xe buýt; quy định về cấp phép, quản lý hoạt động đầu tư, xây dựng, lắp đặt hệ thống trạm sạc còn thiếu.

Đây cũng là vấn đề đặt ra trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh là một trong các đô thị có lượng phát thải lớn của Việt Nam; trong khi đó chính quyền thành phố đang thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng giao thông vận tải sang sử dụng điện, năng lượng xanh, hướng đến phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050.

Ông Phạm Vương Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố chia sẻ: Có ba nhóm chính sách cần thực hiện để thúc đẩy việc chuyển đổi xe buýt điện theo lộ trình. Thứ nhất, hỗ trợ, ưu đãi nhà đầu tư chuyển đổi xe buýt điện, trong đó doanh nghiệp vận tải trả lãi vay cố định 3%/năm (ngân sách thành phố hỗ trợ phần chênh lệch còn lại) và được miễn lệ phí trước bạ. Thứ hai, chính sách đầu tư, phát triển hạ tầng trạm sạc. Thứ ba là chính sách trợ giá cho xe buýt điện cũng như hỗ trợ thu hồi xe buýt cũ.

Giám đốc điều hành Công ty Bảo Yến chi nhánh phía nam Trần Quang Thái cho rằng, một trong những vấn đề doanh nghiệp băn khoăn khi đầu tư xe điện là hạ tầng và trạm sạc. Đối với xe chạy bằng xăng dầu, tài xế chỉ cần ít phút có thể đổ đầy bình nhiên liệu.

Nhưng với xe buýt điện, để sạc pin phải tốn 3-4 giờ, chưa kể cần vị trí thuận lợi cho việc đậu đỗ phương tiện sạc điện. Do đó, thành phố cần có phương án đầu tư hệ thống trạm sạc; có thể hình thành địa điểm tập trung quy mô lớn để thuận tiện cho quá trình khai thác và vận hành.

Đại diện Công ty TNHH MTV Xe khách Sài Gòn, đơn vị khai thác vận tải xe buýt nhiều năm qua cho biết, qua tham khảo, xe điện của Vinbus có giá hơn 6 tỷ đồng/xe trong khi xe chạy diesel khoảng 2 tỷ đồng (bằng 1/3).

Chi phí này quá cao so với khả năng của doanh nghiệp cho nên thành phố cần xem xét có các chính sách tài chính phù hợp, nhất là hỗ trợ lãi vay, trợ giá khi doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện.

Không chỉ doanh nghiệp khai thác vận tải, một số doanh nghiệp đầu tư, cung cấp trạm sạc điện cũng đề nghị, thành phố cần ban hành hướng dẫn kỹ thuật trạm sạc xe buýt điện nhằm hướng dẫn yêu cầu kỹ thuật để các nhà đầu tư trạm sạc và xe buýt điện có thể sạc của nhau; ưu tiên quy hoạch và mặt bằng để đặt các trạm sạc điện; sớm ban hành giá điện theo hướng hỗ trợ nhà đầu tư,…

Khuyến khích đầu tư, chuẩn bị hạ tầng

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Bùi Hòa An cho biết: Thành phố đang triển khai Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí metan của ngành giao thông vận tải trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng thời, thành phố đang đẩy mạnh thực hiện Đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. “Chúng ta chưa có hệ thống trạm sạc và quy chuẩn cần thiết cho trạm sạc điện. Để từng bước tiến tới cải tiến phương tiện, thành phố rất cần có quy hoạch, tiêu chuẩn cụ thể về hệ thống trạm sạc điện”, ông Bùi Hòa An chia sẻ.

Tại Hội thảo chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng sạch (khí sạch CNG, điện) trong hoạt động vận tải hành khách công cộng ở Thành phố Hồ Chí Minh) mới đây, PGS, TS Phạm Xuân Mai (Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định: Xe điện đang là xu hướng phát triển chung ở nhiều thành phố lớn trên thế giới.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, để có thể tăng nhanh xe điện thì hệ thống trạm sạc cũng cần sớm triển khai đồng bộ. Mặt khác, chi phí đầu tư xe buýt điện cao hơn nhiều so với xe xăng nên nếu doanh nghiệp phải bỏ tiền xây dựng trạm sạc sẽ dẫn tới thời gian thu hồi vốn rất lâu. Do đó, hạ tầng trạm sạc điện nên do Nhà nước đầu tư. Về lâu dài, có thể tính toán sử dụng điện mặt trời để tránh phụ thuộc lưới điện như hiện nay.

Công ty Phương Trang Futabusline cho biết, doanh nghiệp ủng hộ kế hoạch chuyển đổi xe buýt điện nên trước đó đã chủ động nghiên cứu giải pháp phát triển loại hình này. Tuy nhiên, hệ thống trạm sạc được xem là một khó khăn lớn.

Nếu doanh nghiệp đầu tư, ngoài cần nguồn vốn rất lớn còn nhiều vấn đề liên quan đến cấp phép, quản lý, yêu cầu kỹ thuật… mà hiện nay đều chưa cụ thể. Do đó, đơn vị đề xuất hệ thống trạm sạc nên do Nhà nước đầu tư để đồng bộ, tạo thuận lợi cho các đơn vị khai thác xe buýt.

Một số ý kiến của các doanh nghiệp vận tải cũng đề xuất, ngành giao thông vận tải thành phố cần sớm xây dựng định mức, đơn giá vận hành cho loại hình xe buýt điện vì hiện nay áp dụng ngang với xe CNG, dù chi phí cao hơn là chưa hợp lý. Bởi xe buýt điện có chi phí đầu vào cao, đồng nghĩa khấu hao và vận hành lớn cho nên phải thiết lập cơ chế trợ giá phù hợp hơn, như vậy mới kích thích được doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện xanh, sạch.