Luật Đường bộ vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 với nhiều thay đổi trong quy định về hoạt động vận tải đường bộ so với Luật Giao thông đường bộ 2008.
Cụ thể, tại khoản 6 Điều 56 Luật quy định kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô-tô gồm: kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và loại hình kinh doanh vận tải hành khách mới theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, so với quy định trước, loại hình kinh doanh vận tải du lịch đã bị lược bỏ, đồng thời bổ sung thêm loại hình kinh doanh vận tải hành khách mới theo quy định của Chính phủ.
Giải trình nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc quy định loại hình xe hợp đồng và xe du lịch thành loại hình xe hợp đồng do hai loại hình này có đặc điểm, tính chất tương đồng về tổ chức vận tải; có phạm vi hoạt động, đối tượng phục vụ và hình thức giao kết hợp đồng giữa đơn vị kinh doanh vận tải và người thuê vận tải tương tự nhau.
Khi quy định chung hai loại hình này thành xe hợp đồng, phương tiện vẫn được ưu tiên hoạt động tại các khu vực, điểm du lịch, vận chuyển khách du lịch như quy định hiện hành...
Mặt khác, Luật Đường bộ 2024 đã cho phép xe hợp đồng từ 8 chỗ trở xuống (không kể chỗ của người lái xe), tức xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi được phép gom khách lẻ đi chung một chuyến xe.
Cụ thể, tại khoản 10 Điều 56 quy định kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô-tô chở người để vận tải hành khách theo hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với người thuê vận tải, bao gồm cả thuê người lái xe.
Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô-tô chở người từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) - tức xe từ 9 chỗ trở lên, phải có hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với người thuê vận tải thuê cả chuyến xe, bao gồm cả người lái xe.
Như vậy, xe dưới 9 chỗ sẽ không cần phải ký hợp đồng với người thuê vận tải cả chuyến xe, đồng nghĩa với việc được phép gom khách lẻ đi ghép, đi chung một chuyến xe.
Đây cũng là nội dung được tiếp thu từ ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội trong quá trình thảo luận, hoàn thiện dự án Luật Đường bộ tại kỳ họp vừa qua. Theo các đại biểu, mô hình chia sẻ chuyến xe hợp đồng dưới 10 chỗ là một loại hình vận tải hành khách phổ biến ở nhiều quốc gia.
Về cơ bản, mô hình này cho phép các hành khách khác nhau có cùng lộ trình nhưng khác điểm đón và trả khách, có thể đi chung một chuyến xe, hành khách sẽ được hưởng cước phí di chuyển rẻ hơn, còn người lái xe thì cũng được gia tăng thu nhập do lượng hành khách trong một chuyến xe tăng lên.
Mô hình này lại mang nhiều lợi ích cho xã hội vì nó có thể tối đa hóa số lượng người di chuyển trong một chuyến đi, do đó sẽ giúp giảm đáng kể lưu lượng xe lưu thông trên đường. Những tác động này sẽ góp phần giảm áp lực đối với cơ sở hạ tầng và giải quyết phần nào tình trạng tắc nghẽn giao thông, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường.
Trên cơ sở đó, đại biểu Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan rà soát, điều chỉnh khoản 10 Điều 56 theo hướng vừa kiểm soát tình trạng xe dù, bến cóc nhưng vẫn tạo điều kiện cho dịch vụ chia sẻ chuyến xe dưới 10 chỗ được hoạt động.