Xu hướng kinh doanh taxi bằng xe điện

NDO - Ngày 24/5, Báo Giao thông tổ chức tọa đàm với chủ đề "Xu hướng sử dụng xe điện kinh doanh taxi tại Việt Nam". Tại tọa đàm, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp vận tải đã đề xuất Chính phủ một số cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích cụ thể, rõ ràng cho cả doanh nghiệp và người dùng xe điện.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tham dự tọa đàm Xu hướng sử dụng xe điện kinh doanh taxi tại Việt Nam.
Các đại biểu tham dự tọa đàm Xu hướng sử dụng xe điện kinh doanh taxi tại Việt Nam.

Trên cơ sở đó, sẽ thúc đẩy chuyển đổi và tăng số lượng xe bán ra, giảm giá bán xe điện và giúp giảm cước taxi điện cũng như rút ngắn thời gian hoàn vốn của doanh nghiệp.

Lợi ích lâu dài

Theo Giám đốc Công ty Én Vàng Nguyễn Văn Định, vận tải là ngành đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi thói quen sang sử dụng năng lượng sạch. Trước hết, cần tăng cường truyền thông đến người dân về lợi ích bảo vệ môi trường của ô-tô điện và các dòng xe xanh. Cùng đó, cần những chính sách trợ giá từ Chính phủ giống như chính sách miễn phí trước bạ cho xe điện hiện tại. Ở châu Âu và Trung Quốc, có những khoản hỗ trợ cụ thể bằng tiền cho các doanh nghiệp taxi điện.

Xu hướng kinh doanh taxi bằng xe điện ảnh 1

Vận tải là ngành đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi thói quen sang sử dụng năng lượng sạch.

Ông Nguyễn Quốc Bách, đại diện hãng taxi Bách Đại Dũng cho biết, khi tính toán kỹ, tỷ trọng nhiên liệu điện trên giá cước thấp hơn nhiều so với xe xăng và chi phí bảo dưỡng cũng thấp hơn. Vì vậy, chi phí đầu tư ban đầu của xe điện cao hơn nhưng về lâu dài sẽ có lợi hơn. Hãng đặt mục tiêu sau từ 2-3 năm sẽ hoàn vốn.

Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vận tải quốc tế Sơn Nam Hồ Quang Hiếu, đại diện hãng taxi MaiLove tại Nghệ An cho biết, giá cước taxi điện của hãng ngang xe xăng cỡ nhỏ như Hyundai Grand i10 (13.500 đồng/km đối với 25 km đầu tiên) để thu hút khách hàng và giúp người dân tiếp cận taxi điện nhanh hơn. Sau giai đoạn đầu, xe điện cho thấy hiệu quả kinh doanh rõ rệt về chi phí nhiên liệu, giảm hư hỏng và tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.

Xu hướng kinh doanh taxi bằng xe điện ảnh 2

Sau giai đoạn đầu, xe điện cho thấy hiệu quả kinh doanh rõ rệt về chi phí nhiên liệu, giảm hư hỏng và tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.

Giá điện cũng là yếu tố các doanh nghiệp vận tải quan tâm, cần bảo đảm giá điện ổn định ở hiện tại và trong tương lai, cũng như có chính sách ưu đãi về giá điện cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe điện. Chính sách ưu đãi lãi suất khi doanh nghiệp vay vốn để chuyển đổi sang xe điện cũng rất cần thiết.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, theo lộ trình của Chính phủ, từ sau năm 2030, tại các đô thị, 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh. “Việc chuyển đổi sang phát triển giao thông điện đòi hỏi lộ trình chiến lược dài hạn, gồm các mục tiêu cụ thể, cột mốc quan trọng cũng như chính sách khuyến khích và hỗ trợ nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng xe điện trên quy mô lớn”, ông Hoàng Anh nói.

Theo ông Phan Thanh Uy, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam, với một doanh nghiệp vận tải, để tối ưu cho hoạt động vận tải có rất nhiều yếu tố, phương tiện là một trong số đó. Vì thế, chi phí đầu tư phương tiện cũng cần hợp lý, tính toán sao cho sau 5-7 năm có thể thu hồi vốn.

Để lựa chọn phương tiện, ông Uy lưu ý doanh nghiệp cũng cần cân nhắc đến chi phí bảo dưỡng phương tiện, hiện nay, chi phí xe điện thấp hơn xe xăng do xe điện không cần phải thay dầu động cơ, dầu máy. Tuy nhiên, các nhà sản xuất xe điện cũng cần lưu ý đến chất lượng xe, khi vận hành phải bền bỉ với tuổi thọ càng dài càng tốt, càng hấp dẫn; nguồn phụ tùng thay thế cho phương tiện sao cho phổ biến với giá thành hợp lý mới có thể thu hút doanh nghiệp lựa chọn.

Có chính sách tạo “đòn bẩy”

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Di chuyển xanh và thông minh GSM, chủ sở hữu hãng taxi Xanh SM, đối với ô-tô điện, càng chạy nhiều sẽ càng tiết kiệm, do đó, không thể nói giá xe điện cao thì khả năng hoàn vốn lâu hơn.

Dẫn chứng 33 đơn vị hợp tác với Xanh SM đều hoàn vốn nhanh hơn so với xe xăng, thậm chí, đã có đơn vị sử dụng xe điện hạ giá cước xuống 10.000 đồng/km, đây là mức giá cước chưa đơn vị taxi xăng nào có, ông Thanh nhìn nhận nếu không có doanh thu, không có lợi nhuận, các đơn vị sao có thể hạ giá cước ở mức này. Đối với giá xe, ông Thanh cho rằng cần phải so sánh giữa các mẫu xe cùng phân khúc và so sánh giá xe lăn bánh chứ không phải giá bán mới có đánh giá hợp lý nhất.

Nhấn mạnh cần có những chính sách tạo đòn bẩy thu hút doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện xanh, ông Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô-tô (Đại học Bách khoa Hà Nội) bày tỏ quan điểm, Chính phủ cần có những chính sách về giá, vốn; phát triển trạm sạc và thúc đẩy để có thêm nhiều đối tác tham gia xây dựng trạm sạc để tạo “đòn bẩy” mạnh hơn thu hút doanh nghiệp tham gia chuyển đổi phương tiện Xanh.

Xu hướng kinh doanh taxi bằng xe điện ảnh 4

Chính phủ cần có những chính sách về giá, vốn; phát triển trạm sạc và thúc đẩy xây dựng trạm sạc tạo “đòn bẩy” thu hút doanh nghiệp tham gia chuyển đổi phương tiện xanh.

Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam Phan Thanh Uy cũng nêu kiến nghị, cần có cơ chế hỗ trợ về mặt tư vấn chính sách, giúp các doanh nghiệp taxi điện có thêm tiền khi chuyển đổi. Hiệp hội thông qua kênh chính thống đã có kiến nghị để doanh nghiệp vận tải có niềm tin hơn khi chuyển đổi sang sử dụng ô-tô điện. Về sau này, các doanh nghiệp vận tải đều có hạn ngạch phát thải khí nhà kính, nhưng văn bản quy định hạn ngạch thế nào, đơn vị nào kiểm định, cấp tín chỉ carbon,… thì chưa rõ.

Khi có hạn ngạch, các đơn vị taxi, vận tải bằng xe xăng dầu nếu vượt quá hạn ngạch sẽ phải bỏ tiền ra mua tín chỉ carbon. Đơn vị nào sử dụng 100% xe điện, chắc chắn sẽ được thêm tiền, nội bộ không hết hạn ngạch có thể bán ra ngoài, tiến đến thị trường trao đổi tín chỉ carbon, doanh nghiệp nào chuyển đổi taxi điện sau này sẽ được bù trừ, nhận tiền.

Về phía đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh, Bộ Giao thông vận tải đã sửa quy chuẩn trạm dừng nghỉ đường bộ phải có trạm sạc điện. Trong thời gian tới, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ nghiên cứu, tiếp tục sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật yêu cầu bố trí vị trí trụ sạc xe điện tại các bến xe khách, bến xe hàng hoặc các hệ thống dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Ngoài đề xuất xây dựng cơ chế chính sách để khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông đường bộ, đặc biệt là xe taxi, xe buýt, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ xây dựng tiêu chí xanh đối với các hệ thống dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ như bến xe khách, bến xe hàng hoặc trạm dừng nghỉ; phối hợp thí điểm lắp đặt các trạm sạc tại các hệ thống dịch vụ này.