Thách thức vận tải công cộng xanh

Hoạt động xe bus điện, taxi điện tại TP Hồ Chí Minh dù đang thí điểm nhưng đã gặt hái được nhiều kết quả ngoài mong đợi với lượng hành khách không ngừng tăng. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân, loại hình vận tải công cộng xanh này vẫn gặp khó khăn trong phát triển mở rộng.
0:00 / 0:00
0:00
Thành phố Hồ Chí Minh gặp nhiều thách thức trong quá trình phát triển vận tải hành khách công cộng xanh.
Thành phố Hồ Chí Minh gặp nhiều thách thức trong quá trình phát triển vận tải hành khách công cộng xanh.

Khách đông vẫn lỗ nặng

Ngay cuối năm 2023, Công ty TNHH dịch vụ vận tải sinh thái VinBus (Công ty VinBus) đã xin dừng hoạt động tuyến bus điện D4 (Vinhomes Grand Park - Bến xe bus Sài Gòn) và không thể mở tiếp các tuyến còn lại, khiến nhiều người dân tiếc nuối. Giải thích nguyên nhân, đại diện Công ty VinBus cho biết, mặc dù sản lượng hành khách của tuyến D4 ngày càng tăng, nhưng doanh thu vẫn không đủ bù chi phí. Việc này dẫn đến Công ty VinBus thua lỗ hơn 28 tỷ đồng từ năm 2022 đến tháng 8/2023.

Từ thực tế trên, Công ty VinBus đề nghị điều chỉnh tỷ lệ trợ giá cho các tuyến xe bus điện từ 44,1% lên 64,8%. Mức trợ giá này sẽ bằng tỷ lệ trợ giá bình quân hệ thống các tuyến xe bus năm 2023.

Bên cạnh xe điện, xe bus sử dụng nhiên liệu thân thiện môi trường tại TP Hồ Chí Minh được triển khai cách đây 13 năm, khởi đầu là xe bus chạy bằng khí nén thiên nhiên (CNG). Vào năm 2010, Công ty Xe khách Sài Gòn đưa chiếc xe bus CNG đầu tiên lăn bánh thí điểm, chạy trên tuyến mã số 10, lộ trình Bến xe Miền Tây - Ký túc xá Đại học Quốc gia.

Thống kê mới nhất của Sở GTVT Thành phố Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện có 496 phương tiện chạy bằng nhiên liệu CNG hoạt động trên 17 tuyến có trợ giá thuộc 6 doanh nghiệp và HTX, gồm: HTX 19-5 (158 xe), HTX 28, HTX Quyết Thắng (84 xe), HTX Việt Thắng, Liên hiệp HTX Vận tải thành phố và Công ty Xe khách Sài Gòn (128 xe). 496 xe bus CNG tương đương tỷ lệ hơn 24% tổng số 2.046 phương tiện xe bus. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là một con số còn khiêm tốn.

Về hạ tầng, để cung cấp nhiên liệu cho số xe bus CNG, TP Hồ Chí Minh hiện chỉ có 3 trạm nạp đặt tại Bến xe An Sương (Quận 12), bãi xe bus trên đường Phổ Quang (quận Tân Bình) và bãi xe bus tại Đại học Quốc gia (TP Thủ Đức). Với nhu cầu tiêu thụ mỗi ngày 40 tấn CNG, số lượng trạm nạp như trên không những quá ít, mà còn nằm ở rìa thành phố, làm phát sinh chi phí đi lại nạp khí cho doanh nghiệp vận tải.

Trao đổi ý kiến với PV, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Liên hiệp HTX vận tải thành phố Phùng Đăng Hải cho rằng, việc đầu tư thêm xe bus CNG, thậm chí thay thế hoàn toàn hệ thống xe bus sang xe bus nhiên liệu sạch phải cần đến sự hỗ trợ từ nhà nước thông qua các chính sách phù hợp. Hiện quy trình thực hiện các thủ tục pháp lý của dự án phải trải qua nhiều bước và chờ thẩm định từ nhiều sở, ngành nên kéo dài thời gian. Ngoài ra, việc thay đổi chủ trương, chính sách về lĩnh vực xây dựng cũng ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư dự án.

Loay hoay tìm hướng đi

Theo Sở GTVT Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố hiện đang triển khai chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải. Theo đó, mục tiêu từ năm 2025 trở đi, 100% số xe bus được thay thế, đầu tư mới sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh với tỷ lệ vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố đạt 25%.

Từ năm 2030, tỷ lệ xe sử dụng điện, năng lượng xanh đạt ít nhất 50%; 100% taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% số xe bus, taxi sử dụng điện, năng lượng xanh. Thành phố đã đưa vào vận hành 77 xe bus điện hoạt động tại 5 trên tổng số 128 tuyến. Ngoài ra còn có thêm 500 xe bus chạy bằng CNG.

Phó Giám đốc Sở GTVT Võ Khánh Hưng cho biết, Sở đã báo cáo và đề xuất xem xét ban hành khung pháp lý đồng bộ về phát triển vận tải xanh nhằm huy động, tận dụng các nguồn lực xã hội, nhanh chóng tiến tới thực hiện cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu cũng như hướng tới cam kết phát thải bằng 0 vào năm 2050 của Chính phủ.

Sở GTVT cũng đề xuất đầu tư hệ thống trạm sạc, hạ tầng phục vụ bảo trì, bảo dưỡng phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch song song với việc phát triển xe bus sử dụng nhiên liệu thân thiện môi trường. Trong thời gian tới, Sở GTVT sẽ chủ động phối hợp Ban Quản lý các công trình giao thông để tham mưu các cơ sở pháp lý liên quan như định mức, đơn giá cho xe bus sử dụng nhiên liệu sạch làm cơ sở lập dự toán kinh phí đấu thầu.

Góp ý cho quá trình phát triển giao thông vận tải công cộng xanh, Ths Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách TP Hồ Chí Minh cho rằng, ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ vận tải xanh từ ngân sách, thành phố nên có thêm chính sách thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách, đơn cử như việc quảng cáo trên xe bus. Hiện nay, thành phố đã có chính sách thu hút nguồn vốn này nhưng triển khai chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Nên chăng có sự điều chỉnh, theo đó nên dành một phần thỏa đáng nguồn thu từ đây cho các đơn vị vận tải. Nguồn tiền này vừa giúp doanh nghiệp có thêm chi phí bảo dưỡng xe, vừa có thêm trách nhiệm giữ gìn các hình ảnh quảng cáo trên xe. Thành phố cũng nên có chiến lược đầu tư cho các chương trình truyền thông, thu hút hành khách sử dụng phương tiện vận tải công cộng.

Còn theo quan điểm của PGS, TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông (Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh), đến năm 2030, xe bus vẫn là phương tiện chở khách chủ lực của thành phố. Do đó, ngoài những giải pháp như thay mới, tăng số lượng và chất lượng phương tiện, thành phố cần tính tới lộ trình và vạch ra kế hoạch xa hơn, đặc biệt phát triển phương tiện xanh như bus điện, nhiên liệu sạch CNG, góp phần thực hiện cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu cũng như hướng tới cam kết phát thải bằng 0 vào năm 2050.